Nhiều người sập bẫy kẻ tự xưng “người thân” ở nước ngoài

14:19 - Thứ Năm, 27/07/2017 Lượt xem: 4982 In bài viết
Chọn đối tượng là phụ nữ, người lớn tuổi, người già, trong quá trình trò chuyện qua điện thoại, Phan Văn Ngoan (58 tuổi), ngụ huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã tìm cách khai thác nhanh những mối quan hệ cũng như chuyện “trong nhà” của gia đình họ.

Khi nắm được những thông tin sơ bộ, Ngoan đã đóng giả vai người thân, người quen của gia đình rồi nhờ họ giúp ứng trước một số tiền để giải quyết chuyện cấp thiết, sau 1-2 ngày sẽ hoàn trả. Với thủ đoạn này, chỉ chưa đầy 4 tháng, Ngoan đã cho “vào tròng” hơn 30 nạn nhân ở một số tỉnh, thành phía Nam và chiếm đoạt của họ hàng tỷ đồng.

 

Hai đối tượng Ngoan và Phong.

Nhiều nạn nhân "sập bẫy"

Ông Nguyễn Tấn Truyện (74 tuổi), ngụ phường Phước Bình, quận 9, TP. Hồ Chí Minh loay hoay lục trong chiếc túi nhựa lấy đưa cho tôi tờ giấy có ghi số tài khoản, tên chủ tài khoản ngân hàng mà “em họ” của ông đã cho để ông gửi tiền giúp người bị nạn, cùng với những biên lai đã gửi tiền qua ngân hàng.

Nói về câu chuyện đau lòng của chính mình, ông kể: Ngày 2-6-2016, ông nhận được một cuộc điện thoại bàn của một người nam, xưng tên Hoàng, em họ của ông đang sinh sống tại Pháp. “Hoàng” nói có bạn tên Hậu, quê ở Cần Thơ qua Pháp chơi, nhân tiện có gửi một ít sâm về cho vợ chồng ông.

Về Việt Nam, Hậu vội kêu con trai đem quà của “Hoàng” gửi để đưa cho vợ chồng ông. Thế nhưng, khi vừa đến TP. Hồ Chí Minh, không may cháu bị tai nạn giao thông nhưng trong người không có tiền nên cần gấp tiền để cấp cứu. Do việc xảy ra quá bất ngờ, Hậu đang ở Cần Thơ, vì vậy “Hoàng” nhờ ông đi vay mượn giúp để lo viện phí.

“Hoàng” hứa sẽ thay Hậu trả lại cho ông ngay số tiền này vì “Hoàng” đang nợ tiền Hậu và cũng gửi thêm 5 triệu đồng để ông trả tiền lời. Tin lời, ông Truyện đã chuyển 5 lần với tổng số tiền 168 triệu đồng vào tài khoản số 0601 2370 7799 đứng tên Huỳnh Văn Hậu.

Nhưng chờ mãi vẫn không thấy Hoàng gửi tiền về trả nợ, ông gọi điện cho Hoàng ở Pháp thì mới tá hỏa vì Hoàng bảo ông đã bị lừa rồi. “Đây là toàn bộ số tiền vợ chồng tôi đã chắt bóp, dành dụm để lo tuổi già, nhưng chúng cũng nỡ lừa lấy sạch”, ông Truyện chua chát.

Cũng tương tự, ngày 14-4, bà Võ Thị Ánh Tuyết (60 tuổi), ngụ phường Đa Kao, quận 1, nhận được một cuộc điện thoại gọi vào số máy cố định và giọng một người đàn ông xưng tên Sĩ, người thân của gia đình đang cùng vợ đi Mỹ thăm con, nhưng lại nghe tin ở nhà có đứa cháu bị tai nạn cần gấp 45 triệu đồng để mổ cấp cứu.

Do đang ở Mỹ không về kịp nên Sĩ nhờ bà Tuyết chuyển giúp gấp số tiền trên vào tài khoản số 060121732486 chủ mang tên Nguyễn Thị Ánh Hồng, 2 hôm sau Sĩ sẽ hoàn trả số tiền trên cho bà Tuyết.

“Lúc đầu tôi cũng thấy nghi ngại, nhưng do người này có giọng nói giống Sĩ bạn tôi, lại nói trúng phóc nhiều chuyện trong gia đình nên tôi hoàn toàn tin tưởng. 45 triệu đồng cũng lớn, nhưng tôi nghĩ cứu người là trên hết nên không ngần ngại chuyển ngay số tiền trên vào tài khoản được chỉ định.

Sau khi chuyển xong, tôi nhận tiếp cuộc điện thoại của Sĩ báo, do người bị nạn làm khó đòi thêm 100 triệu đồng nữa mới chịu bãi nại nên nhờ tôi chuyển đủ số tiền này trong ngày...

Đến hôm sau, Sĩ báo tin vui là được bạn bè của Sĩ ở Mỹ góp được 350 triệu để giúp lo chi phí điều trị cho cháu của Sĩ. Sợ món tiền về muộn, Sĩ tiếp tục nhờ tôi chuyển trước 350 triệu đồng vào tài khoản Nguyễn Thị Ánh Hồng và tài khoản số 060120823038 của Lê Thị Bích Ngọc, hôm sau Sĩ sẽ gửi trả lại đầy đủ.

Cũng như những lần trước, tôi cũng sốt sắng giúp đỡ. Nhưng đến hẹn, không thấy Sĩ trả lại tiền như đã hứa, tôi điện thoại cho Sĩ bạn tôi thì mới hoảng hồn vì Sĩ không có đi Mỹ, không có đứa cháu nào bị tai nạn và cũng không có mượn tiền tôi lần nào. Biết bị lừa, không còn cách nào khác, tôi tố giác đến cơ quan Công an”, bà Tuyết tâm sự.

Thực tế, người tên Hoàng và tên Sĩ kia chính là Phan Văn Ngoan vừa làm “đạo diễn” vừa làm “diễn viên” để thực hiện kịch bản lừa đảo. Với thủ đoạn như trên, Ngoan đã lừa rất nhiều người chuyển tiền vào các tài khoản do Ngoan chỉ định.

Trong đó, có một số nạn nhân đã bị lừa số tiền lớn như: Lê Thị Hồng Bích (60 tuổi), ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản mang tên Bùi Minh Thanh và 100 triệu đồng vào tài khoản Đoàn Kim Thi; bà Nguyễn Thị Hồng Huệ (53 tuổi) ngụ phường 14, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, chuyển 180 triệu đồng vào tài khoản mang tên Nguyễn Thái Hùng và tài khoản Lê Thị Bích Ngọc; ông Đỗ Quang Phùng (53 tuổi), ngụ phường 16, quận Gò Vấp, chuyển 140 triệu đồng vào tài khoản mang tên Nguyễn Thái Hùng; ông Bùi Ngọc Việt (55 tuổi), ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, chuyển 108 triệu đồng vào tài khoản tên Nguyễn Thị Huyền Trân; bà Nguyễn Thị Mộng Huyền (41 tuổi), ngụ phường 11, quận 3, chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản tên Bùi Minh Thành...

Thủ đoạn khó ngờ

Đó là nhận xét của các điều tra viên khi tiếp cận vụ án này. Một lãnh đạo Đội 8 - Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TP Hồ Chí Minh, người trực tiếp phá vụ án này cho biết: “Khi tiếp nhận thông tin các bị hại và nghiên cứu thủ đoạn lừa đảo, chúng tôi cứ nghĩ đây là do một đường dây tổ chức thực hiện, có đối tượng cầm đầu và các “chân rết”. Tuy nhiên, khi đánh án, biết thủ đoạn này chỉ do một mình Ngoan thực hiện, chúng tôi thật sự bất ngờ vì đây là thủ đoạn mới và hết sức tinh vi”.

 

Tang vật vụ án.

Được biết, Phan Văn Ngoan là đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, nhưng lại mê cá độ đá banh, dính vào nợ nần không khả năng chi trả. Bước đường cùng, Ngoan nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân bằng cách gọi điện thoại vào số máy bàn, đóng giả là người thân, người quen của họ đang định cư hay du lịch ở nước ngoài; giả tạo thông tin có người thân bị nạn khẩn cấp đang điều trị tại các bệnh viện ở Việt Nam cần tiền gấp để mổ cấp cứu và lo chi phí cho người bị nạn… rồi nhờ họ cho mượn tiền trước, hứa sẽ trả lại trong vòng 1-2 ngày. Từ đó làm cho các bị hại tin tưởng chuyển số tiền lớn vào các tài khoản ngân hàng do Ngoan chỉ định, rồi sau đó Ngoan rút ra chiếm đoạt.

Khi được hỏi tại sao phải gọi điện thoại giả danh người thân vào số cố định mà không gọi vào số điện thoại di động? Có ai hướng dẫn để thực hiện thủ đoạn này? Ngoan đáp tỉnh rụi: Vì số điện thoại cố định thường là những phụ nữ lớn tuổi hoặc những người già ở nhà nghe máy. Những người này thường dễ khai thác thông tin, lại nhẹ dạ nên lừa dễ. Cũng bởi do nợ nần nhiều quá, nên mới nghĩ ra cách đi lừa chứ không ai chỉ dạy.

Để thực hiện việc lừa đảo, ngoài một số giấy CMND Ngoan nhặt được ở căng tin bán nước của vợ, đầu năm 2016, Ngoan đến khu vực Bến xe Miền Tây hỏi mua số lượng lớn giấy CMND có nguồn gốc từ các tiệm cầm đồ, do người khác đánh mất hoặc bị trộm cắp.

Ngoan cũng tìm mua những tờ rơi có in số điện thoại cố định, tên, địa chỉ một số người trong nước; mua tài khoản ATM từ một số “cò” và những người bán dạo ở khu vực này. Ngoan cũng mua nhiều thẻ sim điện thoại di động khuyến mãi sử dụng để tránh bị cơ quan chức năng và người bị lừa phát hiện.

Tháng 3-2016, Ngoan tìm người để sử dụng các CMND nêu trên đến ngân hàng mở tài khoản thẻ ATM giao lại cho Ngoan. Khi đó, tình cờ Ngoan gặp và quen Trần Thị Tuyết Phong (37 tuổi), ngụ phường 6, quận 4, TP. Hồ Chí Minh. Sau khi nghe Ngoan yêu cầu sử dụng CMND của nhiều người đến ngân hàng mở tài khoản ATM rồi giao lại cho Ngoan với giá 2 triệu/thẻ, Phong đồng ý.

Thấy ngon ăn, từ tháng 3-2016 đến tháng 7-2016, Phong rủ rê thêm hai người nữa, làm tổng cộng 12 thẻ ATM rồi giao lại cho Ngoan. Trong đó, Phong  trực tiếp viết, ký các thủ tục đăng ký mở 5 tài khoản.

Phong cho biết: Khi đề nghị làm thẻ, Ngoan có nói rõ là mở tài khoản để sử dụng vào mục đích tiếp nhận tiền phạm pháp. Vì vậy, phải sử dụng CMND người khác để Công an không truy tìm được. Mặc dù biết rõ là phạm pháp nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên Phong đã nhận làm.

Sau khi có đầy đủ phương tiện hành nghề, Ngoan bắt đầu gọi điện thoại vào các số cố định. “Thường thì khi tôi gọi vào, đầu dây bên kia hay hỏi ai đó. Tôi nói là người thân đây, đoán xem? Đầu dây bên kia nhanh nhảu hỏi phải thằng Hai, con Ba đó không? Tôi nói đúng rồi và thế là họ tự tuôn ra một hồi nên tôi nắm được thông tin. Theo đó, tôi cứ khai thác dần dần thông tin... Khi đã tin tưởng tôi là người thân thì đặt vấn đề mượn tiền”, Ngoan tiết lộ.

Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 3-2016 đến tháng 6-2016, Ngoan đã sử dụng 16 tài khoản thẻ ATM, lừa đảo trót lọt 31 bị hại ở TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 5 người khác chuyển hơn 150 triệu đồng vào tài khoản do Ngoan chỉ định, cơ quan điều tra chưa làm việc được do thông tin những người này không có, không đầy đủ và họ cũng không đến cơ quan điều tra làm việc.

Ngoan khai, để tránh bị phát hiện, khi rút tiền lừa đảo được tại các cây ATM, Ngoan mặc áo khoác, đội nón, che khẩu trang kín mặt. Sau khi rút hết tiền do bị hại chuyển vào tài khoản, hoặc có trường hợp không thể rút tiền từ trụ ATM thì Ngoan sẽ hủy thẻ ATM và sim số đăng ký thông báo thông tin giao dịch tài khoản.

Để tránh bị lừa với thủ đoạn như trên, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cần thận trọng khi có những cuộc điện thoại xưng danh người thân mượn tiền trong khi chưa xác định rõ họ là ai.

Các cá nhân cũng lưu ý không được cung cấp CMND, thẻ tài khoản cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi không biết họ là ai, sử dụng vào mục đích gì. Nếu cung cấp các thông tin trên để các đối tượng sử dụng thực hiện hành vi lừa đảo thì người đứng tên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top