Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh

Điểm tựa pháp luật của người dân

11:03 - Thứ Hai, 12/06/2017 Lượt xem: 6878 In bài viết
ĐBP - Với vai trò cung cấp dịch vụ pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân thông qua các hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền pháp luật, gần 18 năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh đã trở thành điểm tựa tin cậy của người dân, đặc biệt là đối với người nghèo, người khuyết tật… trên địa bàn.

Điện Biên là tỉnh miền núi, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, với 37,99% dân tộc Thái; dân tộc Mông chiếm 34,8%, dân tộc Kinh chiếm 18,42% và còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Tỷ lệ người khuyết tật và người nghèo trên địa bàn tỉnh còn khá cao. Năm 2015, toàn tỉnh có 9.165 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trong đó, trên 5.400 trẻ em mồ côi, hơn 2.700 trẻ em khuyết tật... Theo số liệu thống kê năm 2016, toàn tỉnh có trên 54.700 hộ nghèo và gần 10.700 hộ cận nghèo. Như vậy, tổng số người thuộc diện được hưởng dịch vụ TGPL trên địa bàn tỉnh tương đối cao, khiến hoạt động TGPL cho người dân, trong đó có hoạt động tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL của Trung tâm TGPL tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, thực hiện TGPL còn hạn chế. Lực lượng luật sư chủ yếu là cán bộ về hưu nên để đi đến các vùng đặc biệt khó khăn tuyên truyền pháp luật khá vất vả. Trong khi đa số người dân vùng sâu, vùng xa chưa biết đến dịch vụ TGPL và một bộ phận người dân chưa thực sự tin tưởng vào dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước, khiến tình trạng vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng về số lượng và đang dạng về hành vi… và đó là những thách thức không nhỏ với Trung tâm TGPL tỉnh.

 

Cán bộ trợ giúp pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tư vấn và hướng dẫn thủ tục pháp lý cho người dân.

Để thực sự là điểm tựa pháp luật của người dân, thời gian qua, Trung tâm TGPL tỉnh đã có thư ngỏ gửi đến từng luật sư mời tham gia cộng tác viên TGPL và có những chính sách ưu đãi, động viên, khích lệ đối với các luật sư cộng tác viên nhằm khắc phục khó khăn về nhân lực. Đồng thời, cử viên chức đủ điều kiện tham gia các khóa đào tạo chuyên môn để tạo nguồn trợ giúp viên pháp lý, đảm bảo đáp ứng nhu cầu TGPL trong nhân dân. Về một số địa bàn, lĩnh vực chưa có vụ việc TGPL, Trung tâm đã tham mưu đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác phối hợp hoạt động truyền thông, như: niêm yết bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại trụ sở các cơ quan tiếp công dân, tòa án, cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ... Bên cạnh đó, cung cấp mẫu đơn yêu cầu TGPL, các loại tờ gấp pháp luật về TGPL, tài liệu nhận diện đối tượng được TGPL và thủ tục yêu cầu TGPL… cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, tòa án, thẩm phán, thư ký tòa án… trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hoạt động TGPL lưu động đến với người dân vùng đặc biệt khó khăn nhằm tháo gỡ những vướng mắc pháp luật ngay tại cơ sở. Nhờ vậy, người dân đã nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, các hành vi vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật đã giảm mạnh.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, năm 2016, Trung tâm đã tham gia tố tụng 298 vụ, tăng 169 vụ so với năm 2015. Tính riêng 5 tháng đầu năm, đơn vị đã thụ lý và phân công người thực hiện TGPL 110 vụ việc tham gia tố tụng; đặc biệt số vụ việc thụ lý từ giai đoạn khởi tố, điều tra tăng cao (chiếm khoảng 80%). Với số lượng vụ việc tham gia tố tụng tăng cao ở nhiều lĩnh vực, như: hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính… và nhiều vụ việc đạt chất lượng cao, Trung tâm TGPL tỉnh ngày càng khẳng định là chỗ dựa vững chắc về công lý cho các đối tượng chính sách và người dân toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top