Những chiêu trò lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ online

00:00 - Thứ Tư, 04/05/2016 Lượt xem: 2810 In bài viết
Nghỉ hè, lễ, Tết là thời gian "cao điểm" của giao thông hàng không. Đây cũng là thời điểm tội phạm lợi dụng nhu cầu mua vé giá rẻ của người dân và chính sách bán vé trực tuyến tiện lợi của các hãng hàng không để thực hiện các chiêu trò lừa đảo bán vé máy bay giả online...

Công nghệ làm vé máy bay giả

Ngày 29/4, lãnh đạo  Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội cho biết, đơn vị vừa khám phá vụ việc đối tượng sử dụng phần mềm máy tính chỉnh sửa, bán vé máy bay giả trên mạng xã hội để chiếm đoạt khoảng 100 triệu đồng.

Thảo sử dụng tài khoản Facebook "Hân Hân" để đăng thông tin bán vé máy bay giá rẻ.

Đối tượng lừa đảo, bán vé máy bay giả là Trương Thị Thu Thảo (SN 1995), trú tại quận Bình Thạnh, TP HCM, làm nghề kinh doanh tự do. Theo khai nhận ban đầu của Thảo, khoảng tháng 6/2015, Thảo xin làm nhân viên bán vé máy bay cho một "đại lý" bán vé trên mạng xã hội Facebook, được hưởng chiết khấu 40.000 đồng/vé. Phương thức bán vé của Thảo là dùng tài khoản Facebook cá nhân có tên "Hân Hân" vào các hội, nhóm bán vé máy bay trên Facebook rao bán vé.

Khi có khách đặt mua, Thảo sẽ thu tiền rồi chuyển cho "đại lý", lấy code vé cho khách. Đến tháng 11/2015, do cần tiền tiêu xài, Thảo nảy sinh ý đồ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu mua vé máy bay.

Sẵn mối quan hệ với những người đã từng mua vé máy bay trước đây, Thảo tiếp tục đăng bài quảng cáo bán vé máy bay giá rẻ trên tài khoản Facebook "Hân Hân" và tài khoản Zalo "Gia Hân". Tin tưởng Thảo vẫn bán vé máy bay như trước nên một số người trong danh sách bạn bè trên mạng xã hội và người quen do bạn của Thảo giới thiệu đã liên hệ, trao đổi việc mua vé thông qua tin nhắn trên Facebook và Zalo.

Sau khi thỏa thuận số lượng vé mua, thời điểm bay với khách, Thảo vào trang web bán vé trực tuyến của hãng Vietjet để điền thông tin của khách hàng cần mua vé ở trạng thái đặt chỗ chứ không thanh toán. Phía Vietjet sẽ gửi thông tin vé máy bay đến 2 hộp thư điện tử của Thảo là thaotruong0112travel@gmail.com và hoanganhtravelhn@gmail.com thông báo xác nhận đã đặt chỗ chuyến bay, tên khách hàng, giờ, trạng thái đặt chỗ "chưa thanh toán".

Trên vé còn ghi yêu cầu khách hàng thanh toán trước 24 giờ kể từ khi website của Vietjet gửi thông tin vé (Theo quy định của Vietjet thì trong vòng 24 giờ kể từ khi đặt chỗ, nếu khách hàng không thanh toán thì vé tự động hủy). Thảo tải nội dung thư xuống rồi sử dụng phần mềm trên máy tính chỉnh sửa từ "chưa thanh toán" thành "đã xác nhận" và xóa dòng chữ yêu cầu khách hàng thanh toán trước 24 giờ, sau đó gửi vé máy bay giả đã qua chỉnh sửa cho khách hàng. Nhầm tưởng vé máy bay đã được Thảo thanh toán trước, khách hàng chuyển tiền mua vé cho Thảo và bị chiếm đoạt.

Một bị hại của Thảo là chị Đặng Thu Loan ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết, chị quen Trương Thị Thu Thảo qua Facebook. Tháng 2/2016, chị Loan nhờ Thảo đặt mua 23 vé máy bay khứ hồi giá rẻ, bao gồm 15 vé chuyến bay Hà Nội - Đà Nẵng và 8 vé chuyến Hà Nội - Nha Trang, tổng tiền là trên 41 triệu đồng. Ngày 26/2, chị Loan chuyển 15 triệu đồng tiền đặt cọc mua vé cho Thảo. Thảo nói sẽ chuyển code vé qua email  cho chị Loan để chị chuyển nốt tiền. Tuy nhiên, do bận bán hàng không thể theo dõi mạng, chị Loan đề nghị Thảo in vé trực tiếp mang đến cho chị.

Ngày 5-3, Thảo chỉnh sửa nội dung vé máy bay rồi ra Hà Nội, đến cửa hàng kinh doanh quần áo của chị Loan giao vé, nhận nốt 26 triệu đồng. Sau đó, chị Loan kiểm tra vé mới biết đó là vé giả. Đến nay Thảo mới trả lại chị Loan 2 triệu đồng.

Sau khi nhận đơn tố giác của chị Đặng Thu Loan, Đội 3 Phòng PC50 Công an Hà Nội đã vào TP HCM truy tìm, bắt giữ Thảo. Qua khai thác mở rộng, Trương Thị Thu Thảo khai nhận, trước đó, Thảo đã lừa bán vé máy bay giả do Thảo chỉnh sửa cho một số người, trong đó người bị lừa nhiều nhất là chị Quách Thị Ngọc Miêu ở quận Phú Nhuận, TP HCM.

Từ tháng 11/2015 đến tháng 2/2016, do có người nhà cần đi lại trong dịp tết Nguyên đán, sợ khan vé nên chị Miêu đã chủ động nhờ Thảo đặt mua 13 vé máy bay. Thảo đã dùng thủ đoạn chỉnh sửa, làm giả số vé trên, sau đó in màu và mang đến giao cho chị Miêu, chiếm đoạt số tiền gần 55 triệu đồng.

Đến ngày 8/2/2016, người thân của chị Miêu ra sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục thì được Hãng hàng không Vietjet thông báo toàn bộ vé đã bị hủy do chưa thanh toán. Bị chị Miêu đòi nhiều lần, Thảo mới trả lại 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn 2 bị hại khác cũng quen Thảo qua mạng xã hội Facebook, sau đó nhờ mua vé và bị Thảo lừa với thủ đoạn tương tự, chiếm đoạt khoảng 5 triệu đồng. Tổng số tiền mà Thảo đã lừa đảo là 100 triệu đồng.

Đối tượng Trương Thị Thu Thảo.

Cảnh giác trước các mánh khóe lừa đảo bán vé máy bay online

Theo Đại úy Vũ Việt Anh, Đội trưởng Đội 3 Phòng PC50, hình thức lừa đảo bán vé máy bay trên mạng xuất hiện ngày càng nhiều với các chiêu trò, mánh khóe rất đơn giản nhưng khiến nhiều người mắc bẫy.

Trước dịp tết Bính Thân 2016, hơn 300 du học sinh tại Australia từng khốn đốn khi mua vé máy bay để về Việt Nam ăn tết của đối tượng lừa đảo trên mạng Facebook. Các nạn nhân cho biết việc trao đổi, đặt mua vé khứ hồi về nước hoàn toàn diễn ra trên Facebook và điện thoại của một người phụ nữ có nick "Vi Tran". Tổng số tiền mà các sinh viên đã gửi cho "Vi Tran" là 500.000 AUD, tương đương 355.000 USD.

Tháng 2-2016, Vietnam Airlines tại Nhật Bản cũng đã tiếp nhận 65 trường hợp bị lừa đảo mua vé máy bay trên mạng xã hội. Tất cả các trường hợp này đều giao dịch qua Facebook "Dịch vụ hàng không - Airserco". Theo đó, kẻ lừa đảo thường xuyên đăng tin bán vé máy bay giá rẻ. Khi có khách hàng liên hệ, đối tượng sẽ lấy thông tin của hành khách, đặt chỗ theo đúng yêu cầu và gửi email đặt chỗ kèm khuyến cáo phải thanh toán tiền trong vòng 12 giờ nếu không sẽ bị hủy. Sau đó, đối tượng hướng dẫn hành khách chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng chỉ định. Tuy nhiên, sau khi khách chuyển tiền, đối tượng không xuất vé, cũng không trả tiền cho Vietnam Airlines. Đến khi hành khách ra sân bay làm thủ tục mới biết bị lừa.

Còn đối với các chuyến bay nội địa, hành vi lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ xảy ra khá nhiều, đặc biệt vào những thời gian cao điểm như tết Nguyên đán, nghỉ lễ, nghỉ hè. Lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao - Công an Hà Nội từng phát hiện, bắt giữ đối tượng Lê Hoa Huyền (28 tuổi, ở tập thể Bộ Giao thông vận tải, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội), chuyên lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ cho các đơn vị, tập thể có nhu cầu đi du lịch đông người.

Vé máy bay giả do Thảo chỉnh sửa bằng phần mềm máy tính để lừa đảo.

Thủ đoạn của Huyền là đến các công ty vào thời điểm trước nghỉ hè, tự giới thiệu là nhân viên công ty du lịch nên có thể đặt mua vé máy bay giá rẻ số lượng lớn để mời chào bán vé. Sau khi nhận tiền, Huyền đến một đại lý vé máy bay nhờ đặt chỗ nhưng không trả tiền, sau đó gửi xác nhận đặt chỗ cho hành khách để chiếm đoạt tiền rồi... bùng. Đoàn nghỉ mát gần 40 người khi ra sân bay làm thủ tục mới biết vé họ mua của Huyền là vé rởm.

Hay trước tết Nguyên đán Bính Thân 2016, hàng chục công nhân ở TP HCM cũng lâm vào cảnh dở khóc dở mếu vì bị một đối tượng tên Hoàng Quốc Việt, tạm trú ở quận 12, lừa mua vé máy bay giả.

Mới đây nhất, hồi tháng 3/2016, Công an quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã khởi tố 2 đối tượng Lý Thái Thông (25 tuổi) và Lý Thị Thùy Nhung (29 tuổi) về hành vi lừa đảo bán vé máy bay giả chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Nhung và Thông thuê 2 địa chỉ làm trụ sở bán vé máy bay, sau đó dùng mã đại lý được  cấp để đăng ký chuyến bay, ngày bay, hãng bay theo yêu cầu của khách.

Tuy nhiên, sau khi đặt vé và thu tiền, các đối tượng không chuyển tiền cho công ty làm đại lý tại TP HCM nên vé đều bị hủy. Khách hàng đến sân bay làm thủ tục mới biết vé không hợp lệ. Bằng thủ đoạn này, Thông và Nhung đã lừa được 35 người, chiếm đoạt trên 350 triệu đồng.

Ngoài ra, còn một thủ đoạn chiếm đoạt tiền khác của các đối tượng rao bán vé máy bay trên mạng là chúng cũng đặt mua vé với thông tin khách hàng cung cấp rồi chuyển code vé cho khách. Sau đó, chúng thông báo với nơi xuất vé hủy chuyến để lấy lại tiền nhằm chiếm đoạt.

Theo Cơ quan công an, căn cứ chính sách bán vé của từng hãng hàng không, đối tượng xấu sẽ lợi dụng để lừa đảo những người nhẹ dạ hoặc thiếu hiểu biết. Như đối với Hãng Vietjet, chỉ cần đăng ký ghế, chuyến bay sẽ được hãng cho mã đặt chỗ với thời gian, tên họ chính xác. Nếu trong vòng 24 giờ khách hàng không thanh toán thì vé tự động hủy. Các đối tượng đã lợi dụng, dùng phiếu đặt chỗ in ra cho khách hàng, hoặc tinh vi hơn, dùng phần mềm chỉnh sửa từ phiếu đặt chỗ thành phiếu đã thanh toán.

Còn đối với Vietnam Airlines và Jetstar Pacific cho phép khách hoàn vé, đổi thông tin. Đối tượng lợi dụng xuất vé bán cho khách hàng, sau đó hủy vé lấy lại tiền. Thủ đoạn này đặc biệt xảy ra nhiều vào dịp tết, khi vé hạng phổ thông đã hết nhưng các đối tượng vẫn rao bán. Khi có khách đặt mua, đối tượng sẽ  chuyển mã hạng thương gia cho khách. Khách liên hệ, kiểm tra mã đặt chỗ thấy chính xác nên chuyển tiền cho đối tượng. Ngay khi nhận tiền xong, đối tượng hủy vé để được hoàn tiền mà không thông báo lại với khách. 

Đang vào mùa du lịch, nghỉ lễ, nhu cầu mua vé máy bay tập thể tăng cao. Việc mua vé đông người có chi phí rất lớn nên Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những lời mời chào, quảng cáo bán vé máy bay siêu rẻ, siêu giảm giá của những người không quen biết hoặc trên mạng xã hội, trên các diễn đàn, mạng Internet...

Nếu đặt mua vé máy bay tại các đại lý thì nên mua ở những đại lý uy tín, lâu năm, đồng thời yêu cầu xuất hóa đơn bán hàng để làm căn cứ xác nhận sau này. Khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với các hãng hàng không để kiểm tra thông tin vé, lịch trình bay và thời gian bay. Ngoài ra, để tránh bị lừa đảo, khách hàng có thể mua trực tiếp trên website của các hãng hàng không.

Trước thực trạng này, VNA xin khuyến cáo, trên mạng xã hội hiện có nhiều người chào bán vé tết với giá hạng phổ thông. Khi khách hàng đăng ký mua vé, người bán lại gửi cho họ mã đặt chỗ hạng thương gia. Khách hàng kiểm tra mã đặt chỗ với Vietnam Airlines qua điện thoại với thông tin hoàn toàn chính xác, khách hàng thực hiện việc chuyển tiền cho bên bán.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được tiền, các đối tượng lừa đảo lập tức yêu cầu hoàn vé ngay và không thông báo với khách nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của khách. Cụ thể, trên một diễn đàn có địa chỉ forum.awd.ru, một số thành viên quảng cáo giảm giá vé của Vietnam Airlines tới 30% và hướng dẫn khách hàng lên website của Vietnam Airlines tìm kiếm hành trình, giá vé và đăng ký mua qua địa chỉ vietnamairlines at hushmail dot com.

Sau khi người mua chuyển tiền, các đối tượng lừa đảo sẽ mua vé cho khách qua website của Vietnam Airlines, khách hàng sẽ nhận được email xác nhận xuất vé. Nhưng thực chất, các giao dịch này đều được thanh toán bằng thẻ tín dụng "chùa" - lạm dụng thẻ tín dụng của người khác. Các hình thức lừa đảo này đã làm thiệt hại về kinh tế cho cả hãng và khách hàng.

Cảnh giác trước những thủ đoạn quảng cáo giá siêu khuyến mại, giảm giá lớn từ các đối tượng tự xưng là đại lý, nhất là các quảng cáo đăng tải trên Internet, diễn đàn, mạng xã hội... Thực hiện thủ tục xác thực thẻ tín dụng tại phòng vé của Vietnam Airlines hoặc tại sân bay khi khách hàng mua vé máy bay bằng thẻ tín dụng cho bản thân hoặc người thứ ba. Liên hệ với Vietnam Airlines để kiểm tra thông tin vé, lịch trình, thời gian bay trước ngày bay.

Cách thức kiểm tra vé máy bay: Khi có bất cứ nghi vấn liên quan đến tội phạm, đề nghị báo ngay cho cơ quan chức năng, đồng thời, thông báo ngay cho Vietnam Airlines theo số điện thoại (04) 38 320 320/ (08) 38 320 320.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top