Điều tra bổ sung lần 2 vụ chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng tại TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội:

Đề nghị truy tố Huỳnh Thị Huyền Như cùng 22 đồng phạm

00:00 - Thứ Ba, 24/09/2013 Lượt xem: 354 In bài viết
Ngày 23/9, theo cơ quan tố tụng cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần 2.

Theo kết luận lần 2 này, cơ quan điều tra khởi tố bổ sung vụ án hình sự và khởi tố bổ sung bị can đối với Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), chi nhánh TP Hồ Chí Minh về tội  “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và khởi tố thêm 6 bị can gồm: Phạm Văn Chí, trú tại quận 8, TP Hồ Chí Minh về tội "cho vay lãi nặng" cùng 5 đối tượng gồm: Bùi Ngọc Quyên, nguyên Phó phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh; Vũ Nguyễn Xuân Tiên, nguyên Phó phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh; Hoàng Hương Giang và Phạm Thị Tuyết Anh, nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh cùng Nguyễn Thị Phúc Ngân, nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm.

Trước đó đã kết luận điều tra vụ án và đề nghị truy tố 17 bị can. Điều tra bổ sung lần 2 này khởi tố thêm 6 bị can. Vì lẽ trên, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố trước pháp luật 23 bị can với 7 tội danh gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cho vay lãi nặng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Vụ án này xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội.

Trong vụ án này có bị can Võ Anh Tuấn vai  trò đồng phạm với bị can Như. Cụ thể là Tuấn biết Như làm giả các hợp đồng ủy thác đầu tư vốn với nhiều công ty và một số ngân hàng, Tuấn đã ký 10 xác nhận để Như giả chữ ký của số công ty đầu tư vốn, qua đó Như chiếm đoạt trên 1.598 tỷ đồng. Để có nhiều tiền, năm 2007, Tuấn cùng Như lập Công ty CP Đầu tư Hoàng Khải để kinh doanh xuất nhập khẩu gạo. Quá trình huy động vốn kinh doanh, Tuấn có hành vi giúp sức cho Như chiếm đoạt hơn 1.678 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, do có ý định chiếm đoạt tiền của nhiều đơn vị, cá nhân để trả nợ, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Như đã lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank, chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP Hồ Chí Minh tự thỏa thuận lãi suất vay tiền rồi làm giả 8 con dấu của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và 7 công ty làm giả 2 tài liệu của  Ngân hàng Vietinbank và nhiều cá nhân, đơn vị khác để lừa đảo chiếm đoạt tiền của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân với tổng số tiền hơn 4.900 tỷ đồng.

Ngoài ra, Như còn làm giả hồ sơ, mở tài khoản của Công ty TNHH Đầu tư Phúc Vinh, Công ty CP Đầu tư Thịnh Phát tại Ngân hàng Vietinbank, chi nhánh TP Hồ Chí Minh, làm giả 110 hợp đồng tiền gửi giữa Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với 2 công ty nêu trên; làm giả hợp đồng uỷ thác đầu tư vốn giữa Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với nhiều đơn vị khác… Số tiền chiếm đoạt được, Như sử dụng hơn 925 tỷ đồng để trả nợ gốc, nợ lãi trong và ngoài hợp đồng cho 4 đơn vị. Thực tế, Như chiếm đoạt hơn 3.986 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) bị chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt 200 tỷ đồng; Ngân hàng VIB chi nhánh TP Hồ Chí Minh 180 tỷ…

Trong số 6 bị can bị khởi tố thêm lần này có Bùi Ngọc Quyên, cơ quan điều tra xác định, bị can này đã ký phê duyệt với 7 cá nhân vay tổng số tiền 132 tỷ đồng tại 29 bộ hồ sơ vay tài sản đảm bảo là 20 thẻ tiết kiệm của 5 nhân viên Ngân hàng ACB. Những người này không có mặt để làm các thủ tục vay, nhưng Quyên vẫn thực hiện ký phê duyệt bởi Như nói đây là khách hàng của Như vì bận làm ăn không đến được nên sẽ bổ sung chữ ký sau. Tương tự, nhóm đồng phạm còn lại đều làm trái nghiệp vụ đối với các giao dịch cho vay bằng cầm cố thẻ tiết kiệm, không tiến hành thẩm định hồ sơ, không có người bảo lãnh đối chiếu chữ ký của khách hàng vay nhưng vẫn đề xuất và ký cho vay theo sự điều khiển của Như.

Đối với bị can Phạm Văn Chí, đã có hành vi cho Như vay tiền với lãi suất cao từ 0,5 - 0,6%/triệu đồng/ngày trong thời gian dài liên tục từ 2007 đến tháng 9/2011 mang tính chất bóc lột, là nguyên nhân dẫn đến việc Như thực hiện hành vi phạm tội khác. Cơ quan điều tra xác định, hai khoản tiền trị giá hơn 17 tỷ đồng mà Chí cho Như vay cao hơn 10 lần lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thu lợi gần 6 tỷ đồng.

Như vậy cho đến nay, sau 2 lần điều tra bổ sung, số tiền thực tế bị can Huỳnh Thị Huyền Như còn chiếm đoạt là gần 4.000 tỷ đồng.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top