SOS sơ hở trong công tác bảo vệ ngân hàng

16:08 - Thứ Tư, 10/05/2017 Lượt xem: 6746 In bài viết
Những năm gần đây, các vụ cướp có vũ khí nhằm vào ngân hàng tuy có giảm về số lượng nhưng tính chất manh động không hề giảm; thủ đoạn tinh vi, mức độ nguy hiểm lớn khiến dư luận lo ngại về công tác bảo vệ tại ngân hàng, sự an toàn của khách hàng khi đến ngân hàng giao dịch.

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự, trước đây tội phạm chủ yếu nhằm vào các tiệm vàng nhưng hiện nay thì các phòng giao dịch hay khách hàng với số lượng giao dịch tiền mặt lớn mang theo lại trở thành mục tiêu của các đối tượng tội phạm này. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức cảnh giác chưa cao của người dân, cũng như là sự chủ quan trong phòng ngừa đối với loại tội phạm này cũng tạo ra nhiều kẽ hở.

 

Hình ảnh đối tượng Hưng dùng súng đe dọa nhân viên ngân hàng.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Cảnh sát hình sự, từ năm 2012 đến 2017, toàn quốc đã xảy ra gần 30 vụ cướp tiệm vàng, ngân hàng và quỹ tín dụng. 

Điển hình, đầu tháng 11-2008, tại chi nhánh của Vietcombank ở đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), đối tượng Nguyễn Đình Sự đã giả danh là đại diện một tổ chức muốn vay 3 tỷ đồng và 100.000 USD để tiếp cận trưởng phòng giao dịch số 6. 

Tại phòng làm việc, khi cán bộ ngân hàng yêu cầu xuất trình hồ sơ vay vốn, Sự đặt súng và dao trước mặt đe doạ đã đặt 12kg thuốc nổ tại tầng một của toà nhà, sau 45 phút nếu không giao tiền sẽ cho nổ tung ngân hàng… 

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Đình Sự khai nhận, trước đó, tháng 11-2007, hắn từng cầm dao uy hiếp các cán bộ tại một chi nhánh của Ngân hàng Quân đội ở Mỹ Đình (Hà Nội), bắt mở két và lấy hết tiền đem đi.

Khoảng 11h30 ngày 10-1-2012, Trần Vũ Huy ở Từ Liêm, Hà Nội đã mang dao gọt hoa quả, mìn và kíp nổ giả vào chi nhánh ngân hàng trên đường Hoàng Quốc Việt, khống chế 2 nhân viên giao dịch của chi nhánh để cướp tiền. Do chưa biết thực hư mìn giả hay thật, 2 nhân viên ngân hàng đã đưa cho Huy 50 triệu đồng rồi tìm cách kéo dài thời gian, đánh động bảo vệ bên dưới… Sau đó, Huy bị lực lượng bảo vệ và người dân truy đuổi bắt giữ. 

Chiều 6-12-2016, tại Phòng giao dịch Thành Nội của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ở số 29 Mai Thúc Loan, TP Huế đã xảy ra vụ cướp táo tợn. Trong vòng chưa đầy nửa phút, đối tượng Nguyễn Hoàng Tâm (29 tuổi, hộ khẩu thường trú ở Đắk Nông) đã dùng súng uy hiếp để cướp hơn 700 triệu đồng tại đây.

Mới đây nhất là vụ cướp xảy ra tại tỉnh Trà Vinh, khoảng 16h30 ngày 26-4, Lê Lâm Hưng (29 tuổi, ngụ TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, tạm trú khóm 2, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), hiện là kỹ sư của Ban quản lý nhà máy dự án nhiệt điện Duyên Hải, đóng trên địa bàn Trà Vinh đã bịt mặt, tay cầm khẩu súng xông vào Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, phòng giao dịch Duyên Hải (Trà Vinh) đe dọa các nhân viên cướp số tiền gần 1,6 tỷ đồng và 35.900 USD.

Trong những vụ cướp ngân hàng, đa phần bảo vệ đều bị “vô hiệu hóa”, như vụ việc xảy ra vụ cướp ngân hàng ở Trà Vinh ngay sau đó đã tạo sự chú ý đặc biệt trong dư luận với nhiều luồng ý kiến tranh cãi. Có người còn chỉ trích việc bảo vệ ngân hàng vừa thấy tên cướp xông vào đã vội chạy đi để trốn là chưa tròn nhiệm vụ... 

Một lãnh đạo của Phòng Phòng chống tội phạm có tổ chức và có yếu tố nước ngoài, Cục Cảnh sát hình sự cho biết, công tác bảo vệ ở nhiều ngân hàng hiện nay còn mỏng, có nơi không bố trí bảo vệ bên trong và ngoài cửa để đảm bảo cho việc nhân viên bảo vệ là người phát hiện vụ việc ngay lập tức và có phương án để đối phó. 

Hệ thống báo động và phát tín hiệu thì còn thiếu, nhiều khi còn bị trục trặc; nhân viên bảo vệ ít và kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Nhân viên ngân hàng còn thiếu nhiều kỹ năng để xử lý những tình huống phát sinh, ví dụ khi xảy ra vụ cướp thì ngay lập tức phải làm gì. 

Đặc biệt khi đối tượng có vũ khí thì các ngân hàng, nhân viên bảo vệ không thường xuyên cập nhật các thủ đoạn phạm tội truyền thống hay phạm tội phi truyền thống, các loại phạm tội mới chẳng hạn... 

Nơi trông giữ phương tiện của khách hàng thì nhiều nơi còn sát với đường giao thông, khi khách hàng giao dịch xong cầm một túi tiền ra mà ngay cạnh đường giao thông thì đó cũng là cơ hội rất là thuận lợi để cho các đối tượng cướp giật.

Lý giải cho việc bảo vệ ngân hàng có nên đối đầu với cướp có súng hay không, ông Phạm Văn Thuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ Hà Nội cho hay, nếu gặp cướp có súng mà bảo vệ bỏ chạy vì sợ thì khó chấp nhận. 

Còn nếu chạy tìm chỗ thích hợp để quan sát và điện thoại báo cơ quan chức năng là lựa chọn phù hợp. Nhân viên bảo vệ được huấn luyện về nghiệp vụ, biết được tính năng nguy hiểm của vũ khí, có võ thuật tự vệ, xử lý từng tình huống… Tuy nhiên, cũng không ít ngân hàng vì giảm chi phí ở khâu công tác bảo vệ nên có chi nhánh chỉ có 1 bảo vệ vừa kiêm trông xe, mở cửa cho khách hàng ra vào. Cũng theo ông Thuấn: “Nói là bảo vệ chứ thực chất có nhiều trường hợp  anh, em họ hàng người trong ngân hàng, tuổi cao cũng được đưa vào làm bảo vệ. Do vậy, những bảo vệ này một khi gặp cướp có súng chỉ có chạy”. 

Được biết, có ngân hàng chi phí của 1 nhân viên bảo vệ không được quá 5 triệu đồng/tháng. Điều đó dễ dẫn đến những chi nhánh “con” vì giảm chi phí mà không thuê nhiều bảo vệ. Có phòng giao dịch tại khu đông dân cư, tập trung nhiều hoạt động kinh tế khu đô thị lớn, lượng tiền giao dịch hàng trăm tỷ/ngày. 

Cuối giờ nhân viên của ngân hàng kiểm tiền, đa phần thời điểm này có nhiều nơi không đóng cửa, vẫn có khách ra giao dịch, tội phạm lợi dụng sơ hở này để đột nhập vào bên trong… 

Ông Thuấn cho biết, bảo vệ chỉ được cung cấp dụng cụ đơn giản như  dùi cui cao su, cao hơn là dùi cui điện, do đó khi gặp cướp có vũ khí nếu bảo vệ không được qua lớp huấn luyện, nhanh trí thì khó có thể xử lý kịp thời. 

Trong mọi trường hợp, chúng ta đều phải ưu tiên tính mạng con người nên cần phải giữ bình tĩnh, hợp tác theo yêu cầu của tên cướp bởi lẽ mục đích của chúng là tiền. Đồng thời, cần quan sát kỹ tên cướp về trang phục, hình dáng, cử chỉ, dấu hiệu đặc biệt để cung cấp các thông tin hữu ích giúp cơ quan điều tra tìm ra đối tượng - ông Thuấn nhấn mạnh.

Do đặc thù của ngành nghề ngân hàng liên quan đến tiền nên vấn đề an ninh đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, mỗi ngân hàng, mỗi đơn vị kinh doanh đều tự trang bị cho mình những phương tiện cần thiết để đảm bảo an toàn cho các hoạt động của mình. 

Ví dụ, việc áp tải bảo vệ các xe tiền số lượng lớn theo quy định trừ Ngân hàng Nhà nước có lực lượng vũ trang bảo vệ, còn ngân hàng cổ phần khác thì hoàn toàn tự lo. Do đó, có một số ngân hàng không coi trọng công tác bảo vệ an ninh an toàn, dễ dẫn đến kẽ hở để tội phạm lợi dụng gây án.

Một số ngân hàng lớn đã đầu tư trang thiết bị, biện pháp an ninh như hệ thống cảm biến nhiệt, cảm biến hồng ngoại, hệ thống camera, hệ thống báo động... nhưng cần tăng cường, chú trọng đào tạo nghiệp vụ và các kỹ năng mềm cho nhân viên ngân hàng, ứng xử trong tình huống xảy ra cướp. 

Ngoài ra, nên chăng có quy định riêng về công cụ hỗ trợ vũ khí cho bảo vệ ngân hàng, đồng thời gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ trước pháp luật khi sử dụng vũ khí.

Cục Cảnh sát hình sự đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và các thủ trưởng cấp trên chỉ đạo Viện Khoa học hình sự nghiên cứu các thiết bị an ninh để phục vụ cho công tác bảo vệ, phát hiện và điều tra các đối tượg cướp ngân hàng. 

Ngoài ra, Cục Cảnh sát Hình sự thường xuyên tổng hợp, thông báo các phương thức, thủ đoạn phạm tội đang diễn ra phổ biến cũng như các phương thức thủ đoạn phạm tội mới cho Công an các đơn vị, địa phương để triển khai; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác cũng như công tác phòng ngừa. 

Cục Cảnh sát hình sự cũng đã hướng dẫn và đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, rà soát, quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự về tội cướp, cướp giật tại các địa phương. Đồng thời triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn các kỹ năng, xử lý các tình huống cho các ngân hàng trên địa bàn.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top