Phiên tòa Nguyễn Trọng Bằng cùng đồng phạm buôn lậu 15kg vàng

Vụ án xử đi… xử lại

09:45 - Thứ Năm, 08/09/2016 Lượt xem: 4457 In bài viết

Kỳ 3: Quan điểm chả ai giống ai

ĐBP - Tận khi chúng tôi hoàn thiện kỳ cuối cho loạt bài này, thì án văn của phiên tòa hình sự phúc thẩm vẫn chưa được hội đồng xét xử công bố (lưu hành). Trong lời tuyên án lúc “quá ngọ” ngày 23/8/2016 của Chủ tọa phiên tòa - ông Hoàng Văn Hạnh - nêu rõ: Quan điểm của luật sư và của cơ quan công tố không phù hợp với quan điểm của hội đồng xét xử, nên không được tòa chấp nhận...

 

Ông Hoàng Huy Được là luật sư duy nhất tại phiên hình sự phúc thẩm ngày 23.08.2016

Trước đó, ý kiến của cơ quan giữ quyền công tố - ông Ngụy Thế Nho (Phó Viện trưởng Viện 3) - đề nghị trả hồ sơ cho cơ quan Công an để điều tra bổ sung, làm rõ các tình tiết: Có hay không việc Nguyễn Trọng Bằng vận chuyển hàng (vàng) qua biên giới? Bà Pa ny Sêng sơn (công dân Lào tên thường gọi là A Chung; có tiệm vàng tại chợ Lư Xay, huyện Mường Xay, tỉnh U Đoom Xay, nước CHDCND Lào), có quen biết bị cáo Nguyễn Trọng Bằng nhưng thực tế có bán vàng cho Bằng không? Còn luật sư Hoàng Huy Được thì cho rằng Hải quan Tây Trang và Đồn Biên phòng Tây Trang đã có văn bản khẳng định thời gian ấy, hai cơ quan này không làm thủ tục xuất - nhập cảnh cho công dân Việt Nam nào có tên là Nguyễn Trọng Bằng. Vì lẽ đó, theo luật sư Hoàng Huy Được, các bị cáo không phạm tội “Buôn lậu” (Điều 153/BLHS). Nhưng hội đồng xét xử thì nghĩ khác, thậm chí rất khác, khi tuyên các bị cáo phạm tội: “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Nói cách khác, hội đồng xét xử không cho dừng phiên tòa để điều tra bổ sung như đề nghị của cơ quan công tố, cũng không kết luận tội “Buôn lậu” như quyết định khởi tố bị can của Cơ quan Điều tra. Phiên tòa kết thúc và có lẽ chỉ luật sư Hoàng Huy Được là “múa tay trong bị”, vì ý tòa đúng như ý mình và ý mình trùng với ý của các thân chủ(?).

Theo Bộ luật Hình sự 2009, tội danh: “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nằm trong Điều 250 với tên gọi đầy đủ là: “Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Đây là tội danh có từ Bộ luật Hình sự năm 1985 (Điều 201), được Bộ luật Hình sự năm 1999 kế thừa và bổ sung tại Điều 250 và trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2009, vẫn giữ nguyên Điều 250 đã được quy định từ Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, sau mấy năm áp dụng, một số quy định của tội danh này (Điều 250) có những cách hiểu khác nhau, dẫn tới những phán quyết (định tội) khác nhau của cơ quan xét xử. Chính vì thế, ngày 30/11/2011, liên ngành Trung ương gồm 6 cơ quan: Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao - Tòa án Nhân dân tối cao, ban hành Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC, nội dung hướng dẫn áp dụng quy định Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2009, về “Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Giáo sư - tiến sỹ, đại tá Trần Minh Hưởng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên - cho biết: Với Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2009, thì: “Mặt chủ quan của tội phạm như sau: Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức được tài sản mình chứa chấp, tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có nhưng do vụ lợi hoặc động cơ khác nên vẫn chứa chấp, tiêu thụ. Chủ thể của tội phạm: Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi do luật định. Hình phạt cao nhất là Khoản 4, phạt tù từ 7 năm đến 15 năm khi có một trong hai tình tiết sau: a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn. b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn”. Với phiên tòa này, chính vì Nguyễn Trọng Bằng “nhận thức được tài sản mình chứa chấp, tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có”, nên ngay từ đầu Bằng đã tính đến các thủ đoạn mua hóa đơn giả để hợp thức hóa số vàng khi vận chuyển, chuẩn bị sẵn bộ quần áo bảo hộ lao động công nhân Nhà máy Xi măng Điện Biên (cho Trần Ngọc Tinh mặc) để che mắt cơ quan điều tra. Đó là hành vi cố ý phạm tội và phạm tội mang tính chuyên nghiệp. Trang 4, án văn số 36/2014/HSST ngày 27/3/2014, viết: “Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Điện Biên truy tố các bị cáo: Nguyễn Trọng Bằng và Trần Ngọc Tinh về tội: “Buôn lậu” theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 153/BLHS là hoàn toàn chính xác, khách quan, đúng người, đúng tội và có căn cứ pháp luật, không oan sai”.

Tại phiên hình sự phúc thẩm, Nguyễn Trọng Bằng phủ nhận hầu hết mọi lời khai trước đó với Cơ quan Điều tra. Theo anh ta, sở dĩ trước khai như thế vì bị cán bộ điều tra ép cung, mớm cung. Chủ tọa hỏi thế tại phiên xử hôm nay, bị cáo (Nguyễn Trọng Bằng) nhìn xem có mặt cán bộ điều tra nào từng ép cung, mớm cung bị cáo không? Bằng trả lời không biết. Tòa hỏi sao việc giao nhận hàng đơn giản thế? Bằng trả lời: Vì tin nhau. Tòa lại hỏi: Tin nhau phải có quá trình quan hệ và phải được thử thách, đằng này bị cáo và người bán vàng không quen biết nhau cơ mà? Nguyễn Trọng Bằng không trả lời gì.

 

Tòa tuyên án với những cáo buộc chả giống ai.

Đại tá Phạm Duy Cảnh - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Trưởng Phòng PC47 Công an tỉnh - cho rằng: Để giải quyết vụ án một cách toàn diện, hội đồng xét xử cần xét đến các tình tiết tăng nặng, như: Việc buôn bán vàng của các đối tượng là có quá trình (3 lần vận chuyển: 1kg, 8kg và 15kg), đặc biệt có sự phân công vai trò của từng người: Nguyễn Thị Tuyết Mai chịu trách nhiệm về vốn (vay tiền doanh nghiệp); Nguyễn Trọng Bằng trực tiếp sang Lào mua vàng, sau khi nhận hàng từ Vũ Đình Cử ở Tây Trang thì Bằng vận chuyển số hàng đó về Hà Nội; Trần Ngọc Tinh có nhiệm vụ mang giấy tờ mua vàng khống từ Hà Nội lên Điện Biên giao cho Nguyễn Trọng Bằng; Vũ Đình Cử là người vận chuyển số vàng từ Lào qua cửa khẩu Tây Trang rồi giao cho Nguyễn Trọng Bằng. Các đối tượng biết trước việc vận chuyển số vàng lớn như thế là phạm pháp, do đó, trước hết là “thủ sẵn” 3 bộ hóa đơn khống cho yên tâm. Với Trần Ngọc Tinh cũng thế, thay vì mặc bộ trang phục thường ngày thì mặc bộ quần áo công nhân Nhà máy Xi măng Điện Biên. Theo chúng tôi, xét về logic diễn biến, bộ quần áo công nhân Nhà máy Xi măng này cũng do ai đó chuẩn bị từ trước cho Trần Ngọc Tinh, chứ không phải đến đó rồi kiếm sau?

Là người tham dự từ đầu đến cuối phiên hình sự phúc thẩm sáng ngày 23/8/2016, cùng với đó là trao đổi trực tiếp với luật sư Hoàng Huy Được bên hành lang tòa án, chúng tôi thấy vị luật sư này không có lý lẽ gì sắc sảo và thuyết phục, ngoài chi tiết ông nhận được văn bản của Hải quan và Biên phòng Tây Trang, nội dung xác nhận thời gian ấy không làm thủ tục xuất - nhập cảnh cho công dân Việt Nam nào có tên là Nguyễn Trọng Bằng. Trong khi tại phiên hình sự sơ thẩm ngày 20/12/2013, trả lời câu hỏi của tòa: “Bị cáo đi sang Lào khi nào?”, Bằng khai: “Ngày 17/4 (2013) bằng xe ô tô đi qua cửa khẩu Tây Trang”. “Tại sao bị cáo sang Lào mà không phải làm thủ tục?”, Bằng khai: “Do hay qua lại, lúc đó giấy thông hành hết hạn nên bị cáo xin qua và hứa về làm lại”... Ngay cả “chứng cứ” mà ông Hoàng Huy Được viện dẫn được cho là văn bản của Hải quan và Biên phòng Tây Trang, tại phiên tòa không thấy được kiểm tra, được đánh giá về tính hợp hiến và niềm tin pháp lý của nó. Thiết nghĩ, hơn ai hết, các cơ quan tham gia tố tụng thừa hiểu quá trình phát hiện, thu thập chứng cứ vừa phải quán triệt những nguyên tắc, quy luật của nhận thức, vừa phải bảo đảm tính pháp lý; nói cách khác là phải khách quan và phải tuân thủ đúng quy định về trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành!

Một điều chúng tôi cho là rất “lạ lùng” ở chỗ trong toàn bộ phiên xử, vị đại diện cơ quan công tố không hề tranh luận gì với luật sư và hội đồng xét xử; hội đồng xét xử không hề tranh luận gì với đại diện cơ quan công tố và luật sư; luật sư cũng không hề tranh luận gì với đại diện cơ quan công tố và hội đồng xét xử. Tóm lại, có cảm giác phiên hình sự phúc thẩm diễn ra như một “kịch bản” được dàn dựng một cách vụng về, tất cả đều hài lòng mặc dù quan điểm xử lý vụ án của các bên chả ai giống ai và thậm chí trái ngược nhau...

Bài, ảnh: Quốc Lâm
Bình luận
Back To Top