Tung tin thất thiệt lên Facebook để kiếm tiền và... nổi tiếng

15:22 - Thứ Năm, 31/08/2017 Lượt xem: 6258 In bài viết
29 tuổi đầu, mới lấy vợ, không còn trẻ trâu gì nữa nhưng Trần Quang Hải, SN 1988, trú tại xã Tràng An, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, lại chọn lối sống ảo khi tung tin thất thiệt trên mạng xã hội.

Mục đích của anh ta vừa để kiếm tiền, vừa để nổi tiếng. Ngay sau khi nhận thông tin trên mạng xã hội đang lan truyền chóng mặt về vụ thảm sát 8 người chết trong một gia đình tại Nam Định, Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định đã vào cuộc.

1. Trên trang mạng "Raovatnamdinh" có một tài khoản facebook với hình đại diện là một cô gái trong trang phục Công an, chia sẻ một liên kết với nội dung "Nam Định thảm sát trong đêm, 8 người trong một gia đình thiệt mạng".

 

Trần Quang Hải tại cơ quan điều tra.

Ngay sau khi thông tin này xuất hiện chỉ vài phút, một số lượng lớn người đã vào like, chia sẻ và comment (bình luận), khiến dư luận cực kì hoang mang. Trước những thông tin trên, Công an tỉnh Nam Định rà soát trên toàn địa bàn và sau khi xác định đây là thông tin bịa đặt, đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh thực hiện các biện pháp xử lý.

Các cán bộ, chiến sĩ ở Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, một ngày các anh nhận được không biết bao nhiêu cuộc gọi của các đồng nghiệp, của nhân dân hỏi tình hình. Đặc biệt, thông tin gây nhiễu loạn, hoang mang đến mức, những người quê Nam Định đang sống xa gia đình cũng lập tức gọi điện về nhà vì lo lắng cho gia đình. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an đã xác định được kẻ tung tin bịa đặt là Trần Quang Hải và triệu tập anh ta tới cơ quan Công an để điều tra làm rõ.

Mang những nét rất đặc trưng của một "anh hùng bàn phím", Trần Quang Hải khai nhận, anh ta là thợ sửa máy tính tự do. Mỗi tháng tung tin thất thiệt lên mạng thế này, anh ta được nhà mạng trả cho khoảng 15 - 20 triệu đồng. Hải mua một nick facebook là 5 nghìn đồng và tha hồ viết bậy rồi thu tiền.

Theo đó, anh ta sử dụng tài khoản facebook mua trên mạng rồi chia sẻ một liên kết lên trang mạng "Raovatnamdinh" với nội dung như đã đề cập. Để tạo lòng tin cho những người vào xem nội dung, Hải đã đăng kèm theo hình ảnh lực lượng Công an đang khám nghiệm hiện trường một vụ trọng án.

Có điều, anh ta lấy hình ảnh hiện trường của vụ án đặc biệt xảy ra tại Bình Phước cách đây vài năm để minh họa cho thông tin của mình. Nhìn hình đại diện của tài khoản tung thông tin này là một cô gái trong trang phục Công an khiến nhiều người càng tin rằng thông tin về vụ thảm sát là thật.

Ngày 17-8, tại cơ quan Công an, Trần Quang Hải khai nhận, anh ta đã lấy thông tin và ảnh vụ thảm sát ở Bình Phước rồi thay nội dung thành vụ thảm sát ở tỉnh Nam Định. Sau đó, đăng lên trang "raovatnamdinh". Mục đích là để kiếm tiền. Mỗi click chuột vào bài, nhà mạng trả cho Hải 200 đồng.

Công an tỉnh Nam Định đang kiến nghị với Sở TT&TT Nam Định có hình thức xử lý chủ trang "raovatnamdinh" vì đã không kiểm soát, cho phép đăng tải thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận.

 Đây không phải là vụ đầu tiên mà những kẻ tung tin thất thiệt lợi dụng các trang mạng xã hội để gây nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận. Mục đích của họ là để kiếm tiền, như Trần Quang Hải, nhưng có một số kẻ khác thì lại mong muốn được nổi tiếng, để có nhiều người theo dõi, nhiều người like, chia sẻ sau mỗi dòng trạng thái của họ.

 

Cao Thái Dương bị triệu tập đến cơ quan Công an.

Trong số này, khá nhiều người đang hành nghề bán hàng mĩ phẩm online, bán quần áo, bán giày dép... đã sử dụng chiêu trò tung tin ảo câu like. Facebook của họ càng có nhiều người tương tác thì hiệu quả bán hàng càng cao. Không ít trong số đó đã bị xử lý, tuy nhiên, có thể do luật pháp còn quá nương tay, hầu hết chỉ bị xử lý hành chính nên các đối tượng này không hề sợ, ngoài mục đích kiếm tiền thì nhiều kẻ coi đó là trò giải trí bệnh hoạn.

2. Chỉ cách đây hơn 1 tháng, vào khoảng thời gian chiều 20-7, các facebooker lại đua nhau chia sẻ một thông tin từ một chủ tài khoản facebook khi người này đưa lên 5 bức ảnh chụp tại một cuộc diễn tập khẩn nguy hàng không với nội dung "Mưa to quá máy bay rơi luôn... Thật là kinh khủng... Nội Bài này".

Trong ảnh, một máy bay nằm ngang qua mương nước cùng với xe chữa cháy. Tất nhiên, thông tin này chỉ có giá trị đối với những cư dân mạng thiếu hiểu biết, khi họ đồng loạt share (chia sẻ) rầm rầm và lao vào tranh luận bằng những lời lẽ cũng thiếu hiểu biết không kém.

Sự thật đó là cuộc diễn tập. Tuy nhiên, thông tin đã khiến không ít người có người thân đi máy bay trong ngày hôm ấy đứng ngồi không yên vì lo lắng, nhất là khi họ gọi điện thoại cho người thân lại "ngoài vùng phủ sóng".

Trước thông tin này, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các anh đã xác định chủ tài khoản là một phụ nữ có tên M, ở Hà Nội.

Tại cơ quan Công an, người phụ nữ này đã thừa nhận chính chị ta đã đăng tải thông tin máy bay rơi ở Nội Bài lên trang cá nhân, mục đích nhằm "câu like", tăng lượt người theo dõi phục vụ hoạt động bán mỹ phẩm của mình trên mạng.

Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, những người sử dụng facebook có hiểu biết đã cùng nhau cảnh báo, lên án tình trạng một bộ phận người bán hàng online đã làm đủ chiêu trò để bán được hàng.

Một cô gái bán kem trộn (kem đắp mặt) cũng từng bị xử lý hành chính về hành vi tung tin thất thiệt chia sẻ, do ít bạn facebook, hiệu quả bán hàng không cao, mỗi lần đăng quảng cáo bán hàng, số lượng người like không quá 10 người, trong đó của cô 1 like, người yêu cô 1 like, còn lại là anh em trong nhà và một vài người bạn thân, trong khi đó, nhìn sang trang của những người cùng hành nghề như mình, số lượng người like lên đến cả hàng nghìn, cô gái này đã nghĩ ra cách "câu like" bằng việc tung tin một cháu bé bị bắt cóc mổ nội tạng. Đáng ngại khi nhiều người tin đó là thật và cùng tag nhau vào đọc tin, dặn dò nhau phải trông trẻ con cẩn thận hơn... gây hoang mang dư luận.

3. Không phải để kiếm tiền như hai nhân vật vừa đề cập, Cao Thái Dương (SN 1993, trú khu 10, phường Nông Trang, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) lại tung tin thất thiệt trên facebook với mục đích duy nhất là được nổi tiếng khi có nhiều người theo dõi.

Cách đây gần 2 tháng, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Do mâu thuẫn cá nhân, một đối tượng đã dùng dao chém cụt đầu đối thủ. Hình ảnh chụp hiện trường không khác gì phim kinh dị, khiến cư dân mạng đêm đó náo loạn.

Sau đó không đầy 1 tuần, Cao Thái Dương nhận thấy độ "hút khách" của những thông tin kiểu như này là vô cùng lớn nên ngày 8-7, anh ta đã dùng tài khoản facebook của mình để tung tin nội dung: "Lại thêm một vụ án mạng chém cụt đầu tại Việt Trì - Phú Thọ do nợ tiền mua điện thoại".

Trong đó, Dương hoàn toàn dựa trên nội dung bài viết đã đăng tải công khai trên các báo về vụ trọng án ở Vĩnh Phúc xảy ra ngày 3-7, chỉ thay đổi tên, tuổi nạn nhân, hung thủ và địa điểm xảy ra vụ án. Ngay sau đó, Cao Thái Dương đã bị Công an TP Việt Trì triệu tập làm rõ. Thanh niên này khai nhận, mục đích duy nhất của anh ta là để được nổi tiếng.

Chưa bao giờ dòng trạng thái chia sẻ của Dương nhận được nhiều người like đến thế. Tất nhiên, anh ta không quan tâm đến việc thông tin bịa đặt của mình gây ảnh hưởng tới xã hội như thế nào. Đổi lại vài trăm like của Dương là hàng nghìn người dân sống trong tâm lý hoang mang, nơm nớp mỗi khi ra đường, ảnh hưởng lớn tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Tại cơ quan Công an, Dương khai nhận, bạn bè của anh ta có khá nhiều người cũng hay sử dụng chiêu trò này để... trêu nhau. Thấy bạn bè đưa những bài viết với nội dung không đúng sự thật nhằm mục đích trêu đùa nhau, Dương đã cóp lại rồi thay đổi vài thông tin và biến thành bài của mình.

 

Ảnh chụp màn hình facebook tung tin thất thiệt máy bay rơi.

Tuy nhiên, khác với nhiều kẻ vô ý thức khác, Cao Thái Dương nhận thức được việc làm của mình là nghiêm trọng nên nhanh chóng gỡ bỏ sau khoảng 1 giờ đăng tải. Tuy nhiên, khi đó rất nhiều người đã đọc được thông tin này, khoảng 20 lượt người đã chia sẻ. Hàng chục cuộc điện thoại gọi đến cho anh ta hỏi nội dung vụ việc. Lúc đó, Dương mới thấy... sợ.

Với nhiều người, những thông tin bịa đặt này là vô thưởng vô phạt nhưng đối với xã hội, hậu quả của nó là vô cùng to lớn khi gây dư luận hoang mang, ảnh hưởng tới an ninh trật tự.

Hậu quả nhỡn tiền là xảy ra rất nhiều vụ người dân xông vào đánh những người phụ nữ vô tội vì nghi họ bắt cóc trẻ con, điển hình là vụ xảy ra ở Sóc Sơn và Hà Tĩnh, vụ đốt xe ôtô ở Hải Dương vì nghi bị thôi miên, cũng là do thời gian qua, có quá nhiều thông tin thất thiệt gây nhiễu loạn xã hội, trong khi đó một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, không sàng lọc, lựa chọn khi thu nạp thông tin, đã nghĩ đó là thật và luôn ám ảnh, gây ra những hành động đáng tiếc.

Đáng nói, việc xử lý những kẻ tung tin bịa đặt còn quá nhẹ, hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Không còn cách nào khác là mỗi độc giả, mỗi cư dân mạng phải tỉnh táo, sáng suốt trước các thông tin hằng ngày, hằng giờ ngồn ngộn trên mạng xã hội, cùng tẩy chay những kẻ cố tình đăng tin ảo để "câu like".

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top