Kinh tếNông thôn mới

Tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP

10:51 - Thứ Hai, 27/07/2020 Lượt xem: 2851 In bài viết

ĐBP - Sau gần hai năm triển khai thực hiện, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng định hình thương hiệu, chất lượng sản phẩm thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP đang gặp nhiều khó khăn, cần sự nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Dứa là một trong những sản phẩm chủ lực trong phát triển OCOP của huyện Mường Chà.

Đến nay toàn tỉnh có 26 sản phẩm của 11 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó có 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 24 sản phẩm đạt hạng 3 sao; gồm 14 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 12 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống. Với kết quả đạt được, chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường theo huớng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Tuy nhiên, nút thắt khiến cho các sản phẩm OCOP của tỉnh ta chưa thể vươn xa, tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường lớn là vấn đề liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị, các cửa hàng bán lẻ lớn. Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu có mặt trong các siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, còn thị trường ngoài tỉnh rất ít.

Việc lựa chọn, phát triển rồi đánh giá, gắn sao cho sản phẩm OCOP mới chỉ là bước đầu. Khâu quan trọng là xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm, đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, bán lẻ, có như vậy chuỗi giá trị mới phát triển bền vững. Thế nhưng, đây vẫn còn là điểm yếu của các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh ta. Nguyên nhân do các chủ thể tham gia OCOP đều là các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô sản xuất nhỏ nên kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ khó khăn. Các sản phẩm OCOP tuy có chất lượng tốt, có tiềm năng phát triển song hầu như các chủ thể còn lúng túng trong việc xây dựng và nâng tầm thương hiệu; bao bì, nhãn mác chưa bắt mắt và tạo ra sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng… Đơn cử Hợp tác xã Ong mật Điện Biên được thành lập năm 2019 với mục tiêu tạo thương hiệu và nâng cao giá trị mật ong Điện Biên trên thị trường. Tham gia Chương trình OCOP năm 2019, sản phẩm “mật ong hoa ban” của hợp tác xã đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp loại 4 sao, song việc mở rộng thị trường còn khó khăn.

Anh Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Hợp tác xã Ong mật Điện Biên cho biết: “Hợp tác xã quy mô nhỏ, kinh phí hoạt động hạn hẹp nên thị phần sản phẩm trên thị trường còn hạn chế. Đây cũng là khó khăn lớn nhất của hợp tác xã sau khi sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Hiện nay, hợp tác xã chủ yếu bán mật thô cho thương lái các tỉnh miền xuôi với giá thành rẻ, chỉ bằng 1/2 giá trị của sản phẩm mật ong thành phẩm đạt chuẩn.”

Giải bài toán kết nối sản phẩm OCOP vào thị trường là vấn đề cấp bách để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, cùng với việc các chủ thể sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm thì chính quyền địa phương, ngành chức năng cần tập trung hỗ trợ sản xuất sản phẩm theo hướng an toàn, các thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thiện về mẫu mã, bao bì bảo đảm đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối và đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, hội thảo... Động thái tích cực mới đây nhất là việc ký kết chương trình hợp tác tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa tỉnh Điện Biên và tỉnh Quảng Ninh nhằm tăng cường phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP. Hai bên đã thống nhất thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai chương trình OCOP; thường xuyên chia sẻ thông tin về nhu cầu thị trường của 2 địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm...

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top