Phiên tòa Nguyễn Trọng Bằng cùng đồng phạm buôn lậu 15kg vàng

Vụ án xử đi… xử lại

09:10 - Thứ Năm, 01/09/2016 Lượt xem: 4049 In bài viết

Kỳ 2: Đúng người nhưng chưa đúng tội

ĐBP - Nói về phiên phúc thẩm sáng ngày 23/8/2016 của vụ án “xử đi... xử lại”, đại tá Phạm Duy Cảnh - Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an tỉnh, Trưởng Phòng PC47 Công an tỉnh - người chỉ đạo vụ án, nhận xét: Kết luận của Hội đồng xét xử là không toàn diện, không đầy đủ và không khách quan. Mới chỉ đúng người nhưng chưa đúng tội...

Phiên hình sự sơ thẩm diễn ra ngày 27/3/2014 thì 2 ngày sau (29/3/2014), từ Trại tạm giam Noong Bua (phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ), Nguyễn Trọng Bằng có đơn kháng cáo gửi cơ quan xét xử. Nội dung: “Tôi xin kháng cáo với lý do như sau: Ngày 27/3/2014 tôi bị Tòa án Nhân dân Điện Biên sử (xử) về tội buôn lậu với mức án là 13 năm tù; tôi thấy tòa xử như vậy là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nhưng tôi thấy mức án phạt 13 năm tù là quá cao. Tôi xin tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!”. Đến ngay bị cáo còn phải thừa nhận cáo buộc của tòa sơ thẩm dành cho mình là: “Đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, vậy mà thật tiếc, tại phiên phúc thẩm sáng ngày 23/8/2016, ông luật sư Hoàng Huy Được - hiện đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - lại không muốn nghĩ thế.

 

Hội đồng xét xử phiên hình sự phúc thẩm, ngày 23/8/2016.

Trang 05, “Biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm” sáng 20/12/2013 (do thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Lò Văn Lịch, ký ban hành), cho thấy đoạn thẩm vấn công khai bị cáo Trần Ngọc Tinh, như sau: “Hỏi: Công an thu giữ gì của bị cáo?”, “Đáp: Vàng của Bằng, hóa đơn”, “Hỏi: Hóa đơn mang lên làm gì?”. “Đáp: Để hợp thức hóa số vàng nhưng số không khớp trọng lượng”. Theo lời khai của Trần Ngọc Tinh thì ngày 19/4/2013, sau khi nhận được điện thoại của Nguyễn Trọng Bằng, từ Hà Nội, Tinh cầm 3 bộ hóa đơn khống lên Điện Biên và anh ta đi bằng máy bay... Chúng tôi không phải là những người mang quan điểm bị cáo cứ ra tòa đứng trước vành móng ngựa là có tội, vì vậy, theo nguyên tắc suy đoán vô tội (được Việt Nam cam kết thực hiện thông qua sự kiện gia nhập “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị” ngày 24/9/1982), thiết nghĩ, cơ quan điều tra cần liên hệ với sân bay Nội Bài làm rõ việc ngày 19/4/2013, có hành khách nào tên là Trần Ngọc Tinh (với số Chứng minh thư trùng với số Chứng minh thư của bị cáo Trần Ngọc Tinh, như Cơ quan CSĐT Công an Điện Biên đã thu giữ) lên Điện Biên bằng Vietnam Airlines không?

Nội dung bào chữa tại phiên hình sự sơ thẩm sáng ngày 20/12/2013, luật sư Hoàng Huy Được (đồng thời là người bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa hình sự phúc thẩm sáng ngày 23/8/2016); cho rằng: “Kết luận: Số vàng là có thật, việc mua bán và chứng từ hóa đơn là có thật, việc cáo buộc bị cáo mua hóa đơn khống là không có căn cứ” (trích “Biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm” sáng 20/12/2013)... Từ thành phố Điện Biên Phủ xuống cung giao thông khu vực bản Na Thìn, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, đoạn đường dài 16km. Hiện nay, sau khi chia tách xã Sam Mứn (Nghị quyết số 45/2012/NQ-CP), thì bản Na Thìn thuộc xã Pom Lót, huyện Điện Biên. Đây là vùng nông thôn nghèo khó gần biên giới Việt - Lào, nằm bên con đường độc đạo là quốc lộ 279 đi cửa khẩu quốc tế Tây Trang, do Đồn 429 Biên phòng Điện Biên đảm trách. Thời điểm xảy ra vụ án (19/4/2013) cũng như hiện nay, khu vực bản Na Thìn, hoàn toàn không có chợ, lại càng không có hiệu kinh doanh kim loại quý nói chung và vàng nói riêng. Trong lúc đắc ý với lập luận của mình, thì vị luật sư đã phạm một sai lầm căn bản có tính kỹ thuật, kiểu “ông ơi tôi ở bụi này”. Câu hỏi không thể không đặt ra ở đây là, cứ cho rằng diễn biến sự việc đúng như suy luận của luật sư Hoàng Huy Được: “Số vàng là có thật, việc mua bán và chứng từ hóa đơn là có thật”; vậy sau khi mua vàng ở Hà Nội, các bị cáo vận chuyển số vàng lớn như thế lên Điện Biên để làm gì mà lại mang đến chỗ không có chợ búa, không có hiệu kinh doanh vàng? Hay các bị cáo mua vàng ở nơi giá cao (Việt Nam), rồi vận chuyển đi bán ở nơi giá thấp (Lào) (?!). Hơn nữa, với 15kg vàng dạng thỏi, thì đó là số vàng có giá trị kinh tế rất lớn và thuộc loại hàng hóa để buôn bán, chứ đâu phải đôi hoa tai hay sợi dây chuyền như món đồ trang sức xinh xinh mà các quý bà, quý cô thường mang theo?

Tại phiên phúc thẩm sáng 23/8/2016, hai bị cáo đón ý nhau như một sự “thông cung” công khai để cùng thay đổi lời khai, rằng đối tượng giao vàng là một người “không quen biết” chứ không phải Vũ Đình Cử. Chính xác người giao túi vàng cho Nguyễn Trọng Bằng là Vũ Đình Cử hay ai thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ ở vụ án khác, vấn đề ở chỗ qua đấy chúng ta thấy số vàng này đâu phải do Nguyễn Trọng Bằng mua của Công ty TNHH Đầu tư tài chính và vàng Mường Thanh (địa chỉ tại Linh Đàm - Hà Nội), rồi vận chuyển lên Điện Biên như luật sư Hoàng Huy Được từng khẳng định: “Số vàng là có thật, việc mua bán và chứng từ hóa đơn là có thật”. Vả lại, cũng cần lưu ý ông Hoàng Huy Được rằng hơn ai hết, Vũ Đình Cử là người biết chính xác mình có liên quan đến vụ án hay không. Chính vì thế mà khi vụ việc bại lộ, Vũ Đình Cử đã kịp “lặn một mạch” trước lúc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên có quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam!

 
Bị cáo Trần Ngọc Tinh (bên trái) và bị cáo Nguyễn Trọng Bằng, tại phiên hình sự phúc thẩm ngày 23/8/2016.

Trong phần thẩm vấn tại phiên phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Trọng Bằng khai không hề quen biết người bán vàng và rằng đây là lần đầu tiên anh ta đến khu vực Tây Trang. Song rất tiếc là không hề một ai (hội đồng xét xử, cơ quan công tố cũng như luật sư), đặt câu hỏi vậy sao người bán lại biết thời điểm ấy tại đây có người mua vàng mà mang vàng đến bán và sao người mua lại biết ở đây có người bán vàng mà mang tiền đến mua? Bằng vào diễn biến vụ việc, có thể khẳng định không những người mua và người bán biết nhau mà hơn thế, họ còn liên lạc với nhau trước đó nhiều ngày (ít nhất cũng qua điện thoại di động, về giá cả, chất lượng vàng, phương thức thanh toán, địa điểm và cách thức giao nhận...). Nên nhớ, đây là cuộc mua bán 15kg vàng với giá trị hơn 16 tỷ đồng, chứ đâu phải những thứ rẻ mạt như mớ rau hay quả cà?...

Trước đó, tại phiên hình sự sơ thẩm (ngày 27/3/2014), cả cơ quan điều tra (Công an) và 2 cơ quan tham gia tố tụng (Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân), đều có chung quan điểm truy tố các bị cáo tội danh “Buôn lậu” (theo điểm a, khoản 4, Điều 153 Bộ luật Hình sự); tịch thu sung công toàn bộ 15kg vàng, phạt Nguyễn Trọng Bằng mức án 13 năm tù giam và Trần Ngọc Tinh mức án 12 năm tù giam. Tuy nhiên, đến phiên phúc thẩm ngày 23/8/2016 thì “gió đã đổi chiều”, Hội đồng xét xử tuyên y án sơ thẩm phần 15kg vàng tang vật (tịch thu sung công), phạt Nguyễn Trọng Bằng mức án 7 năm tù giam và Trần Ngọc Tinh 4 năm tù giam, cùng về tội danh “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”... Đến đây, một điều khó hiểu đương nhiên được đặt ra: Ai là người phạm tội để có số tài sản đó cho các bị cáo tiêu thụ? Kết luận điều tra của cơ quan điều tra không thể hiện, cáo trạng của cơ quan truy tố không đặt ra, vậy Hội đồng xét xử dựa vào đâu mà “dựng lên” một “người khác phạm tội” không có tên tuổi, không có hành vi, chứng cứ phạm pháp và nhất là không chịu bất kỳ một trách nhiệm luật pháp nào như thế?

Tranh thủ lúc tòa nghị án, tại hành lang phòng xử chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Ngụy Thế Nho (Phó Viện trưởng Viện 3 - Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao), người được giao đại diện cho cơ quan công tố trong phiên phúc thẩm. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, về việc nếu đề nghị trả hồ sơ vụ án để điều tra lại của Viện Kiểm sát Nhân dân không được tòa chấp nhận, thì sao? Ông Ngụy Thế Nho cho biết: Đó là quyền của Hội đồng xét xử vì quyết định của Hội đồng xét xử là quyết định cao nhất, quyết định cuối cùng... Và với cách giải quyết vụ án kiểu “quyền uy bao trùm” đó của Hội đồng tòa cao cấp (tối cao), mặc nhiên Vũ Đình Cử được hưởng một “đặc ân” coi như người “ngoài vòng pháp luật” do không liên quan gì tới vụ việc(?). Được biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên đã ra quyết định truy nã đối với Vũ Đình Cử trên phạm vi toàn quốc, nếu vậy, chắc phải rút lại lệnh truy nã Vũ Đình Cử chăng?

(Đón đọc kỳ 3)

Bài, ảnh: Quốc Lâm
Bình luận
Back To Top