“Khoảng trống” luật pháp nơi vùng sâu, biên giới

17:06 - Thứ Sáu, 17/02/2017 Lượt xem: 4236 In bài viết
ĐBP - Mấy ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh cũng như trong nước, tràn ngập thông tin về vụ thảm sát chiều ngày 11/2/2017, tại bản Ma Lù Thàng, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, khiến 3 nạn nhân trong một gia đình người Mông bị tử vong. Hôm sau (12/2/2017), biết không thể thoát khỏi “lưới trời luật pháp” nên kẻ thủ ác đã tự vẫn bằng lá ngón. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan Công an xác định là do mâu thuẫn tranh chấp đất nương, dẫn đến kết cục đau lòng 4 người thiệt mạng...

Lại nhớ cách đây chưa lâu, cuối buổi chiều ngày 11/6/2016, Công an huyện Nậm Pồ tiếp nhận nguồn tin tại bản Nậm Chẩn, xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ xảy ra vụ án mạng; nạn nhân là anh Cư A Vần (sinh 1962) trú tại bản Nậm Chẩn, xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ. Ngay lập tức Công an huyện chỉ đạo lực lượng lên bảo vệ hiện trường, khẩn trương điều tra, xác minh, truy bắt đối tượng gây án. Chưa đầy 3 giờ sau, một tổ công tác của Công an huyện đã bắt được hung thủ là Cư A Hòa (sinh 1978), hộ khẩu thường trú bản Nậm Chẩn, xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ. Khai thác mở rộng vụ án, Công an huyện bắt thêm 3 đối tượng tòng phạm là: Cư A Phứ (sinh 1985), Cư A Châu (sinh 1993) và Cư A Sùng (sinh 1999) là người cùng gia đình với Cư A Hòa. Theo khai nhận của các đối tượng, do tranh chấp mảnh ruộng nên chiều ngày 11/6/2016, Cư A Hòa đã bàn bạc với Cư A Phứ, Cư A Châu, Cư A Sùng xuống khu ruộng đang tranh chấp để đánh anh Cư A Vần. Hòa bảo bố đẻ (Cư A Phần) mang theo cái búa đinh và bảo con trai (Cư A Sùng) mang theo một dụng cụ sửa xe máy để làm vũ khí. Đến khu ruộng, anh em Cư A Hòa gọi anh Cư A Vần xuống rồi cả bọn xông vào đấm đá. Cư A Hòa dùng búa đinh, Cư A Sùng dùng hòn đá đập liên tiếp khiến anh Cư A Vần không kịp chống trả, sau đó tử vong do đa chấn thương và một số vết thương quá nặng.

 

Cán bộ Đoàn kinh tế quốc phòng 379, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân vùng sâu, biên giới.

Luật sư Đỗ Thế Điệp (Trưởng Văn phòng Luật sư Thế Điệp - Trụ sở phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ), từng tham gia rất nhiều phiên xử tại Tòa án Nhân dân huyện Nậm Pồ và Tòa án Nhân dân huyện Mường Nhé. Ông cho rằng: “Giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để giảm thiểu các vụ phạm pháp ở huyện Nậm Pồ và Mường Nhé, là tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong lịch sử tư pháp huyện Mường Nhé, chắc nhiều người dân trên địa bàn còn nhớ một phiên tòa hình sự có thể xem là “vụ án điểm”, về tính chất xã hội và nhất là sự bi hài của nó. Đó là vào cuối tháng 5/2009, tại bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé), xảy ra hiện tượng hàng chục con trâu của nhiều hộ nông dân bản Nậm Kè, bị thương nặng, một số con bị những vết chém dài và sâu, bỏ ăn vài ba ngày rồi chết. Nhiều người dân cho là có “ma” ở đâu đó trên rừng, nên sợ hãi không dám đi nương(!). Sau một thời gian lập án đấu tranh, từ những chứng cứ thu thập được, ngày 11/6/2009, ban chuyên án thực hiện lệnh bắt giữ 3 đối tượng (đồng thời là anh em ruột với nhau) người dân tộc Sán Chỉ, hộ khẩu thường trú bản Huổi Thanh I, xã Nậm Kè, về hành vi hủy hoại tài sản công dân. Lời khai ban đầu của 3 đối tượng: Ngày 18/5/2009, 3 anh em đi thăm nương ngô, phát hiện đàn trâu bản Nậm Kè đang ăn ngô. Bức xúc trước việc nương ngô của gia đình bị phá, các đối tượng đã cùng nhau đuổi chém đàn trâu. Vụ việc được Công an huyện Mường Nhé làm sáng tỏ, chẳng những đã xua tan lời đồn thổi mê tín dị đoan, mà quan trọng hơn là giúp giải toả mối nghi ngờ gây mất đoàn kết giữa các dân tộc trong xã.

Điều nguy hiểm đó là vì mê tín dị đoan tin vào “ma chài - ma chò”, nên mấy năm vừa rồi trên địa bàn huyện xảy ra một số vụ án mạng táo tợn và rất thương tâm. Ngày 31/1/2011, tại bản Huổi Đáp, xã Nà Khoa (thời điểm ấy chưa thành lập huyện Nậm Pồ), bà Giàng Thị Sú, 39 tuổi, dân tộc Mông, bị bắn chết khi đang ngủ ngay trong nhà của mình. Qua điều tra, thủ phạm là Thào A Páo và Thào A Hồ, cùng trú tại bản Huổi Đáp, xã Nà Khoa, đã giết bà Giàng Thị Sú vì chúng tin bà là “ma chài” đã làm cho nhiều người trong bản ốm chết, trong đó có con của Thào A Páo. Chỉ với cái giá 3 triệu đồng mà Thào A Páo đưa ra, Thào A Hồ nhận lời rồi đang đêm xách khẩu súng kíp đến bắn chết bà Sú. Trong phiên hình sự ngày 31/5/2011, TAND tỉnh Điện Biên đã tuyên Thào A Páo 18 năm tù giam và Thào A Hồ 16 năm tù giam.

Để khép lại bài viết này, chúng tôi xin dẫn lời luật sư Nguyễn Quang Khai (Trưởng Văn phòng Luật sư A1 - Trụ sở Tổ dân phố 1, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ), cho rằng để giúp đỡ người nghèo nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 59/2012/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 15/2/2013), về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013-2020. Tuy nhiên, theo Quyết định 59/2012/QĐ-TTg, chỉ có 856 xã nghèo thuộc 62 huyện nghèo đang được hưởng chính sách hỗ trợ pháp lý theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Còn các xã nghèo, đặc biệt khó khăn (ngoài các huyện nghèo) và các thôn, bản đặc biệt khó khăn đã được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, từ năm 2011 đến nay chưa được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý. Do vậy các xã này cần được Nhà nước quan tâm hỗ trợ để bảo đảm công bằng trong chính sách, pháp luật, góp phần giảm nghèo bền vững.

Được biết so với Nghị quyết số 80/NQ-CP, phạm vi đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý tại Quyết định 59/2012/QĐ-TTg được mở rộng hơn, không chỉ người nghèo mà bao gồm cả những người được trợ giúp pháp lý khác. Bởi vì, tại các xã nghèo, người nghèo và người được trợ giúp pháp lý khác rất khó tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý, vì vậy, việc cho họ được thụ hưởng chính sách này là thực sự cần thiết. Hơn nữa, các hoạt động trợ giúp pháp lý được diễn ra tại cơ sở thường phải đầu tư lớn về kinh phí, nguồn nhân lực, do vậy, cần tận dụng tối đa để phát huy hiệu quả trong thực tế. Thực tế cho thấy tại các xã nghèo diện người cần được trợ giúp pháp lý rất lớn, song họ chưa biết nhiều về hoạt động trợ giúp pháp lý. Đây cũng là địa bàn triển khai nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án về xoá đói, giảm nghèo; trong khi chất lượng nguồn nhân lực làm công tác pháp luật chưa tương xứng. Hy vọng trong những năm tới, với 5 nhóm hoạt động trợ giúp pháp lý tại Quyết định 59/2012/QĐ-TTg, sẽ bảo đảm hỗ trợ nhiều nhất cho người dân tại các địa bàn khó khăn và xa xôi này...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top