Kinh tếMôi trường rừng

Khi chủ rừng được hưởng lợi từ rừng

10:30 - Thứ Năm, 20/05/2021 Lượt xem: 4069 In bài viết

ĐBP - Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Từ nguồn tiền chi trả DVMTR nhận được, các hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đầu tư sinh kế; còn cộng đồng dân cư có thêm kinh phí để xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi. Thực tế đó đã thúc đẩy các chủ rừng tích cực hơn trong quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao; qua đó góp phần quan  trọng vào việc giữ màu xanh cho những cánh rừng.

Cơ quan chức năng cùng lực lượng kiểm lâm rà soát diện tích rừng để thực hiện chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Được giao quản lý và bảo vệ 217ha rừng, mỗi năm cộng đồng tổ dân phố 2, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) được chi trả khoảng 100 triệu đồng tiền DVMTR. Dù số tiền được chi trả chưa nhiều, song đó là nguồn kinh phí phục vụ, duy trì hoạt động của tổ tuần tra, bảo vệ rừng cũng như đáp ứng nhu cầu xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng trong khu phố; góp phần để phố hoàn thành được nhiều chỉ tiêu trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Lò Văn Ngoan, Tổ trưởng tổ dân phố 2, thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà cho biết: Khi tổ dân phố 2 là chủ rừng thì chúng tôi cùng chung sức, đồng lòng bảo vệ diện tích rừng được giao khoán. Vì lẽ đó, tiền DVMTR, chúng tôi cũng sẽ sử dụng vào các mục đích chính đáng như tu sửa nhà văn hóa, đường sá… trong khu phố. Đồng thời nhằm nâng cao trách nhiệm của các thành viên trong tổ tuần tra, bảo vệ rừng, tổ dân phố 2 cũng quan tâm đến chế độ cho anh em nên mọi người cũng nhiệt tình hơn trong công tác bảo vệ rừng. Khi xảy ra cháy hay phát hiện có người chặt phá rừng, anh em đều nhanh chóng có mặt để ngăn chặn…

Bản Nà Ngám 1, xã Nà Nhạn (TP. Điện Biên Phủ) hiện có hơn 160ha rừng, trong đó hơn 70ha rừng trồng. Khi bà con cùng trồng, cùng chăm sóc, bảo vệ và cùng hưởng lợi thì diện tích rừng này đã trở thành tài sản chung của cộng đồng bản. Khi rừng chưa đến tuổi khai thác, cộng đồng bản Nậm Ngám 1 đều được hưởng kinh phí từ các chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng và chi trả DVMTR. Từ nguồn kinh phí đó, bà con sử dụng vào mục đích bảo vệ rừng và một số hoạt động, việc làm đem lại lợi ích chung của địa phương. Với người dân ở Nà Ngám 1, việc bảo vệ rừng bây giờ là trách nhiệm chung của cả cộng đồng bản và không ai có quyền được xâm phạm, chặt phá làm nương. Bà Lò Thị Hạ, bản Nà Ngám 1, xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Gần 7 năm nay, dân bản đã chuyển đổi từ canh tác trên nương sang phát triển kinh tế rừng bền vững. Diện tích rừng mà bản đang quản lý, bảo vệ là thành quả chung của cả bản. Vậy nên, dân bản quy định không cho ai phá rừng, cấm chặt phá cây rừng. Ngoài ra, bản cũng không cho lấy cây, lấy củi, cái gì cũng cấm, không cho trâu bò vào rừng nữa. Chúng tôi phải trồng rừng và chăm sóc rừng cho cây phát triển tốt để còn được hưởng tiền chi trả DVMTR chứ!”.

Đến nay, toàn tỉnh có tổng số hơn 4.600 chủ rừng được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó: 08 tổ chức, 37 UBND xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, 1.035 cộng đồng, 3.528 hộ gia đình, cá nhân. Để các chủ rừng được hưởng lợi chính đáng từ rừng, từ đầu năm đến nay, Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, xác minh diện tích rừng cung ứng DVMTR năm 2020 ngoài thực địa đối với diện tích có kiến nghị của chủ rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé, Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Chà, Điện Biên Đông, với tổng diện tích gần 14.000ha. Tham gia kiểm tra diện tích rừng cung ứng DVMTR theo kế hoạch của Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo. Tổng hợp trên 390ha rừng cung ứng DVMTR gửi các chủ rừng và UBND các xã, phường thị trấn theo quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó diện tích đủ điều kiện chi trả năm 2020 hơn 304.000ha; diện tích còn lại chưa đủ điều kiện chi trả do 1 phần diện tích rừng thuộc lưu vực có cung ứng DVMTR năm 2020 chưa được giao, chưa xác định được đối tượng nhận tiền thuộc lưu vực sông Đà, sông Mã và các lưu vực nội tỉnh. Song song với đó, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng đã chi gần 136 tỷ đồng (nguồn năm 2020 chuyển sang); trong đó chi quản lý gần 2,9 tỷ đồng và chi cho các chủ rừng trên 130 tỷ đồng. Kết quả thanh toán DVMTR năm 2020 cho chủ rừng đạt 91% kế hoạch, đạt 85% so với nguồn tiền năm 2020 phải giải ngân…

Thực tế cho thấy, việc chi trả DVMTR đã mang lại “lợi ích kép” khi vừa nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ rừng của chủ rừng; vừa tạo sinh kế từng bước cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Nhất là khi chủ rừng được hưởng lợi từ rừng, sống được nhờ rừng thì điều tất yếu họ sẽ phải có trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ chính “chiếc cần câu cơm” của mình. Vì vậy, chính sách chi trả DVMTR đã và đang phát huy tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và sẽ trở thành động lực thúc đẩy người dân làm tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top