Phổ biến, giáo dục pháp luật qua những phiên tòa lưu động

08:52 - Thứ Năm, 31/08/2017 Lượt xem: 5815 In bài viết
ĐBP - Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp tham dự phiên tòa xét xử sơ thẩm lưu động 3 vụ án ma túy do Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Điện Biên tổ chức tại UBND xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên. Trước giờ phiên tòa diễn ra, trời mưa như trút nước nhưng người đến theo dõi phiên tòa vẫn chật kín hội trường.

Vào giờ xử án, mọi người có mặt tại phiên tòa tập trung lắng nghe nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện. 3 bị cáo được đưa ra xét xử là Nguyễn Văn Hậu, Lù Văn Oan (cùng trú tại xã Thanh An) và Lò Văn Thủy (trú tại xã Noong Hẹt) phạm tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy. Với mục đích thông qua phiên tòa xét xử lưu động (XXLĐ) giúp người dân hiểu rõ hơn các thủ đoạn của tội phạm và các quy định, hình phạt nghiêm minh của pháp luật đối với các hành vi phạm tội. Từ đó nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức cảnh giác, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm cho nhân dân. Bởi vậy, trong quá trình xét xử các vụ án, Hội đồng xét xử đã tập trung phân tích, làm rõ từng tình tiết, dù nhỏ nhưng hậu quả đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội rất nghiêm trọng. Và việc gieo rắc “cái chết trắng” sẽ phải trả giá bằng hình phạt nghiêm khắc của luật pháp. Trong các vụ án, Nguyễn Văn Hậu mua bán trái phép 0,16 gam hêrôin; Lù Văn Oan tàng trữ trái phép 0,29 gam hêrôin đều phải chịu mức án 2 năm 6 tháng tù giam. Còn đối với Lò Văn Thủy, với hành vi mua bán trái phép 2 gói hêrôin với giá chưa đến 100.000 đồng và cất giấu trái phép 2,51 gam Methamphetamine đã bị tuyên phạt 8 năm tù giam.

 

Cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật tại một phiên tòa lưu động.

Có mặt tại phiên tòa từ rất sớm, chị Nguyễn Thị Oanh, đội 3, xã Noong Hẹt cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi được dự một phiên tòa XXLĐ, qua đây giúp tôi hiểu hơn về công tác xét xử của ngành tòa án, những thủ đoạn của tội phạm ma túy và nắm rõ hơn một số quy định, điều luật của pháp luật hình sự. Đặc biệt là, qua việc hội đồng xét xử phân tích các tình tiết của vụ án, những hậu quả do ma túy mang lại đã giúp tôi nhận thức sâu sắc hơn về việc quan tâm dạy dỗ và quản lý con em mình sống đúng pháp luật.

Đối với ông Lò Văn Thiện, đội 1, xã Noong Hẹt thì đây không phải là lần đầu tiên ông dự phiên tòa XXLĐ. Mỗi lần trên địa bàn có phiên tòa lưu động diễn ra ông đều dự từ đầu đến cuối. Ông Thiện chia sẻ: Tôi đã dự 3 phiên tòa XXLĐ tại địa bàn, chủ yếu là xử các vụ án ma túy. Theo tôi thì xét xử lưu động là rất tốt, vì vụ án được xét xử công khai, minh bạch trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân. Nhờ tham gia những phiên tòa đó mà tôi cũng như nhiều người khác hiểu thêm về các thủ đoạn của các đối tượng phạm tội, từ đó nâng cao cảnh giác, phòng ngừa. Đồng thời giúp chúng tôi có thêm kiến thức pháp luật để giáo dục, khuyên bảo con cháu tránh xa ma túy và các hành vi phạm pháp khác.

Thời gian qua, TAND huyện Điện Biên đã tổ chức XXLĐ hàng chục vụ án. Với tâm lý chung của đa số người dân nhất là bà con dân tộc thiểu số chỉ tin những gì “mắt thấy tai nghe” thì việc tham dự các phiên tòa XXLĐ sẽ là hình thức tuyên truyền trực quan thiết thực, hiệu quả; nâng cao nhân thức cho người dân về thủ đoạn của các đối tượng phạm tội, những quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật cũng như tính khoan hồng của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Duy, Chánh án TAND huyện Điện Biên, cho biết: Phần lớn các phiên tòa xử tại trụ sở tòa án thường vắng người, ngoài những người tham gia tố tụng được tòa án triệu tập chỉ có thêm một vài người nhà bị cáo, thậm chí có những phiên tòa chỉ có một mình bị cáo. Trái lại, hầu hết những phiên tòa xử lưu động thu hút đông đảo người dân tham gia theo dõi. Do đó, mặc dù công tác tổ chức các phiên tòa XXLĐ trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, như: Nguồn kinh phí tổ chức các phiên tòa XXLĐ còn hạn chế; các phiên tòa XXLĐ chủ yếu tổ chức tại nơi xảy ra vụ án hoặc nơi bị cáo cư trú, vì vậy phòng xử án thường là hội trường UBND xã, nhà văn hóa xã nên khó đáp ứng được yêu cầu của một phiên tòa... Song, với hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên XXLĐ mang lại, TAND huyện Điện Biên vẫn nỗ lực tổ chức các phiên tòa XXLĐ. Để tổ chức các phiên tòa lưu động, TAND huyện phải xem xét kỹ lưỡng đến tính chất, tội danh và tác động xã hội của phiên tòa. Những vụ án hình sự được chọn để XXLĐ phải đảm bảo an toàn, có tác dụng tuyên truyền nhất là những loại tội phạm đang có diễn biến phức tạp. Cùng với đó, tại mỗi phiên tòa XXLĐ, Hội đồng xét xử phải căn cứ vào tính chất, nội dung từng vụ án mà lồng ghép các văn bản pháp luật cần được phổ biến, tuyên truyền. Trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị: Viện Kiểm sát Nhân dân, Công an, cấp ủy và chính quyền địa phương, phần lớn các phiên xét xử lưu động đều được tổ chức tại nơi xảy ra vụ án hoặc tại nơi bị cáo thường trú, tạm trú, qua đó đã thu hút sự theo dõi đông đảo của nhân dân.

Năm 2016, TAND huyện Điện Biên đã tổ chức 23 phiên tòa XXLĐ với 24 bị cáo (chiếm 8,9% số vụ được đưa ra xét xử). Năm 2017, dự kiến số vụ XXLĐ tăng lên 32 vụ, 36 bị cáo (chiếm 14,7% trong tổng số các vụ án được đưa ra xét xử). Trong đó, chủ yếu vẫn là những vụ án về tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy (chiếm trên 90%). Đây không chỉ là dịp trực tiếp phổ biến, chuyển tải các quy định của pháp luật, từ đó cảnh báo, giáo dục chung đối với người dân mà còn là cơ sở để người dân nêu cao cảnh giác, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong tham gia đấu tranh, phát hiện các hành vi vi phạm; tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân tự giác chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Đồng thời, cũng là môi trường thực tiễn để đội ngũ cán bộ tham gia xét xử có điều kiện trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xét xử theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Đức Huy
Bình luận
Back To Top