Cảnh giác trước vỏ bọc hoành tráng và “bánh vẽ” của các công ty lừa

00:00 - Thứ Hai, 22/02/2016 Lượt xem: 2092 In bài viết
Như đã đưa tin, cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa bắt tạm giam Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (Liên kết Việt) và các đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đánh giá của cơ quan điều tra, với chiêu bài kinh doanh đa cấp, các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền gần 2 nghìn tỷ đồng của hàng vạn người bị hại trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Trò lừa đảo của Giang và đồng bọn không mới, nhưng như một số vụ án gần đây, các đối tượng không còn lừa đảo với tư cách cá nhân, mà đã thành lập doanh nghiệp hay tổ chức hoạt động, tạo cho nó một vỏ bọc hoành tráng để dễ bề lừa đảo được trăm, nghìn người bị hại…

Mạo danh Bộ Quốc phòng, làm giả Bằng khen của Thủ tướng

Năm 2014, sau khi được cấp phép kinh doanh đa cấp, Công ty Liên kết Việt kinh doanh một số mặt hàng gồm: Dưỡng cốt vương, bổ não vương, đông trùng hạ thảo, một số loại máy khử độc Ozone, máy chăm sóc sức khỏe người già. Các sản phẩm này được công ty Liên kết Việt quảng cáo mua của Công ty cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế BQP (Công ty BQP) và Công ty cổ phần Biovaccine Việt Nam. Nhưng thực chất, Công ty BQP cũng là công ty do Lê Xuân Giang lập ra, chúng lấy cái tên công ty viết tắt rất mập mờ “BQP” để mọi người nhầm tưởng đó là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng. 

Theo bọn Giang giới thiệu, Công ty BQP buôn bán các sản phẩm gồm máy vật lý trị liệu GREAT-12 in tem nhãn và logo sản phẩm của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; máy khử độc Ozone G13 dán mác đơn vị lắp ráp sản xuất là Công ty BQP hợp tác với Công ty Thanh Hà - Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, qua điều tra, cơ quan Công an xác định, cả hai sản phẩm trên đều không liên quan gì đến các đơn vị của Bộ Quốc phòng, các đơn vị trên không hợp tác, liên doanh bất cứ việc gì với Công ty Liên kết Việt.

Một số clip trên website của Công ty Liên kết Việt còn giới thiệu nhiều người đang đương chức ở Bộ Quốc phòng tham gia vào Ban lãnh đạo của công ty. Bên cạnh đó, Công ty Liên kết Việt đã tổ chức một buổi lễ hoành tráng đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đối với tập thể công ty và một số cá nhân trong Ban lãnh đạo công ty. 

Khi tiến hành điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã làm rõ toàn bộ ảnh, Bằng khen mà Liên kết Việt đón nhận đều được làm giả. Kết quả xác minh tại Ban thi đua khen thưởng Trung ương cho thấy trong hồ sơ lưu trữ không có tài liệu nào thể hiện Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng khen cho Công ty Liên kết Việt….

Tất cả các chiêu trò trên của bọn Giang đều nhằm mục đích “đánh bóng” tên tuổi của công ty, mập mờ cho người dân lầm tưởng công ty là của Bộ Quốc phòng, thêm vào đó, mức hoa hồng lãi suất công ty đưa ra cực cao, thế là người này giới thiệu người kia, tất cả như “thiêu thân” nộp nhiều tỷ đồng của cái “lò hút tiền” của Công ty Liên kết Việt…

Thuê người đóng vai lãnh đạo Trung ương trong hội nghị khách hàng 

Trước đây, hai đối tượng bị Cục Cảnh sát hình sự bắt giữ trong vụ lừa đảo thông qua việc thu gom sổ đỏ đất rừng là Nguyễn Phước và Nguyễn Thị Minh, tức Minh “trầu” cũng sử dụng chiêu trò lừa bịp nói trên. Bọn chúng tung tin về việc xin được nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. 

Các đối tượng Minh “trầu”, Nguyễn Phước khi bị bắt.

Chúng thuộc Ban dự án của Chính phủ, đứng đầu là một đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng ra để quản lý và tổ chức giải ngân dự án nói trên. Mức hỗ trợ cho mỗi hécta (ha) rừng là 25 đến 30 triệu đồng. Thời hạn giải ngân nhanh, chỉ từ 3 đến 6 tháng là có tiền về. Theo yêu cầu của các đối tượng, điều kiện để hoàn thiện thủ tục tham gia dự án, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, đó là những người dân phải có sổ đỏ, sổ lâm bạ để chứng minh diện tích rừng.

Để tạo dựng hình ảnh cho mình, Minh “trầu” tự xưng là người của Hội từ thiện, theo Đạo Phật làm từ thiện để lôi kéo một số người mê tín đi theo phục vụ mình. Đi bất cứ đâu, Minh cũng cho vài ba chủ rừng đi theo phục vụ. Không bao giờ Minh “trầu” mang theo tiền trong người, tự những người phục vụ bỏ tiền ra thuê xe ôtô sang trọng cho Minh đi, đến đâu thì thuê khách sạn cho Minh ở. Người cắp cặp, người xách theo dụng cụ tiêm trầu, nói chung là tạo dựng cho chị ta một hình ảnh rất chi là… hoành tráng.

Vào giữa năm 2013, Minh và Nguyễn Phước đã tổ chức hội nghị khách hàng cực lớn tại một khách sạn trên đường Võ Văn Tần (TP Hồ Chí Minh) cho mời khoảng 300 người ở 63 tỉnh, thành là đại diện các cá nhân, doanh nghiệp tham gia các dự án trồng rừng có nhu cầu tham gia dự án “vẽ” của chúng. 

Để mọi chuyện như thật, Minh yêu cầu mỗi người nộp 2 bộ hồ sơ (gồm ảnh 3x4, ảnh 10x15, CMND, Hộ khẩu…), rồi phần chia tổ, nhóm (mỗi nhóm 10-12 người). Bọn chúng còn làm các quyết định giả, tạo ra các băng ghi âm giả về giọng nói của một số đồng chí lãnh đạo nói về tính khả thi của các dự án phủ xanh đất trống đồi trọc nói trên. 

Trong hội nghị khách hàng, bọn Minh còn thuê một người ăn mặc lịch sự, nói giọng miền Nam, ngồi ở bàn danh dự và giới thiệu là lãnh đạo Trung ương, theo dõi dự án. Rồi tổ chức quay phim, chụp ảnh, ăn uống linh đình. Trong hội nghị, Phước và Minh “trầu” đều tha hồ “chém”, hứa với khách hàng tham gia: “Chúng tôi sẽ làm hết sức vì các bạn, sẽ cố gắng giải ngân sớm”.

Với những chiêu trò “đánh bóng” của mình, Minh “trầu” đã lừa đảo chiếm đoạt 11 tỷ đồng, Nguyễn Phước chiếm đoạt 6,5 tỷ đồng của các bị hại thông qua việc huy động tiền ứng trước để giải ngân hay bán sổ đỏ cho các doanh nghiệp để nộp chờ giải ngân…

Đưa cả bị hại đi du lịch châu Âu để dễ lừa gạt

Hoàng Ánh (SN 1967, trú ở xã Hòa Hưng, Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) còn tự tạo dựng cho mình vỏ bọc hoành tráng là Tổng Giám đốc Công ty AHR HARIMA.Co.Ltd, doanh nghiệp chuyên kinh doanh về lĩnh vực tài chính có trụ sở ở tận… Malaysia. Vợ chồng Ánh thường xuyên sử dụng xe ôtô hạng sang, nghỉ ở các khách sạn 5 sao và liên tục đi các nước châu Âu, châu Á và nói rằng đi du lịch, ký kết các hợp đồng kinh tế. 

Chính vì thế, khi Ánh đưa ra chiêu lừa, nói rằng có một tàu phân đạm 12.500 tấn đang trên đường về Việt Nam, sẽ cập cảng Sài Gòn trong vài ngày, gạ bà Hải, làm nghề buôn bán bất động sản mua lại với điều kiện phải đặt trước 50.000USD thì bà Hải tin ngay.

Trong lúc vụ làm ăn đầu tay còn chưa dứt điểm, bà Hải lại được Ánh “chia sẻ” về một chương trình vay vốn nước ngoài. Để đưa “con mồi” sập bẫy, vợ chồng Ánh đã đưa nạn nhân “du ngoạn” một số nước châu Âu để gặp gỡ một số người mà gã giới thiệu là ông chủ nhà băng quốc tế. Đối tượng còn yêu cầu bà Hải mở tài khoản ở nhiều ngân hàng quốc tế khác nhau để sẵn sàng nhận được vốn ở nước ngoài “bơm về”. Đổi lại, Ánh yêu cầu bà Hải phải ứng trước 10% vốn đối ứng. 

Tin tưởng, từ năm 2004 đến tháng 5-2010, bà Hải đã 13 lần giao tiền cho vợ chồng Ánh với tổng số tiền lên đến 1.150.000 USD và hơn 5,3 tỷ đồng. Nhưng bà chờ mãi mà chẳng thấy tàu chở phân đạm với vốn ngoại đâu…  Không chỉ bà Hải, nhiều nạn nhân khác cũng đã phải nhận “quả đắng” khi tin vào cái vỏ bọc do Hoàng Ánh tạo ra, bỏ ra một khoản tiền lớn đưa cho Ánh để sau đó mất tăm…

Tuy nhiên, ở các vụ án này, phải khẳng định rằng, các nạn nhân bị lừa mất tiền trước hết vì thiếu hiểu biết, vì lòng tham, ham lãi cao, ham được nhiều tiền giải ngân từ… trên trời rơi xuống. Nhưng chính cái bẫy từ vỏ bọc hoành tráng do các đối tượng tạo ra ngay từ đầu đã khiến nhiều bị hại trở nên “mù màu”, cứ sai lầm kế tiếp sai lầm. Chính vì thế, lời khuyên cho người bị hại: Hãy cân nhắc kỹ khi đầu tư tài chính, xem tính khả thi của phương án kinh doanh chứ đừng nhìn và tin vào vỏ bọc hoành tráng cũng như những lời hứa hẹn theo kiểu “bánh vẽ” của các đối tượng.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top