CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG MA TÚY TRÊN TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT - LÀO

“Bài học nhập môn”

00:00 - Thứ Sáu, 20/03/2015 Lượt xem: 1195 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Còn nhớ dịp Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức đón  Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Phòng Phòng chống tội phạm ma túy (ngày 23/2/2012), bên hành lang tôi có hỏi đại tá Lê Quang Đán - Trưởng Phòng PCTPMT - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh - rằng: “Từng ấy năm xông pha trên trận tuyến diệt trừ ma túy, chuyên án nào làm anh nhớ nhất, vui nhất và chuyên án nào buồn nhất, muốn quên nhất?”...

Lễ ký kết phòng chống ma túy Điện Biên - Phoong Sa Ly.

Thay vì trả lời tôi, viên sỹ quan hơn 30 năm “ăn cơm tập thể, súng để đầu giường” lại bảo: “Rất cám ơn, nhưng xin hẹn anh khi khác!”. Bẵng đi gần 3 tháng sau, công việc cuốn tôi theo những bài báo mới, những đề tài mới với những nhân vật mới. Bỗng một hôm tôi nhận được tin nhắn, với nội dung: “Nếu bác còn tâm huyết với đề tài ấy, thì sáng mai lên. Em chờ”. Sáng hôm sau, y hẹn, tôi có mặt tại phòng làm việc của Đại tá Lê Quang Đán, lúc anh đang gói lại tập tài liệu gì đó. Chỉ vào một bức thư giấy đã ngả màu với những con chữ loằng ngoằng như sợi thuốc lào, Đại tá Lê Quang Đán nói: “Đây là thư tố giác tội phạm ma túy của một công dân Lào thuộc địa bàn vùng biên giới Điện Biên - Phoong Sa Ly. Từ nội dung này, chúng tôi có thêm căn cứ để khởi tố điều tra một vụ án ma túy xuyên quốc gia rất lớn”. Sở dĩ anh không ngại “lộ nghiệp vụ” vì đoán chắc là tôi chả biết chữ Lào nào; hơn nữa, chuyên án ấy kết thúc cũng đã lâu, có chăng chỉ còn là bài học về kinh nghiệm phối hợp giữa lực lượng biên phòng hai tỉnh, trong công tác ngăn chặn, đấu tranh, triệt phá các đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.

... Trước đó, hưởng ứng đợt cao điểm phòng chống tội phạm ma tuý do Bộ Tư lệnh Biên phòng phát động, cũng như lực lượng biên phòng trong cả nước, lực lượng chuyên trách phòng chống ma tuý Bộ đội Biên phòng Điện Biên đã nhanh chóng nhập cuộc. Trên toàn tuyến biên giới Điện Biên, lực lượng phòng chống ma tuý các đồn biên phòng tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức điều tra sâu hơn, kỹ hơn trong việc sàng lọc đối tượng và nắm bắt kịp thời các thông tin, về tình hình hoạt động của các băng nhóm tội phạm ma tuý dọc biên giới. Một mặt theo chủ trương chung, tăng cường phối hợp với lực lượng Công an tỉnh Phoong Sa Ly, thông qua bạn để nắm tình hình hoạt động của tội phạm ma tuý ngoại biên.

Hai đối tượng cùng toàn bộ tang vật trong chuyên án 008-Lv.

Kinh nghiệm công tác cho các anh những bài học tích luỹ về phát hiện sớm, chủ động đấu tranh ngăn chặn từ xa. Nhờ đó, lực lượng đặc nhiệm phòng chống ma tuý của Phòng Phòng chống tội phạm ma tuý (Bộ đội Biên phòng tỉnh) và Đồn Biên phòng 429 Tây Trang, đã từng bước phát hiện, thu thập được nhiều tin tức quan trọng về hoạt động của một đường dây thường xuyên mua bán, vận chuyển ma túy trái phép từ Huổi Sài về Bó Kẹo, đến Sốp Nạo, Mường Mày rồi tập kết tại bản Pang Hốc (khu 2, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly, nước CHDCND Lào). Như vậy, rõ ràng bọn chúng chọn bản Sốp Nạo là nơi trung chuyển, sau đó tuỳ vào tình hình trong từng thời điểm cụ thể, sẽ tổ chức vận chuyển ma tuý vào địa bàn Điện Biên. Có nhiều dấu hiệu để đi đến kết luận đây là một đường dây chuyên vận chuyển ma tuý với số lượng lớn, phạm vi hoạt động rộng, phương thức phạm tội của các đối tượng lại hết sức manh động và liều lĩnh. Bọn chúng thường mang các loại “vũ khí nóng” bên người, nếu bị truy bắt sẽ điên cuồng chống trả để tìm cơ hội tẩu thoát. Chuyên án mang bí số 008-Lv đuợc xác lập, trên cơ sở những tính toán nghiệp vụ kỹ lưỡng, khôn ngoan và thực tế.

Bước đầu trinh sát xác định đường dây này gồm 4 đối tượng “cộm cán” chủ chốt, là: Thào Xua (30 tuổi, trú tại bản Huổi Sài - Bó Kẹo); Thò A Dính (43 tuổi, trú tại bản Pang Hốc); Thào Choi (32 tuổi) và Xiêng Viêng (34 tuổi), đều trú tại bản Sốp Nạo, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly. Bọn chúng đều là những tên có những tì vết trong lý lịch, tự trang bị súng, lựu đạn, dao găm với tất cả tính khí côn đồ vốn có của dân ma-phia. Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu không khoan nhượng này, cán bộ chiến sĩ lực lượng phòng chống ma tuý Bộ đội Biên phòng Điện Biên hạ quyết tâm, dù thế nào cũng phải triệt phá bằng được đường dây ma tuý xuyên quốc gia ấy.

Bằng vào các biện pháp nghiệp vụ, ngày 5/2/2009, các trinh sát ngoại tuyến của Ban chuyên án nhận được nguồn tin nếu không có gì thay đổi thì khoảng trung tuần tháng 3/2009, rất có thể bọn chúng sẽ tổ chức vận chuyển một lượng lớn heroin về cất giấu tại nhà riêng của Thò A Dính ở bản Pang Hốc (huyện Mường Mày), trước khi đưa “hàng” sang Điện Biên tiêu thụ. Trên cơ sở phân tích các dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, ngày 15/3/2009, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Điện Biên chủ động mời đoàn cán bộ Công an tỉnh Phoong Sa Ly sang thành phố Điện Biên Phủ, để hai bên trực tiếp bàn thảo kế hoạch cùng phối hợp phá án.

Từ sự thống nhất cao sau cuộc gặp gỡ giữa hai cơ quan chức năng, ngay sáng hôm sau (ngày 16/3/2009), một lực lượng đặc biệt lặng lẽ “phong toả” bản Pang Hốc (huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly). Trong sự chờ đợi đầy căng thẳng của các trinh sát, vào lúc 15 giờ 30 phút cùng ngày, khi việc mua bán ma túy đang thậm thụt diễn ra tại tư gia của Thò A Dính (bản Pang Hốc), bất ngờ lực lượng phối hợp của hai tỉnh xuất hiện, khống chế gọn ghẽ và bắt tại chỗ hai tên là Thò A Dính và Xiêng Viêng. Tang vật thu được gồm 10 bánh heroin, 4 gói hồng phiến (mỗi gói 2.000 viên), 1 súng tạt ma, 12 viên đạn súng săn, 1 máy kiểm tra tiền. Đương nhiên, lệnh khám xét khẩn cấp nhà riêng Thò A Dính được khẩn trương thực hiện; tại đó, Ban chuyên án phát hiện và thu tiếp 2 bánh heroin cùng 2.000 viên hồng phiến, 11 viên đạn K56, 2 xe máy, 1 máy ảnh và một số vật chứng khác có mối liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới hành vi buôn bán ma tuý trái phép. Từ tin tức thu được qua việc khai thác “nóng” tên Thò A Dính, ngay buổi chiều ngày 16/3, Công an tỉnh Phoong Sa Ly đã ký lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Thào Choi, thu thêm 40.000 viên hồng phiến. Mặt khác, một mũi trinh sát lên đường thực hiện nhiệm vụ truy bắt đối tượng Thào Xua tại Bó Kẹo. Đến ngày 31/3/2009, toàn bộ các đối tượng cùng tang vật được di lý về Điện Biên, để phục vụ cho công tác điều tra mở rộng.

Hôm nay nhắc lại chuyện này, hơn một lần đại tá Lê Quang Đán cho rằng thành công của chuyên án 008-Lv chính là cơ sở, là niềm tin để khẳng định ý chí quyết tâm, nỗ lực, trình độ và tính hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý, của Bộ đội Biên phòng Điện Biên. Không chỉ ngăn chặn kịp thời một vụ ma tuý xâm nhập vào địa bàn tỉnh ta, mà còn giúp bạn triệt phá một đường dây tội phạm nguy hiểm và có tổ chức ngay trên đất bạn. Tinh thần hợp tác quốc tế, tình hữu nghị, bản lĩnh và sức sáng tạo hòa quyện và kết tinh thành thắng lợi. Mặt khác, như báo cáo tổng kết năm 2014 của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho thấy trong năm các đơn vị đồn trạm đã làm tốt hoạt động ngoại giao nhân dân: Tham mưu cho các xã biên giới thường xuyên tổ chức giao ban xã, cụm bản 2 bên biên giới theo định kỳ và đột xuất; đồng thời, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các đơn vị tuyến biên giới Việt Nam - Lào tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã biên giới tổ chức kết nghĩa 2 bản giáp biên.

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và kịp thời của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh; của Bộ Tư lệnh Biên phòng, sự phối hợp nhiệt tình và trách nhiệm của các lực lượng, các cấp, các ngành và các địa bàn biên giới, lực lượng Biên phòng Điện Biên đã liên tiếp mở các cuộc “tấn công chính trị” có trọng điểm, giữ vững cuộc sống yên bình cho nhân dân từng xã và thậm chí tới từng làng, bản và cụm dân cư nhỏ lẻ. “Biên giới ở trong lòng dân và lòng dân chính là phên giậu vững chắc nhất. Trên nhiều phương diện, có thể xem chuyên án 008-Lv là “bài học nhập môn” cho bất kỳ người lính biên phòng nào được biên chế về Phòng Phòng chống tội phạm ma túy - Bộ đội Biên phòng Điện Biên” - Đó chính là ý kiến của đại tá Lê Quang Đán, trước khi khép lại câu chuyện về một chuyên án mà anh nhớ đến từng chi tiết...

Song Sơn
Bình luận
Back To Top