Lừa bán hàng trên mạng - Chiêu lừa cũ vẫn có nạn nhân mới

14:41 - Thứ Ba, 28/02/2017 Lượt xem: 5101 In bài viết
Quảng cáo hàng hóa “trên trời” nhưng thực tế hàng khách nhận được lại kém chất lượng; nhận tiền đặt cọc của khách rồi người bán hàng tắt điện thoại, khóa Facebook và “lặn mất tăm”… những chiêu lừa cũ nhưng vẫn có nạn nhân mới.

Giữa tháng 1-2017, anh Đỗ Hồng Bắc, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội quen qua mạng xã hội Facebook một tài khoản có tên “Tui Xach Xuat Khau”. Chủ tài khoản giới thiệu tên là Myn, địa chỉ nhà tại đường Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh. Hai bên đã thống nhất đặt mua túi xách với số tiền là 7 triệu đồng và anh Bắc sẽ trả trước 3 triệu đồng cho Myn vào tài khoản Dương Thị Ngọc M..

 

Nhiều người "sập bẫy" vì mua hàng qua mạng.

Người này hứa sau 3 ngày từ khi chuyển tiền, anh Bắc sẽ nhận được hàng và thanh toán nốt số tiền còn lại. Tuy nhiên, ngày 16-1, sau khi anh Bắc đã chuyển 3 triệu đồng vào tài khoản trên và nhiều lần điện thoại cho Myn thì đều nhận được lời thông báo “Thuê bao hiện đang tắt máy”. Tài khoản facebook Tui Xach Xuat Khau cũng đã bị xóa khỏi hệ thống.

Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, anh Bắc đã làm đơn trình báo đến Báo CAND và các cơ quan Công an.

Anh Bắc cho biết, vốn là một người kinh doanh bán hàng qua mạng nhiều năm qua, để tránh tình trạng lừa đảo, trước khi chuyển tiền nhập hàng của ai, anh Bắc đều xác minh địa chỉ nhà hay cửa hàng xem có thật hay không. Tuy nhiên, trường hợp này do chủ quan nên anh không kiểm tra. Hiện, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tiếp nhận và đang điều tra làm rõ sự việc.

2 hành vi lừa đảo bán hàng qua mạng phổ biến
Thứ nhất, quảng cáo hàng có chất lượng tốt, giá cả trên trời nhưng đến lúc khách nhận được hàng thì kém chất lượng, không như quảng cáo ban đầu. 
Thứ hai, người bán quảng cáo hàng để “nhử” khách mua nhưng đến khi nhận được tiền chuyển khoản của khách hàng sẽ tắt facebook, tắt điện thoại không thể liên lạc được.
Thời gian gần đây, hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra rất sôi động qua mạng xã hội facebook. Người bán, người mua thường chỉ quen biết nhau qua mạng xã hội và sau khi đồng ý mua bán là chuyển tiền và nhận hàng. Tuy nhiên, do hoạt động mua bán này thường chỉ được xây dựng trên cơ sở “niềm tin” nên đã diễn ra những câu chuyện dở khóc dở cười, thậm chí là mâu thuẫn, xô xát nhau.

Cách đây chưa lâu, Công an phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đã từng tiếp nhận sự việc mâu thuẫn xuất phát từ bán hàng qua mạng. Do quen nhau từ trước, chị Nguyễn Thị N., trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy đặt mua của chị Trần Thanh H., Hà Nội một chiếc đồng hồ Mavodo với giá 7,9 triệu đồng, xuất xứ Mỹ qua mạng với số tiền đặt cọc là 3 triệu đồng. Sau đó, chị N. tiếp tục thanh toán thêm cho chị H. số tiền 4 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi nhận được chiếc đồng hồ thì chị N. cho rằng chiếc đồng hồ không đúng như ban đầu chị đặt hàng và không trả nốt số tiền còn lại là 900.000 đồng. Lời qua tiếng lại, hai bên đã xảy ra mâu thuẫn, xô xát khiến cơ quan Công an phải giải quyết.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Nguyễn, Hà  Nội cho biết, những người bán hàng có 1 hoặc cả 2 hành vi trên đều vi phạm pháp luật. Theo đó, người bán hàng có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền và bị tịch thu tang vật phương tiện vi phạm.

Bên cạnh đó, 2 hành vi này còn có dấu hiệu cấu thành hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 139 Bộ luật Hình sự với mức xử phạt cao nhất là tù chung thân và người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Luật sư Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Nguyễn.

Hiện nay, hoạt động bán hàng qua mạng nói chung, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội nói riêng đã được điều chỉnh bởi nhiều văn bản luật như: Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để đảm bảo công tác quản lý của nhà nước đối với hoạt động kinh doanh trên website, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013, Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 5-12-2014 của Bộ Công thương được ban hành nhằm “Quản lý về Thương mại điện tử, website thương mại điện tử cũng như xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Để tránh bị lừa khách hàng cần làm gì?

Để tránh bị lừa khi mua hàng trên mạng internet hoặc mua hàng trực tuyến, người mua hàng cần có một số lưu ý sau: Chỉ mua hàng tại những website tin cậy; cảnh giác với những sản phẩm có giá bán rẻ hơn so với thị trường và có những ưu đãi hấp dẫn; thận trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân, đặc biệt là thông tin về thẻ tín dụng và số tài khoản ngân hàng.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top