Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại các bưu điện bằng công nghệ tinh vi

15:55 - Thứ Tư, 22/03/2017 Lượt xem: 5440 In bài viết
Ngày 20-3, Công an quận 1, TP Hồ Chí Minh đang tiến hành điều tra làm rõ vụ sử dụng CMND dán hình người khác sử dụng trong mục đích “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Công an quận 1 đã đưa một số đối tượng về trụ sở làm rõ, trong đó có Nguyễn Hữu Trọng (27 tuổi), Hà Thị Nga (37 tuổi, cùng quê Long An) và Nguyễn Mỹ Hà (24 tuổi, quê Tiền Giang).

 

Hai đối tượng Trọng và Nga tại cơ quan điều tra.

Theo hồ sơ vụ việc, khoảng 13h30 ngày 16-3, chị Phạm Thị Anh Thư (40 tuổi, nhân viên Bưu Điện TP Hồ Chí Minh, số 2, Công xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1) nhận CMND của một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Bé Đèo (43 tuổi, quê Vĩnh Long) và mã số để làm thủ tục rút 40 triệu đồng từ Ngân hàng Thịnh Vượng.

Theo người phụ nữ có CMND tên Đèo, số tiền trên chị Đèo giải ngân tiền vay ngân hàng. Kiểm tra CMND, thông tin trên tờ khai rút tiền chị Thư phát hiện người đến làm thủ tục rút tiền và người trên CMND không giống nhau nên liên hệ với số điện thoại của người có CMND mang tên Đèo.

Người phụ nữ này cho biết đang ở Vĩnh Long và không đến TP Hồ Chí Minh rút tiền. Trước thông tin này, chị Thư đã yêu cầu bảo vệ giữ người phụ nữ này lại và báo với Công an phường Bến Nghé bắt giao Công an quận 1 làm rõ.

Tại CQĐT, người phụ nữ có CMND mang tên Đèo khai tên Hà Thị Nga và cho biết CMND trên là do một người tên Trọng đưa cho Nga cùng mã số bí mật để Nga vào bưu điện rút tiền. Khi rút tiền thành công, Nga sẽ được Trọng trả công 1 triệu đồng. Về CMND mang tên Đèo, Nga khai được Trọng chở đến nhà của Phùng Thẻ Kiên (38 tuổi, quê Hà Nội) chụp ảnh thẻ dán vào CMND đã có sẵn.

Tại nhà Kiên, ngoài Nga còn có 4 người khác cũng được Trọng đưa tới chụp hình thẻ làm CMND. Sau khi hoàn tất công đoạn làm CMND mang tên người khác, Kiên đưa Nga đến gặp một đối tượng tên Tống Hoàn Khải (29 tuổi, quê quán Tiền Giang ) để Khải hướng dẫn cách rút tiền tại các bưu điện.

Trước khi bị bắt, sáng cùng ngày, Nga đã rút thành công 30 triệu tại Bưu điện Thủ Đức, tuy nhiên Trọng chưa trả 1 triệu tiền công mà chở Nga đến Bưu điện TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện hành vi rút tiền thì bị phát hiện. Ngày 5-3, Nga cũng rút thành công 40 triệu tại Bưu điện Tân Anh (Long An).

Từ lời khai của Nga, Công an quận 1 đã tiến hành xâu chuỗi vụ việc, bắt giữ Kiên. Kiên khai, do trước đây cùng làm chung công ty với Khải nên giữa 2 người có mối quan hệ thân thiết. 

Khải nhờ Kiên tìm giúp người rút tiền tại các bưu điện, mỗi lần thành công Khải trả công cho Kiên 5 triệu đồng, những người trực tiếp rút tiền sẽ được Khải trả từ 1-2 triệu động. Kiên kêu Trọng tìm người và hứa ngoài tiền khải trả công, Kiên sẽ trả thêm cho mỗi thành viên 500 ngàn đồng. Trọng tìm đến 2 chị em Nga và Hà cùng một số người khác đưa đi chụp hình làm CMND giả.

Mỗi lần thực hiện phi vụ, Khải đều đưa mã số bí mật để những người rút tiền hoàn tất thủ tục rút tiền trong bưu điện. Tuy nhiên nhận thấy hành vi của khải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Kiên đã không tiếp tục tham gia.

Về phần các đối tượng còn lại, dù biết số tiền mà khải rút từ bưu điện là bất hợp pháp nhưng do “thu nhập cao” nên vẫn nhắm mắt tham gia. Trọng, Nga, Hằng đã nhiều lần rút tiền từ các bưu điện với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Công an quận 1 tiến hành bắt Khải thì Khải đã trốn khỏi địa phương. Thu giữ tại nhà Khải, Công an quận 1 phát hiện 1 máy tính xách tay, 1 máy tính để bàn, 1 máy chụp hình, 34 CMND, 7 cuốn tập ghi thông tin cá nhân.

Nguyễn Mỹ Hà (vợ Khải) khai nhận, chỉ biết Khải và em gái Khải là Tống Hoàng Yên nhận làm dịch vụ vay vốn tại ngân hàng trong 6 tháng nay, còn cách thức như thế nào thì Hà không rõ. Công an quận 1 đã thu giữ tại nhà Trọng, Kiên, Nga, Hằng nhiều CMND dán hình các đối tượng này nhưng mang tên người khác.

Với các chứng cứ thu thập được cho thấy đây là băng nhóm lừa đảo chuyên nghiệp, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo do đối tượng Khải cầm đầu nên tiến hành tạm giữ các đối tượng và truy xét đối tượng Khải.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top