Cá độ bóng đá: Những nguy cơ đã được cảnh báo

00:00 - Thứ Ba, 26/06/2012 Lượt xem: 6145 In bài viết
Ngỡ tưởng, chỉ cần “ngồi mát”, lướt web, kích chuột đặt cược các trận đấu bóng là sẽ nhanh chóng “đút túi” được một khoản tiền kếch sù. Nhưng không! Lối suy nghĩ này của một bộ phận không nhỏ là dân chơi, dân “bóng bánh” hiện nay đã và đang thật đáng báo động. Bởi, thực tế thời gian qua cho thấy, đi kèm với “thú” cá độ bóng đá này là những hậu quả khôn lường.  >>> Lật tẩy cá độ bóng đá thời công nghệ cao

Sau mỗi trận đấu bóng: “Phố cầm đồ” lại… nhộn nhịp

10h30, ngày 20/6. Tiết trời có vẻ dịu hơn mấy hôm trước, thế nhưng ở tuyến phố Đặng Dung (quận Ba Đình, Hà Nội) – nơi vốn được biết đến với cái tên “phố cầm đồ” “nóng” hơn bao giờ hết. Tại gần chục tiệm cầm đồ tọa lạc, hoạt động ở nơi đây, dân chơi ra vào nhộn nhịp.

“Do trận Pháp – Thụy Điển rạng sáng nay đó”, một dân chơi đang tháo chiếc dây chuyền vàng có trọng lượng ngót 1 cây đặt lên trên bàn cô nhân viên tiệm cầm đồ số 1x Đặng Dung thở dài cho hay. Sau ít phút quan sát, chúng tôi được hay, thì ra, dân chơi này cũng như việc nhiều tiệm cầm đồ nằm trên phố Đặng Dung vào thời điểm hiện tại xuất hiện hình ảnh người ra vào tấp nập bắt nguồn từ nguyên nhân đội tuyển bóng đá nam Pháp đã thất trận 0-2 trước đội tuyển Thụy Điển.

Được xem là “cửa trên”, trước trận đấu “nhà cái” ra độ Pháp chấp Thụy Điển 1 ăn nửa (tức thắng cách biệt 1 bàn thì được nửa tiền); chấp 1 hòa (phải thắng 2 quả cách biệt mới được cả tiền, trong khi chỉ phải bỏ ít tiền)…

Dù với việc ra độ thế nào, tỷ lệ đặt cược ra sao thì trong trận đấu cuối vòng bảng D – Euro 2012 giữa đội tuyển Pháp và Thụy Điển này thì phần thắng được giới “bóng bánh” đánh giá sẽ thuộc về đội tuyển Pháp, một trong những đội tuyển ứng cử viên sáng giá cho cup vô địch lần này. Còn đội tuyển Thụy Điển thì đã chính thức bị loại, không còn gì để mất. Dân chơi đổ xô đi đánh cược cho đội tuyển Pháp theo đó là khó tránh khỏi.

Thế nhưng, trái bóng tròn đưa từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đội tuyển Pháp đã thua với tỷ số 0-2. Và tất nhiên, dân chơi chỉ còn nước đem đồ đạc tài sản tới “phố cầm đồ” để thanh toán cho cuộc chơi mất người của mình đêm hôm trước.

Trên tuyến phố đường Láng, vào chiều cùng ngày, hình ảnh nhộn nhịp dân chơi lui tới các tiệm cầm đồ ở đây để cầm cố tài sản: xe máy, dây chuyền vàng, điện thoại di động… Nam, nhân viên của một cửa hàng cầm đồ D.D cho hay, trong những ngày vừa qua khi giải đấu bóng Euro 2012 diễn ra, cửa hàng của Nam đã tiếp nhận và đáp ứng cho hàng chục dân chơi thua độ bóng đá đến cầm cố tài sản để thanh toán tiền cho nhà cái.

Nhiều dân chơi còn đem cả ôtô đến ký gửi. Và tất nhiên, lượng cầu đang có chiều hướng gia tăng, thế nên, chủ cầm đồ đua nhau đẩy lãi suất cho vay lên cao ngất ngưởng. Thông thường, khách vay tiền 1 triệu đồng thì mức lãi suất là 3 ngàn/ngày. Thì nay, có không ít cửa hàng thẳng thừng đẩy giá lãi suất lên 5 - 7 ngàn đồng. Nếu dân chơi kêu ca, chủ các tiệm cầm đồ không ngần ngại buông một câu: “Không cầm thì đi chỗ khác”.

Những lúc thế này dân chơi cũng chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi không còn cách nào khác để có gấp số tiền thanh toán cá độ bóng. Như trong sáng 20/6, tại tiệm cầm đồ 1x trên phố Đặng Dung, mặc cho nhân viên của cửa hàng đưa ra mức lãi suất chênh nhiều lần so với ngày thường, song cu cậu dân chơi vẫn kìm lòng để đặt con xe SH 150cc mới tinh của mình để lấy 5 chục củ (tức 50 triệu đồng). Và rồi, sau những lần phải lui tới tuyến “phố cầm đồ” này, không ít dân chơi đã hiểu ra hệ lụy đi kèm với thú cá độ bóng đá thì đã là quá muộn. 

 

Hung thủ và hiện trường vụ án liên quan đến cá độ bóng đá.

Hệ lụy khôn lường

Khi đã dấn sâu vào những cuộc chơi mất người – cá độ bóng đá này rồi. Khó có ai là không đối diện với những hệ lụy khôn lường. Nhiều trường hợp đã trở nên trắng tay, phải ân hận vì giây phút nông nổi, ham làm giàu một cách chóng vánh của mình. Mới đây, khi mà những trận đấu bóng của giải vô địch châu Âu Euro 2012 đang diễn ra sôi động, tôi đã tìm về Đông Triều – Quảng Ninh, nơi mà H. “trọc” đang tu thân ở đây.

Khác với trước đây, trông H. chững chạc khác thường. Vận trên mình bộ quần áo của một anh nông dân làm nghề vườn – ao - chuồng chính hiệu. H đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. H. kể, từ sau thời điểm World Cup 2010 kết thúc, xe máy, nhiều tài sản khác trong nhà lần lượt đội nón ra đi, H đã quyết tâm từ bỏ cuộc chơi cá độ bóng đá.

Ngày đó, H. đã “đốt” của gia đình không biết bao nhiêu là tiền. Do lãi mẹ đẻ lãi con, gia đình đã phải bán cả nhà để trả nợ cho cậu quý tử của mình. Còn H., từ một dân chơi con một trong một gia đình buôn bán khá giả ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) luôn ăn sung mặc sướng sau đợt “sóng ngầm” lướt qua, H. đã trở nên trắng tay. Phải về quê nhà để tự thân lao động trong mô hình vườn - ao - chuồng. H. nói: “Tôi đã thấm được hậu quả do cá độ bóng đá gây ra. Từ nay về sau, tôi xin cạch”.

Không chỉ mất đi tài sản, tương lai thì mờ mịt, nhiều trường hợp sau khi quay cuồng trong cơn lốc cá độ bóng đá, do không có tiền chi trả nên đã liều lĩnh gây án. Mới đây, trong những ngày các trận đấu bóng Euro 2012 diễn ra, do thua độ bóng đá nợ “nhà cái” 40 triệu đồng, nên Đặng Văn Bình, 28 tuổi ở Sơn Trà (Đà Nẵng) đã thực hiện hành vi cướp tài sản.

13h30 ngày 14/6, Bình đã đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang che mặt dùng cục đá tới tiệm vàng K.H. trên đường Phó Đức Chính, phường Mân Thái để cướp tiệm vàng. Khi đang thực hiện hành vi cướp tài sản này Bình đã bị anh Nguyễn Xuân Vinh (con trai chủ tiệm) phát hiện truy hô. Bình liền bỏ chạy. Tuy nhiên, ngay sau đó Bình đã bị cơ quan Công an điều tra, bắt giữ.

Ở mức độ cao hơn, khi lâm vào đường cùng – do cá độ bóng đá đem lại, có những dân chơi còn có những hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Đơn cử phải kể đến vụ án giết người, cướp tài sản do đối tượng Trần Mạnh Luân, 23 tuổi, ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) gây ra.

Tối 10/6, Luân cùng một người bạn ra quán cà phê xem bóng đá (trận Tây Ban Nha – Italia). Ở đây, Luân có tham gia cá độ bóng đá và thua độ. Khi trở về nhà, Luân bị mẹ la mắng vì chuyện mang xe máy đi cầm đồ. Mang trong mình sự bực tức, Luân đến ở nhờ nhà anh H.Đ.T. (26 tuổi), tạm trú tại xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa). Biết anh T có tài sản, nên đêm hôm đó, Luân đã dùng dao đâm nhiều nhát khiến anh T tử vong, rồi cướp số tiền 3 triệu đồng. Nhận được tin báo, cơ quan Công an đã tổ chức bắt giữ Luân. 

Kết cục của cuộc chơi mất người – cá độ bóng đá đã rõ. Và hơn lúc nào hết, bản thân mỗi dân chơi cần nhận thức rõ hệ lụy khôn lường đi kèm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần ngăn chặn kịp thời cơn “sóng ngầm” mang tên cá độ bóng đá này. Lẽ vì, đây chính là một trong những nhân tố góp phần khiến tội phạm hình sự diễn tiến phức tạp.

 

Thượng tá Nguyễn Quang Trung – Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (Công an tỉnh Thanh Hóa): Cá độ bóng đá – khởi nguồn của hoạt động cho vay nặng lãi

Nạn cá độ bóng đá luôn kéo theo hàng loạt tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự khác. Đáng kể nhất đó là hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”. Bởi, khi đã lâm vào đường cùng, không có khả năng chi trả các khoản tiền do thua cược cá độ bóng đá, dân chơi rất dễ tìm đến các quỹ “tín dụng đen”, vay tiền với mức lãi suất cắt cổ.

Và rồi khi không trả lãi đủ, những mâu thuẫn, siết nợ theo kiểu xã hội đen theo đó xuất hiện là điều khó tránh khỏi. Do vậy, ngăn chặn cá độ bóng đá cũng đồng nghĩa với việc góp phần ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi, “cơn lốc” tín dụng đen.   

Đại tá Đào Thanh Hải – Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH (Công an TP Hà Nội): Đi kèm với nạn cá độ bóng đá là vô số những hệ lụy khôn lường

Khi dấn thân vào con đường cá độ bóng đá rồi, lúc thua độ, người chơi rất dễ bị “nhà cái” siết nợ, tổ chức khủng bố tinh thần, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ.

Mặt khác, do lâm vào đường cùng, những hành vi vi phạm pháp luật: trộm cắp, cướp tài sản, lừa đảo… nhằm mục đích có tiền trả nợ theo đó xuất hiện là điều khó tránh khỏi. Thực tiễn chứng minh, thời gian qua đã có không  ít vụ việc phạm pháp hình sự bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top