Vấn nạn "đạn chì" và tội phạm sử dụng "vũ khí nóng"

14:39 - Thứ Năm, 12/01/2017 Lượt xem: 7104 In bài viết
Trong năm 2016, liên tiếp hàng loạt vụ giết người, cướp ngân hàng, gây rối chấn động dư luận đã xảy ra tại hai thành phố  Đà Nẵng và Huế. Đáng ngại là “vũ khí nóng” mà những tội phạm này sử dụng để gây án lại chính là súng bắn hơi, súng bắn đạn chì.

Ngay ngày đầu năm mới 2017, 11 bao đạn chì có trọng lượng gần 300 kg giấu giữa đống hàng “phục vụ Tết” trong chiếc xe tải mang biển số Lào đã bị Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện, bắt giữ.

 

Tang vật gần 300kg đạn chì được lực lượng CSGT Quảng Nam phát hiện và thu giữ ngay ngày đầu năm 2017.

Trong năm 2016, liên tiếp hàng loạt vụ giết người, cướp ngân hàng, gây rối chấn động dư luận cũng đã xảy ra tại hai thành phố láng giềng của Quảng Nam là Đà Nẵng và Huế. Đáng ngại và trùng hợp ở chỗ, “vũ khí nóng” mà những tội phạm này sử dụng để gây án lại chính là súng bắn hơi, súng bắn đạn chì. 

300 kg đạn chì theo “hàng Tết” tuồn vào miền Trung

Thiếu tá Phạm Phương Bình (Phó đội trưởng Đội CSGT số 2 – Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam) cho biết: Trong lúc tuần tra kiểm soát (TTKS), Đội đã phát hiện và bắt giữ một số lượng lớn hàng nghi nhập lậu mượn danh “hàng phục vụ Tết” trên tuyến đường Hồ Chí Minh tại Km 1382 đoạn qua huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam). Đặc biệt, trong đó có 11 bao chứa đạn chì.

Cụ thể, vào đêm 1-1-2017, tại tuyến đường này, trong khi các ôtô giảm tốc độ khi đi qua chốt giao thông thì riêng có một chiếc xe tải màu xanh, mang biển số Lào với số hiệu Un-1082, phía sau được bao bọc khá kĩ bằng bạt nilon, chạy theo hướng Nam – Bắc lại tăng tốc.

Thấy dấu hiệu bất thường, lực lượng CSGT lập tức ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra. Mặc dù cho biết, trên xe chỉ chở “hàng Tết” gồm giày, dép, áo quần, nhưng  tài xế Trần Phi H. (50 tuổi, trú TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) lại tỏ ra lúng túng và khá lo lắng khi xuất trình giấy tờ khiến Tổ tuần tra nghi ngờ trên xe có hàng bất hợp pháp.

Khi CSGT đề nghị kiểm tra thùng xe, ban đầu các kiện hàng  được đóng gói trong các bao nilon màu đen bên trên, và những bao ở bên ngoài, đúng như tài xế nói là giày dép và hàng dệt may. Tuy nhiên, tiếp tục kiểm tra vào phía trong thùng xe, thì bất ngờ có nhiều bao hàng khá nặng chứa tổng cộng 11 bao tải đạn chì dùng cho súng hơi với trọng lượng 275 kg.

Kỳ lạ hơn, tổng số hàng hoá chở trên xe có trọng lượng hơn 3,5 tấn cùng số lượng khủng đạn chì này đều được tài xế H. thoái thác “không biết” và nói mình chỉ là người chở thuê?!...

Tại cơ quan điều tra, tài xế H. cho biết, H. có trách nhiệm điều khiển xe từ Lào, qua cửa khẩu tại Quảng Nam và điểm đến là cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị). Toàn bộ số hàng này là của một người đàn ông quốc tịch Việt Nam sống tại Lào thuê chở.

Trước khi nhận hàng, H. có hỏi về các mặt hàng được thuê chở thì chủ cho biết là giày dép, áo quần và không cung cấp hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Trước khi xe chạy, H. có kiểm tra những bao ở phía ngoài đúng là hàng giày dép và dệt may. Và vì do được thuê với số tiền cao hơn thông thường nên H. chấp nhận chở hàng hóa mà không yêu cầu cung cấp các giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Riêng về số tiền nhận chở cao hơn so với bình thường, H. ngụy biện rằng: là vì chở hàng dịp gần Tết nên nhận với giá cao?!.

Báo động nạn mua bán súng đạn trên mạng

Liên quan đến vụ vận chuyển hàng lậu đạn chì này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: Đây là trường hợp phát hiện vụ vận chuyển đạn chì lớn nhất từ trước đến nay bị bắt giữ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…

Số đạn chì thu được trong xe tải Lào, bị thu giữ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vào ngày 1-1 vừa qua là loại dùng cho súng hơi. Đây là loại đạn thường được dùng để săn bắn thú, nhưng là mặt hàng nằm trong danh mục cấm mua bán, sử dụng.

Việc người dân mua bán hay sử dụng loại đạn này là vi phạm về pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Xem xét tùy theo mức độ, tính chất của vụ việc mà lực lượng chức năng xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đặc biệt, đây là loại đạn có mức độ gây sát thương cao nếu được bắn ở khoảng cách gần. Hiện việc mua bán súng, đạn chì diễn ra khá phổ biến trên mạng. Công dụng thông thường của các loại vũ khí này là để săn bắn thú. Tuy nhiên, không ít đối tượng có ý đồ xấu sử dụng đạn chì, súng hơi để gây án.

Trên địa bàn miền Trung vừa qua đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng liên quan đến súng hơi, đạn chì.

Như vụ ngày 26/11/2015, tại thành phố Đà Nẵng, đối tượng Feng Long Chung (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) do mâu thuẫn trong việc làm ăn đã mua súng hơi và đạn chì để “thanh toán” đối thủ là Li Mu Zi (33 tuổi, quốc tịch Trung Quốc).  Chung bắt xe từ Hà Nội vào Đà Nẵng rồi chờ trước cửa nhà, ngay khi Li Mu Zi dắt xe ra, đối tượng lao đến, bắn nhiều phát khiến nạn nhân tử vong…

Mới đây nhất, sau nhiều ngày gây chấn động dư luận và lẩn trốn, tên cướp bịt mặt, dùng súng bắn bi uy hiếp nhiều người và cướp 725 triệu đồng tại Phòng giao dịch Ngân hàng BIDV Thành Nội (số 29 đường Mai Thúc Loan, TP Huế) vào chiều ngày 6/12/2016 đã bị bắt. Hắn là Nguyễn Hoàng Tâm (30 tuổi, trú tại 05 đường Thanh Khê 6, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng). Trên đường tẩu thoát, Tâm còn nổ súng đe dọa những người tham gia đuổi bắt…

Từ lời khai của tên Tâm, qua khám xét nhà người thân tại xã Vinh An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), cơ quan điều tra đã thu giữ được nhiều tang vật của đối tượng thực hiện gây án. Trong đó có một khẩu súng bắn bi mà đối tượng Tâm sử dụng để đi cướp chiều tối 6-12.

 

Vụ PGD dùng súng đạn bi để trả thù cá nhân.

Một vụ dùng súng bắn bi gây chấn động khác ngay tại TP Đà Nẵng, đó là vụ Phó Giám đốc một công ty chuyên kinh doanh lâm sản tại Đà Nẵng dùng súng bắn bi để trả thù hiềm khích cá nhân.

Sự việc xảy ra vào khoảng 3h ngày 19-2-2016, tại hai showroom Hyundai của Công ty cổ phần Ôtô Việt Hàn (tại đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Phạm Hùng, quận Cẩm Lệ), một kẻ giấu mặt dùng súng tấn công trong đêm khuya. Hậu quả, nhiều tấm kính cường lực phía mặt trước của showroom bị đạn bắn xuyên thủng, vỡ toác…

Hung thủ chính là Trần Quốc Huy (29 tuổi, trú 68-Nguyễn Văn Thủ, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Huy cho rằng,  thường xuyên phải băng rừng một mình, nhiều lần bị lâm tặc chặn đường xin đểu nên phải lên mạng mua súng và đạn chì để phòng bất trắc... Nhưng thay vì “phòng thân” trên rừng, hắn lại dùng súng cùng hàng chục viên đạn mua trên mạng bắn vào hai trụ sở công ty, gây chấn động trong đêm ở giữa thành phố. 

Hắn còn khoe, chỉ cần cú nhấp chuột trên Youtube  là có thể đặt mua khẩu súng hơi bắn đạn bi sắt một cách dễ dàng. Giá súng lại rất bèo, chỉ gần 5 triệu và kèm theo hai băng đạn bi 34 viên cùng hộp đạn bi 234 viên, và nhiều bình ga CO2 loại nhỏ dùng để lắp vào tạo lực hơi. Loại súng này lực bắn rất mạnh, với kính cường lực 12 ly, đối tượng ở cách xa hơn 10m từ trong xe ôtô nhưng vẫn bắn thủng, vỡ kính cường lực…

Theo tìm hiểu của phóng viên Chuyên đề CSTC, hiện nay xuất hiện khá nhiều trang mạng rao bán đạn chì, súng hơi. Liên hệ với địa chỉ bán súng săn, đạn chì trên trên trang muasung…, chủ trang cho biết, có rất nhiều loại súng khác nhau với giá từ 16 triệu đồng trở lên. Nếu mua súng bắn chim đã qua sử dụng thì giá rẻ hơn. Họ còn nhận sửa chữa các loại súng đã qua sử dụng.

Riêng đạn chì cũng có rất nhiều loại, mũi nấm, mũi dùi, mũi nhọn… Giá rẻ nhất 350 nghìn đồng 1kg và đắt nhất là loại đạn chì xuyên phá với giá 2 triệu đồng 1kg. Người bán cho hay: “Loại đạn xuyên phá nếu bắn ở khoảng cách gần có thể xuyên tường”. Ngoài ra, trang này còn rao bán các loại phụ tùng súng săn như ống ngắm, lò xo, ống giảm thanh… Chủ một facebook chuyên rao bán khá nhiều loại đạn chì cho biết, đạn chì được nhập từ Trung Quốc về bán cho người cần…

Tất cả các trang buôn bán đạn chì, súng hơi trên mạng đều có cùng cách thức giao dịch, khách chuyển khoản tiền trước, rồi nhắn địa chỉ để kẻ bán gửi hàng sau. Họ cũng thừa nhận, súng và đạn đều không có giấy phép...

 

Các trang web rao bán súng, đạn công khai trên mạng.

Hiện nay, cơ quan chức năng không cấp phép cho việc sử dụng đạn chì, súng hơi, súng săn bởi vi phạm điều cấm của Pháp lệnh 16/2011.

Nếu trao đổi mua bán, sửa chữa, cho mượn, tặng… vũ khí trái phép quy định sẽ bị phạt từ 2 đến 4 triệu đồng. Hành vi mua bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí cũng bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.

Với việc sản xuất, chế tạo vũ khí trái phép sẽ bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Nếu ai có hành vi sử dụng đạn chì, súng hơi, súng săn để bắn người, đe dọa bắn, gây thương tích cho người khác, cướp tài sản… tùy vào từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, đe dọa giết người, cướp có vũ khí…

Ở nước ta, thực tế có diễn ra tình trạng người dân tự ý sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển đạn chì, các loại súng nhằm phục vụ sở thích săn bắn. Tuy nhiên, nhiều đối tượng lại sử dụng đạn chì và các loại súng với mục đích giết người, cướp của. Điều này đe dọa đến tính mạng, tài sản của công dân. Do đó, lực lượng chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng, vận chuyển đạn chì, súng săn; cần có chế tài mạnh hơn mới đủ sức răn đe.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top