Kinh tếMôi trường rừng

Vấn đề tuần này

Tạo sinh kế để giữ rừng

08:07 - Thứ Năm, 19/08/2021 Lượt xem: 2622 In bài viết

ĐBP - Với diện tích tự nhiên hơn 954.000ha, trong đó gần 695.000ha quy hoạch đất lâm nghiệp, Điện Biên có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên, tỷ lệ che phủ rừng của Điện Biên nhiều năm đạt thấp, không ít những khu rừng bị khai thác, chặt phá. Làm thế nào để người dân bảo vệ rừng, gắn bó với rừng là vấn đề không chỉ của Điện Biên mà của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tạo sinh kế để người dân sống dựa vào rừng từ đó tích cực trồng rừng, bảo vệ rừng là giải pháp đang được nhiều địa phương triển khai thực hiện.

Người dân huyện Mường Ảng kiểm tra diện tích rừng trồng. Ảnh: Phạm Quang

Nhờ thực hiện tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, nhiều cộng đồng thôn, bản trong toàn tỉnh đã được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, giữ rừng. Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 40.000 gia đình hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền mỗi hộ được nhận tuy chưa nhiều nhưng việc bảo vệ rừng đã tạo việc làm, tạo động lực để họ  gắn bó hơn với rừng. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã trồng mới được gần 4.500ha rừng và trên 1,8 triệu cây phân tán. Nhờ vậy, đến cuối năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 42,66% tăng hơn 4% so với năm 2015.

Để nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 45,5% vào năm 2025, tỉnh ta ưu tiên nguồn lực bảo vệ, chăm sóc khoanh nuôi tái sinh diện tích rừng hiện có; đồng thời khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn. Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp làm cơ sở liên doanh, liên kết phát triển kinh tế lâm nghiệp và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thực tế, việc trồng rừng, bảo vệ rừng sẽ thực hiện hiệu quả khi cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu địa phương có giải pháp phù hợp, sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Kế hoạch trồng rừng năm 2021 toàn tỉnh đặt mục tiêu trồng mới 150ha nhưng đến thời điểm này khi mùa trồng rừng đã qua chúng ta trồng được 130ha thuộc huyện Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Ảng, riêng huyện Điện Biên không thực hiện được kế hoạch trồng rừng. Ngoài những khó khăn khách quan như khu vực trồng rừng xa, không thuận lợi, kinh phí phân bổ chậm khiến người dân không đăng ký trồng rừng thì nguyên nhân chủ quan là sự thiếu sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nhiều giải pháp tăng tỷ lệ che phủ rừng, phát triển rừng trồng và khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng đã được cấp ủy, chính quyền và ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là việc quy hoạch 3 loại rừng và giao đất, giao rừng cho người dân. Không ít diện tích rừng quy hoạch trùng với đất sản xuất, đất nương của người dân; việc giao đất, giao rừng cho các chủ rừng bị chồng lấn diện tích, thậm chí chồng lấn sang địa giới hành chính của địa phương khác; sai sót giữa bản đồ với thực địa… Những vướng mắc này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn với chính quyền địa phương cùng người dân để thống nhất tháo gỡ, giải quyết; tránh tình trạng giao đất, giao rừng trên… giấy.

Để người dân gắn bó với rừng, chủ động tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng cần có giải pháp bền vững hơn, tạo sinh kế, nguồn thu nhập từ rừng cho nhân dân. Nhiều địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khoanh nuôi, bảo vệ rừng để được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; đồng thời, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế rừng, trồng sa nhân dưới tán rừng và nuôi ong lấy mật vừa thêm thu nhập vừa gắn bó với rừng.

Với diện tích đất lâm nghiệp lớn, Điện Biên có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế rừng, thu hút đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp. Việc khoanh nuôi, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; đẩy mạnh trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ sẽ mang lại hiệu quả kép trong công tác bảo vệ rừng và tạo nguồn thu nhập chính đáng cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Khi mỗi người dân chung tay bảo vệ và phát triển rừng sẽ góp phần phát huy tiềm năng vai trò và tác dụng của rừng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nhẹ thiên tai, thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về phát triển rừng bền vững.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top