Kinh tếMôi trường rừng

Nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ, phát triển rừng

08:41 - Thứ Năm, 19/08/2021 Lượt xem: 3996 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, cùng với công tác quản lý, bảo vệ, các cấp ngành chức năng đã tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của các chủ rừng, cộng đồng thôn bản và người dân trên địa bàn về bảo vệ rừng.

Rừng Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) nhìn từ trên cao. Ảnh: C.T.V

Hiện nay, Điện Biên có 694.753ha quy hoạch đất lâm nghiệp (chiếm 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh); tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,66%.

Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Tỉnh ta có diện tích rừng lớn. Để công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì vai trò của chủ rừng, người dân là rất quan trọng. Chính vì vậy, tỉnh luôn chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, từ đó góp sức cùng lực lượng chức năng bảo vệ và phát triển rừng.

Thực hiện đúng, đủ các chính sách về quản lý, bảo vệ rừng là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần tạo động lực, nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc giữ rừng, trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc. Trong đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã chứng tỏ hiệu quả và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong những năm qua. Với tổng diện tích hơn 290.000ha được chi trả DVMTR, trong tháng 5/2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả trên 134 tỷ đồng tiền DVMTR năm 2020 cho các chủ rừng; gồm 1.058 hộ gia đình, 630 cộng đồng, 5 tổ chức và gần 50 UBND cấp xã được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ.

Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tăng nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, tạo động lực khuyến khích người dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Việc chi trả kịp thời tiền DVMTR đã tạo sự tin tưởng, yên tâm với các chủ rừng; đồng thời khích lệ chủ rừng, nhân dân tích cực hơn trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ rừng cho người dân.

Bên cạnh việc triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành, tỉnh ta đã thực hiện tích cực các dự án về quản lý, bảo vệ rừng. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ta triển khai Dự án Đầu tư nâng cao năng lực PCCCR với tổng kinh phí 19 tỷ đồng.  Dự án nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và chỉ huy PCCCR; năng lực của kiểm lâm, nhận thức của người dân và các cấp chính quyền trong PCCCR; hình thành và phát triển lực lượng PCCCR tới thôn, bản. Từ năm 2017 đến nay, dự án đã trang bị trên 22.500 dụng cụ chữa cháy như: Câu liêm chữa cháy rừng, vỉ dập lửa, dao phát cán dài và hàng trăm thiết bị như: Xe chuyên dùng, xuồng máy, loa phóng thanh, định vị GPS... cho trên 950 tổ, đội PCCCR tại 10/10 đơn vị cấp huyện, 117/129 xã có rừng.

Ông Nguyễn Cương Quyết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên cho biết: Từ nguồn vốn Dự án Nâng cao năng lực  PCCCR, từ đầu năm đến nay Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên đã phối hợp với UBND các xã tổ chức cắm nhiều biển cảnh báo PCCCR, cấm phá rừng, khu vực chi trả DVMTR. Trước đây, nhiều người dân còn chưa xác định rõ ranh giới giữa đất nương với đất rừng, khu vực rừng được chi trả DVMTR nên nhiều trường hợp phát nương lấn vào diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp. Do đó hệ thống biển cảnh báo tại các khu vực bìa rừng, khu vực giáp ranh đã giúp người dân phân biệt rõ và hạn chế các hành vi nhầm lẫn, vi phạm.

Từ đầu năm đến nay, cùng với nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Bên cạnh việc duy trì các hình thức họp thôn bản, xây dựng quy ước, hương ước và ký cam kết bảo vệ rừng với từng hộ gia đình, lực lượng kiểm lâm còn phối hợp với ngành giáo dục tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, công tác bảo vệ, phát triển, phòng cháy chữa cháy rừng tại trường học. Nội dung tuyên truyền được lồng ghép vào các buổi học ngoại khóa và thông qua cuộc thi tìm hiểu pháp luật về lâm nghiệp. Sau khi được học tập, tiếp thu, các em học sinh sẽ truyền đạt hiểu biết của bản thân về Luật Lâm nghiệp tới gia đình và cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 150 buổi tuyên truyền với 6.000 lượt người tham gia; các lực lượng phối hợp đã thực hiện 1.389 lượt tuần tra, kiểm soát rừng với 10.145 người tham gia.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, tích cực phát triển kinh tế từ trồng rừng, nhận khoán bảo vệ rừng. Nhờ đó 6 tháng đầu năm 2021, số vụ vi phạm lâm luật giảm 72 vụ (30,5%) so với cùng kỳ năm 2020; trên địa bàn không xảy ra cháy rừng.

Nhật Phương
Bình luận
Back To Top