Chủ tiệm photocoppy “gia công” sổ đỏ giả

00:00 - Thứ Tư, 03/10/2012 Lượt xem: 306 In bài viết
Lẻng được người quen gửi giữ hộ 2 sổ đỏ, sau đó Lẻng photocoppy hai sổ này lại cất giữ và đưa cho Liêm làm thành hai sổ đỏ giả, bán với giá 2 triệu đồng. Quá trình “chế tác” giấy tờ giả được làm tại tiệm photocoppy do Lợi làm chủ.

Mới đây, ngày 29/9, cơ quan CSĐT Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) khởi tố vụ án hình sự đối với các đối tượng gồm Nguyễn Đức Lợi (25 tuổi, ngụ Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), Kiều Tấn Liêm (48 tuổi, quê quán Bến Tre) và Tô Thị Lẻng (57 tuổi, ngụ Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Theo kết quả điều tra bước đầu, lúc 19h ngày 7/8, khi tổ công tác Công an phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một đi tuần tra phía trước chùa Bà đã phát hiện Lẻng và Liêm đang bàn giao 2 sổ đỏ, 2 giấy ghi tình trạng đất và một số giấy tờ khác cho khách hàng. Nghi vấn các loại giấy tờ trên là giả nên lực lượng chức năng đã mời các đối tượng trên về trụ sở làm việc.

Các đối tượng làm sổ đỏ giả bị Công an thị xã Dĩ An khởi tố.

Tại cơ quan Công an, bọn chúng khai nhận số giấy tờ trên đều là giả được làm tại tiệm photocoppy do Nguyễn Đức Lợi làm chủ. Ngay sau đó, lực lượng Công an khám xét nơi ở của Lợi tại khu phố Bình Minh 2, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An thu giữ nhiều phương tiện phục vụ cho việc làm giả sổ đỏ như máy tính, máy scan… cùng nhiều sổ đỏ bản chính và 37 sổ đỏ giả. Các đối tượng đã thừa nhận liên kết nhau làm sổ đỏ giả, mang bán ra thị trường.

Tiếp đó, cơ quan Công an tiến hành khám xét nơi ở của Liêm tại phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An cũng thu giữ nhiều máy móc, tài liệu phục vụ cho việc làm giấy tờ giả cùng nhiều bản chính hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Qua tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, bọn chúng thừa nhận: Lẻng được người quen gửi giữ hộ 2 sổ đỏ, sau đó Lẻng photocoppy hai sổ này lại cất giữ và đưa cho Liêm làm thành hai sổ đỏ giả, bán với giá 2 triệu đồng. Liêm cùng Lợi đã dùng máy scan, máy in màu… làm thành hai cuốn sổ đỏ giả cho Lẻng đi bán. Khi Liêm cùng Lẻng chuẩn bị giao hàng đã bị bắt quả tang. Các đối tượng lựa chọn khách hàng đa số là những người kinh doanh đất đai, người cần vay tiền làm ăn. Có khách hàng mang sổ đỏ chính đến thuê Liêm, Lợi làm sổ đỏ giống hệt, sau đó họ mang sổ này đi cầm cố, thế chấp để vay tiền…

Thượng tá Võ Văn Phúc, Trưởng Công an thị xã Dĩ An cho biết: Sổ đỏ giả rất khó phân biệt với thật khiến cho người dân, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng cũng có thể bị mắc lừa. Để nhận biết những trường hợp này, phải căn cứ vào chữ ký, con dấu của người có thẩm quyền. Khi phát hiện nghi vấn cần báo ngay cơ quan Công an phát hiện xử lý nghiêm các đối tượng.

Theo một cán bộ thuộc Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Bình Dương: Sổ đỏ giả thường được ép plastic vì làm giả bằng cách sử dụng máy scan, quét lại sổ thật rồi in màu. Tuy nhiên, việc in hai mặt của sổ để trùng khớp nhau rất khó nên bọn chúng thường in từng mặt, rồi dán lại sau đó ép plastic để tránh bị phát hiện.

Thường sờ tay vào mặt sổ đỏ giả sẽ phát hiện phần in nổi không có, mà chỉ có hình ảnh. Các chi tiết in trong sổ giả cũng không sắc nét. Ngoài ra, mọi người cần chú ý màu sắc, họa tiết hoa văn trên hình nền của giấy chứng nhận và con dấu, chữ ký. Thường chữ ký của người có thẩm quyền trên giấy chứng nhận giả không sắc nét, không có vết hằn ở lực tỳ ấn khi ký và không giống như trên giấy chứng nhận thật.

Bên cạnh đó, nhiều người chỉ để ý kỹ nội dung, con dấu, chữ ký ở phần ghi về chủ sử dụng, mà không xem kỹ phần nội dung thay đổi trên những sổ đỏ bị giả một phần.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top