Nỗ lực thay đổi hành vi tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam

16:19 - Thứ Năm, 07/07/2016 Lượt xem: 2253 In bài viết

Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã TRAFFIC và Tổ chức Truyền thông thay đổi hành vi Intelligentmedia phát động Sáng kiến “Chí” hay “Sức tại Chí” giai đoạn 2 với những thông điệp và hình ảnh nhằm thay đổi hành vi, hướng tới việc không khoan nhượng đối với tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam.

Sáng kiến này được xây dựng dựa trên khái niệm “Chí” hay “Sức tại Chí” trong văn hoá Việt Nam để tác động tới nhóm đối tượng chính tiêu thụ sừng tê giác là những đàn ông thành thị thành đạt trong độ tuổi 35 đến 55.

Thông điệp “Chí” truyền tải ý tưởng sự thành công, uy tín và may mắn trong cuộc đời người đàn ông bắt nguồn từ ý chí và sức mạnh từ bên trong, không đến từ một mảnh sừng; khuyến khích các doanh nhân thành đạt nên thể hiện bản lĩnh và “Chí” của họ bằng việc trở thành những nhà lãnh đạo tiên phong trong các vấn đề trách nhiệm xã hội và bảo vệ động vật hoang dã.

Giai đoạn 2 của “Chí” được xây dựng trên nền tảng này, nhưng phát triển mạnh mẽ hơn với thông điệp “Vượng từ Chí, Lụi vì sừng”. Thông điệp mới tiếp tục kêu gọi giới doanh nhân mạnh dạn trở thành những thủ lĩnh trong cộng đồng, chống lại việc tiêu thụ sừng tê giác trong cuộc sống và trong mạng lưới doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay, nhu cầu về sừng tê giác ở châu Á đã thúc đẩy nạn săn trộm tê giác ở châu Phi và châu Á, với hơn 1.000 cá thể tê giác bị giết trộm mỗi năm để lấy sừng, đẩy loài vật này tới bờ tuyệt chủng. Sừng tê giác được dùng chủ yếu bởi những người giàu với niềm tin có thể giải độc cơ thể hoặc phô trương sự giàu có của mình thông qua việc tiêu thụ sừng tê giác. Đây là hành vi vi phạm pháp luật ở cả Việt Nam và thế giới.

Nhiều doanh nhân thành đạt tham dự chương trình cho rằng, đàn ông nên phát huy sức mạnh bên trong và bản lĩnh của họ, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng những thành công này xuất phát từ yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như sừng tê giác.

Theo bà Madelon Willemsen, Trưởng đại diện TRAFFIC tại Việt Nam, sáng kiến “Chí” đã tiếp cận trên 5 triệu người Việt Nam nói chung và hơn 2 triệu người thuộc nhóm đối tượng mục tiêu nói riêng tham gia các hội thảo, tập huấn và sự kiện ở Việt Nam. Các khu vực tư nhân và khu vực công đang bắt đầu thể hiện sự lãnh đạo trong cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã với "Chí" là động lực để không khoan nhượng đối với việc tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã.

Theo baochinhphu
Bình luận
Back To Top