Kinh tếNông thôn mới

Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

08:35 - Thứ Hai, 16/11/2020 Lượt xem: 3756 In bài viết

ĐBP - Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình (năm 2010) tỉnh ta đã luôn quan tâm, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo gắn với coi trọng bảo vệ, cải thiện môi trường. Ðặc biệt, đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi tư tưởng, thói quen, tập quán của nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sống từ những việc làm nhỏ nhất.

Ðoàn viên thanh niên huyện Tủa Chùa tích cực tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, đảm bảo vệ sinh môi trường.  Ảnh: C.T.V

Ðiện Biên có 129 xã, phường, thị trấn (116 xã thực hiện chương trình xây dựng NTM). Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp: Chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh; tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan... Ðặc biệt, ô nhiễm môi trường tại các khu chế biến nông sản khó kiểm soát, xử lý và khắc phục (ô nhiễm nguồn nước, không khí trong chế biến: Cà phê, tinh bột, dong riềng...). Theo thống kê, trung bình mỗi ngày khu vực nông thôn phát sinh khoảng 205,58 tấn chất thải sinh hoạt; chất thải chăn nuôi khoảng 2.620.688 tấn. Mỗi năm toàn tỉnh phát sinh khoảng 4,5 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nhưng việc thu gom mới chỉ tập trung ở huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ.

Xác định vấn đề môi trường - cảnh quan là yếu tố cốt lõi để phát triển nông thôn bền vững, vì thế ngoài ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung môi trường thuộc tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM; tỉnh ta đã hỗ trợ các địa phương, người dân xây dựng công trình xử lý môi trường nông thôn, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; lò đốt rác tập trung, cung cấp công cụ, phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt... Ðặc biệt, các công trình cấp nước nông thôn tập trung bị hư hỏng, xuống cấp đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt ngày càng cao của người dân (hiện nay tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh ước đạt 82,70%). Tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, tạo đột phá trong phát triển chăn nuôi quy mô lớn gắn với quy hoạch, xây dựng hệ thống xử lý chất thải; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định, góp phần giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường do ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi (đến nay có 34/116 xã đạt tiêu chí chuồng trại chăn nuôi đảm bảo môi trường). Ðối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đã được các cấp ủy Ðảng, chính quyền quan tâm sâu sát, nhất là đã huy động được sự chung tay, góp sức của nhân dân, tạo hiệu ứng sâu rộng trong cộng đồng xã hội, nâng số xã đạt tiêu chuẩn thu gom chất thải rắn theo quy định lên 53/116 xã. Có thể khẳng định, tới nay sau 10 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, dù còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật môi trường còn hạn chế nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh ta đã có 21/116 xã cán đích tiêu chí số 17: Xã Lay Nưa (TX. Mường Lay); Chà Nưa (huyện Nậm Pồ); Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông); Sín Thầu (huyện Mường Nhé)...

Về xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) hôm nay, đường làng, ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ, khuôn viên xã được phủ kín bởi hàng cây xanh mát, nhất là tình trạng xả rác trong cộng đồng giảm đáng kể... Ông Pờ Chinh Phạ, quyền Chủ tịch UBND xã Sín Thầu chia sẻ: Ðể môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, tạo không gian sống trong lành cho nhân dân, xã đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các thôn, bản thực hiện nghiệm việc bảo đảm vệ sinh môi trường. Ðối với chất thải trong chăn nuôi, xã đã tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại kiên cố, xa nhà ở. Ðể nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường, xã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp như: Thu dọn rác thải, khơi thông cống rãnh, kênh mương; thu gom bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật về các điểm thu gom theo quy định; vận động người dân cải tạo, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, tạo cảnh quan khu dân cư...

Trong những năm tiếp theo, để đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế du lịch và dịch vụ; hạn chế tác động xấu đến cảnh quan, ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất công nghiệp cũ, lạc hậu; đề ra những giải pháp căn cơ nhằm duy trì tiêu chí môi trường thường xuyên để đảm bảo xã đạt chuẩn NTM bền vững. Ðặc biệt, ưu tiên bố trí quỹ đất và quan tâm đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải, nước thải, hạ tầng kỹ thuật môi trường; tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất nông nghiệp, đẩy mạnh thu gom, xử lý bao bì thuốc trừ dịch hại, phân bón, thức ăn chăn nuôi... Từ đó, đem lại môi trường sống an toàn cho nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM theo đúng lộ trình.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top