Triệt phá nhiều đường dây buôn lậu núp dưới chiêu bài hàng quá cảnh

14:21 - Thứ Ba, 16/05/2017 Lượt xem: 6287 In bài viết
Có những lô hàng với hàng chục container được các chủ nhân kéo về những nhà kho được thiết kế bí mật cho móc hàng xuống rồi kéo công rỗng qua biên giới để hợp thức hóa thủ tục hải quan, nhưng cũng có những lô chỉ trung chuyển từ cảng này sang cảng khác rồi nghiễm nhiên đưa vào tiêu thụ trên thị trường.

Hàng quá cảnh mà nói là nhập lậu thì nghe có vẻ phi lý bởi về lý thuyết thì nó chỉ được lưu kho bãi trong thời gian ngắn chờ xuất sang nước thứ 3.

Nhưng thực tế trong thời gian qua, các loại  tân dược, ngà voi, vẩy tê tê, sừng tê giác và các loại hàng đã qua sử dụng (hàng bãi): máy lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, xe gắn máy, linh kiện điện tử… có xuất xứ từ Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ vẫn được các tư thương tuồn vào nội địa theo hình thức này.

 

Ngà voi và sừng tê giác nhập lậu núp bóng hàng quá cảnh.

Có những lô hàng với hàng chục container được các chủ nhân kéo về những nhà kho được thiết kế bí mật cho móc hàng xuống rồi kéo công rỗng qua biên giới để hợp thức hóa thủ tục hải quan, nhưng cũng có những lô chỉ trung chuyển từ cảng này sang cảng khác rồi nghiễm nhiên đưa vào tiêu thụ trên thị trường.

Thượng tá Lê Thơm Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về buôn lậu (C74) cho biết, qua công tác nắm tình hình các trinh sát phát hiện thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số loại tân dược có xuất xứ từ các nước châu Âu quá cảnh Việt Nam để chuyển sang nước thứ 3 nhưng thực tế lại xuất hiện bán trên thị trường nội địa.

Nhận thấy việc nhập khẩu tân dược theo dạng này có nhiều điều khuất tất, bởi Campuchia là đất nước rất thông thoáng trong việc cấp phép nhập khẩu hàng hóa các loại nên có thể trực tiếp nhập khẩu mà không cần phải quá cảnh qua nước thứ 3, vì như vậy sẽ làm giá tăng cao.

Xác định đây có thể là chiêu của một số chủ hàng, lãnh đạo Cục C74 đã chỉ đạo các phòng ban tăng cường trinh sát để vừa theo dõi chặt chẽ những chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam, đồng thời phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng cửa khẩu giám sát những lô hàng được vận chuyển qua lại biên giới tiếp giáp với Campuchia.

Đến 1 giờ sáng 9-5-2017, khi chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất chưa được bao lâu thì đã có hàng chục chiếc xe đẩy chất đầy thùng tân dược được đưa đến khu vực kiểm tra an ninh và làm thủ tục hải quan để tiếp tục vận chuyển sang Campuchia, sau đó số thuốc này được đưa lên một chiếc xe tải chở thẳng lên cửa khẩu để tiếp tục làm thủ tục xuất.

Tuy nhiên, khi thủ tục vừa được làm xong thì những thùng hàng này được tráo rồi đưa sang một xe tải khác chạy thẳng về hướng TP. Hồ Chí Minh, chui thẳng vào kho hàng ở địa chỉ 488 đường Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4.

 

Lập biên bản xử lý vi phạm.

Khi cánh cửa chưa kịp khép lại thì các trinh sát Phòng 6, Cục C74 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận 4 lập tức ập vào kiểm tra hành chính. Lúc đầu tài xế Cao Hiện Hữu khai rằng chỉ nhận lệnh đi chở thuê nên phải chờ gọi điện cho chủ hàng đến thì mới có thể tiếp cận những thùng hàng được, nhưng trước sự kiên quyết của lực lượng Công an, tài xế này buộc phải chấp hành.

Qua kiểm tra có 41 thùng tân dược với rất nhiều chủng loại nhưng chủ yếu là thuốc chữa ung thư, điều khiển tiểu đường, tim mạch với tổng giá trị ước tính lên đến trên 5 tỷ đồng.

Trước đó vào tối 25-4, các trinh sát Phòng 6, Cục C74 phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra kho hàng điện tử, điện lạnh rộng trên 1.000m2 trên đường Tây Lân, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an xác định trong kho chứa hàng trăm cục nóng, lạnh của máy lạnh cùng hàng ngàn quạt máy, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy giặt đã qua sử dụng (đây là các mặt hàng cấm nhập khẩu vào Việt Nam).

Cuối tháng 4 vừa qua, các trinh sát phát hiện một vài xe tải nhỏ chở các bộ linh kiện máy lạnh về khu vực quận Bình Tân nên đã tăng cường lực lượng để giám sát. Trải qua gần chục ngày đêm liên tục đeo bám, các trinh sát xác định chính xác địa điểm tập kết hàng, nhưng để có thể xác định có phải là kho chứa hàng lậu hay không phải một quá trình hết sức khó khăn, phức tạp.

Bởi ngoài những chiếc camera an ninh được gắn khắp nơi để theo dõi thì phía ngoài kho hàng này luôn có hàng chục người làm công tác bảo vệ, cảnh giới. Không thể để cho giới buôn lậu tiếp tục lộng hành gây tổn hại cho các ngành sản xuất trong nước, các trinh sát đã thu thập đầy đủ chứng cứ và tiến hành kiểm tra.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng là ông Võ Văn Hồng Châu không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ nào có liên quan đến các loại hàng hóa nên phải khai nhận mua từ biên giới Campuchia vận chuyển về kho bằng đường bộ để tút lại rồi bán cho các cửa hàng theo dạng hàng mới.

Song song với những lô hàng tân dược, điện lạnh, điện máy... trong thời gian qua, đối tượng buôn lậu cũng tìm mọi cách tuồn các loại linh kiện điện tử mà chủ yếu là linh kiện máy tính đã qua sử dụng có xuất xứ từ Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc vào tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Trước đó, các trinh sát Phòng 6, Cục C74 phối hợp với Đội 4 Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra kho hàng và địa điểm kinh doanh của nhà phân phối Phát Đạt đặt tại số 81-83 đường 100 - Bình Thới, phường 14, quận 11, đã kê biên hàng ngàn chủng loại với hàng trăm ngàn bộ linh kiện máy tính qua sử dụng (đây đều là các mặt hàng cấm nhập khẩu). 

Lúc đầu, Giám đốc nhà phân phối Phát Đạt là Võ Văn Hiển khẳng định tất cả số hàng hóa trong kho đều là loại mới sản xuất. Tuy nhiên đến khi được yêu cầu cung cấp hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu thì vị giám đốc này không đáp ứng được và buộc phải khai nhận hành vi buôn lậu của mình.

Theo đó, những loại linh kiện điện tử được nhập từ Trung Quốc về đi theo đường tiểu ngạch, sau đó trà trộn vào lõi của những thùng hàng hóa có giấy phép nhập khẩu rồi chuyển vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Riêng các loại linh kiện điện tử có xuất xứ từ Mỹ Malaysia và Nhật Bản được đưa vào thị trường nội địa theo dạng quá cảnh qua một số cảng biển ở khu vực các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên cũng như nhiều lô hàng điện lạnh, điện máy khác, các lô hàng linh kiện điện tử này sau khi được hoàn tất thủ tục sẽ được chủ hàng cho vận chuyển bằng đường bộ, khai là tiếp tục đưa sang Campuchia, nhưng thực chất về các kho kín để móc ruột xuống rồi cho kẹp chì niêm phong lại như cũ trước khi kéo container không qua cửa khẩu để hoàn tất thủ tục hải quan.

Trung tá Trần Thanh Hiển Phó Cục trưởng Cục C74 cho biết: Theo Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 08, hàng quá cảnh trung chuyển chỉ cấm vũ khí, ma túy và những loại chất thải nguy hại và Luật Thương mại cũng quy định đối với hàng trung chuyển là một loại hàng quá cảnh và điều kiện cho phép qua lãnh thổ Việt Nam phải có giấy phép của Bộ Công Thương.

Theo đó, hàng hóa quá cảnh là dạng tạm nhập để tái xuất sang nước thứ 3, được xếp vào luồng vàng (luồng ưu tiên) nên khi các chủ hàng đến làm thủ tục nhận hàng thì Hải quan chỉ kiểm tra trên vận đơn và tờ khai chứ không thể mở ra để kiểm tra bên trong các container được.

Đa số các loại hàng hóa này đều được khai là xuất sang Campuchia và một vài nước khác, nhưng thực tế thì họ lén bốc dỡ hàng xuống tiêu thụ tại nội địa, sau đó đưa một số hàng hóa có giá trị thấp vào để đối phó có hàng rồi niêm phong, kẹp chì các container lại, kéo qua biên giới để được xác nhận trong hồ sơ tại hải quan cửa khẩu.

 

Lực lượng Công an kiểm tra phân loại tân dược nhập lậu.

Một số khác thì cho chuyên chở lòng vòng từ cảng này sang cảng khác rồi tìm cơ hội đưa vào thị trường. Với cách làm này, đối tượng buôn lậu đã tuồn một lượng lớn hàng hóa thuộc diện cấm nhập vào thị trường nội địa gây tổn hại trực tiếp đến nền sản xuất trong nước.

Không chỉ các loại hàng  tân dược, điện lạnh, điện tử, điện máy, hiện nay các loại ngà voi, vảy tê tê và sừng tê giác có xuất xứ từ các nước châu Phi cũng được giới buôn lậu tìm cách tuồn về Việt Nam theo con đường quá cảnh.

Cụ thể trong hai tháng 11 và 12-2016, Phòng 6, Cục C74 phối hợp với Cục Chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan và Hải quan cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh phát hiện bốn container bên trong có chứa gần 6 tấn ngà voi trị giá hàng trăm tỷ đồng do Công ty TNHH-TM-DV Diệu Tiên có trụ sở tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh nhập khẩu qua cảng Cát Lái.

Nhằm qua mặt cơ quan chức năng, công ty này đã sử dụng nhiều khối gỗ lớn cho khoét rỗng ruột, nhét ngà voi vào trong rồi sử dụng một loại sáp đổ vào để khi có bị kiểm tra thì không phát hiện lõi gỗ bị rỗng trước khi dùng một loại keo đặc biệt có màu giống y hệt như gỗ để bịt các đầu cây gỗ lại... 

Trước tình trạng lợi dụng việc tạm nhập tái xuất để tuồn hàng lậu, trong thời gian qua, lãnh đạo Cục C74 đã chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ tập trung lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh ngăn chặn. Ngoài ra còn chủ động kiểm tra phát hiện và kiên quyết xử lý đối với những đối tượng buôn lậu ở mọi lúc, mọi nơi.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top