Nghe trinh sát kể chuyện “đánh” ma túy

09:11 - Thứ Năm, 07/09/2017 Lượt xem: 9092 In bài viết
ĐBP - “Ăn trinh sát, mát thông tin” là câu truyền miệng mang tính bông đùa, động viên nhau của lứa chiến sĩ trẻ khi tham gia lực lượng vũ trang. Bởi thực ra, chẳng có nhiệm vụ nào nhàn hạ cả, nhất là với những trinh sát của lực lượng Cảnh sát Phòng, chống ma túy.

 

Chiến sĩ cảnh sát khống chế đối tượng trong Chuyên án 317D.

Công lớn nhất là nhân dân

Thành phố Điện Biên Phủ một chiều mưa tầm tã, trong căn phòng làm việc nằm khiêm tốn ở góc phố nhỏ, ngồi chia sẻ với chúng tôi về cái nghề “chỉ muốn thất nghiệp” - Thượng tá Đinh Tiên Hoàn, Phó trưởng phòng Cảnh sát Phòng, chống ma túy (Công an tỉnh), đúc kết một câu ngắn gọn: Đối với lực lượng chống ma túy, thông tin từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân đóng vai trò quan trọng tiên phong cho mỗi chuyên án. Bởi, đối với mỗi trinh sát, nghiệp vụ được đào tạo và kinh nghiệm luôn tích lũy, rèn luyện qua quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng chống ma túy có những đặc thù riêng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, thị trường buôn bán “cái chết trắng” ngày càng nhiều diễn biến phức tạp, đối tượng phạm tội rất manh động, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi; tội phạm ma túy kết nối, thành lập những đường dây vô cùng kín kẽ, kỷ luật như một thế giới riêng, nếu không có sự giúp sức từ cơ sở, quần chúng nhân dân thì các chuyên án khó thành công. Như để chứng minh cho lời nói của mình, Thượng tá Hoàng rút chiếc điện thoại di động “dã chiến”, mở mục tin nhắn đưa cho chúng tôi, thấy tôi có vẻ e dè, ông cười cởi mở: Các đồng chí cứ đọc đi, yêu cầu nghiệp vụ thì chúng tôi nắm chắc rồi. Đã là công lao của nhân dân thì phải công khai chứ! Đó là loạt tin nhắn cập nhật thông tin về đường đi, nước bước của đối tượng, và cả lời động viên cán bộ, chiến sỹ từ người nhắn tin. Thượng tá Hoàn khẳng định: Nói vậy để hiểu rằng vai trò của nhân dân trong phòng, chống ma túy là rất lớn, quần chúng chính là những trinh sát bí mật nhất, hiệu quả nhất, tội phạm ma túy dù có tinh vi, xảo quyệt đến đâu thì sớm hay muộn cũng bị dân phát hiện, đưa ra ánh sáng, lực lượng cảnh sát chống ma túy chúng tôi chỉ thực hiện phần việc còn lại của nhân dân giao phó thôi!    

Thường xuyên đối mặt hiểm nguy

Được đề nghị kể về kỷ niệm đánh án ma túy để lại dấu ấn nhất, khiến Thượng tá Đinh Tiên Hoàn ngẫm nghĩ một hồi, rồi ông bảo: Thực ra… chẳng chuyên án nào là “nhất” cả! Bởi mỗi chuyên án là những tình tiết diễn biến khác nhau, trong đó có những con người, số phận, hoàn cảnh khác nhau. Yêu cầu chung của mỗi trinh sát trực tiếp tham gia chuyên án, bắt giữ đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy là lòng yêu nghề, quyết tâm chống lại cái ác. Không muốn kể công nhưng để các đồng chí hiểu thêm về lực lượng, chúng tôi xin chia sẻ một vài điều vốn là nhiệm vụ thường xuyên của cảnh sát phòng, chống ma túy. Trước hết là kỷ luật, ngay từ trong thói quen sinh hoạt, đơn cử như chiến sĩ nào hút thuốc lá thì khi tham gia công tác chống ma túy là phải bỏ ngay. Bởi khi xâm nhập địa bàn, mật phục vài đêm trong rừng hoặc các “điểm cao” thì dù có thèm thuốc lá đến mấy cũng phải… nhịn, chứ đêm hôm mà “đỏ lửa”, rồi mùi thuốc lá tỏa ra thì đối tượng sẽ phát hiện ra ngay. Còn việc bị đối tượng chống trả, gây thương tích cho anh em đánh án cũng là chuyện… thường xuyên, đến giờ tôi đã không thể đếm trên tay mình có bao nhiêu vết sẹo do đối tượng đánh trả, cào cấu hoặc… cắn nhằm thoát thân. Ngoài ra, nhiều đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy là người nghiện, mắc HIV/AIDS, chính tôi từng phải nằm viện điều trị chống phơi nhiễm do tiếp xúc với máu của đối tượng nhiễm “H”. Do cơ bản nhận định được hình phạt nghiêm khắc của pháp luật về tội mua bán, vận chuyển ma túy nếu bị bắt, nên khi thấy bị lực lượng đánh án bao vây, các đối tượng thường tìm mọi cách để đối phó. Nguy hiểm, manh động nhất là kẻ được giao nhiệm vụ áp tải, bảo vệ “hàng”, những đối tượng này thường được trang bị vũ khí “nóng”, sẵn sàng khai hỏa để đồng bọn trốn chạy, tẩu tán tang vật. Điển hình như đối tượng Lò Văn Phanh, ở đội 5, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) trong Chuyên án 315H, bắt quả tang, thu giữ tại chỗ 2 bánh hêrôin, khai thác mở rộng triệt phá đường dây mua bán trái phép 15 bánh hồi tháng 3/2015. Khi bị khống chế, Lò Văn Phanh đang thủ trong người 2 quả lựu đạn, sẵn sàng rút chốt “chết chùm” khi bị bao vây. Hay trong chuyên án mang bí số 317D, ngày 7/3/2017 vừa qua, bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển trái phép 2 bánh hêrôin cùng nhiều tang vật. Một trong hai đối tượng là Hờ A Dế (bản Pa Lía, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) vốn là kẻ rất cao lớn, to khỏe. Khi bị phát hiện, cả 2 dùng dao chống trả quyết liệt khiến 2 chiến sĩ tổ chuyên án bị thương nhẹ. Đồng bọn của Dế thì nhanh chóng bị tước vũ khí, khống chế, còn đối tượng Dế với chiều cao trên 1,8m và trọng lượng cơ thể trên 100kg điên cuồng chống trả lực lượng vây bắt khiến cả một khoảng cây bụi trong rừng đổ rạp Hờ A Dế mới chịu thúc thủ. Tuy nhiên, khi đã gìm chặt được đối tượng xuống đất nhưng trong số còng mang theo không cái nào... vừa với cổ tay to lớn của Dế, thành viên tổ chuyên án buộc phải vận dụng phương tiện khống chế riêng.

Kẻ tự nguyện chịu trói

Trong hàng trăm lần tham gia truy bắt, khống chế tội phạm về ma túy, duy nhất một lần Thượng tá Đinh Tiên Hoàn gặp một đối tượng không chống trả. Đó là chuyên án cách đây đã hơn 22 năm (tháng 6/1995), khi Thượng tá Hoàn còn công tác ở Công an huyện Điện Biên. Đối tượng đó là Nguyễn Văn Tấn, trú xã Thanh Yên - một mắt xích quan trọng trong đường dây mua, bán 6 bánh hêrôin (sau đó bị Tòa án Nhân dân tỉnh tuyên phạt tù chung thân). Khi bị bắt, đối tượng Tấn chỉ thốt lên một câu “Tôi sai rồi!”, rồi đưa 2 tay cho lực lượng chức năng khống chế. Quay đầu là bờ, dù muộn màng nhưng chính vì sự hợp tác, khai báo thành khẩn mà Tấn đã không bị loại bỏ vĩnh viễn khỏi xã hội (án tử hình) mà có cơ hội phấn đấu cải tạo tốt và tiếp tục nhận được được sự khoan hồng của pháp luật để có một lối về…

Lật cuốn sổ dày đã cũ, mở từ trang đầu ghi: Năm 2005, Thượng tá Hoàn bỗng trở nên trầm ngâm: Đã 13 năm công tác tại Phòng Cảnh sát Phòng, chống ma túy, mỗi lần tham gia chuyên án đánh ma túy tôi đều ghi chép tỉ mỉ vào cuốn nhật ký đặc biệt này. Lật đến trang ghi: Năm 2017, quan sát số liệu so sánh thông tin tổng hợp về số đối tượng, khối lượng ma túy bị thu giữ tăng lên từng năm, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Như đoán được suy nghĩ của tôi, Thượng tá Hoàn nói với tôi mà như chia sẻ với chính bản thân: Tội ác thì phải được nghiêm trị bằng pháp luật. Ma túy là thứ hủy diệt con người, kéo xã hội đi xuống về cả đạo đức lẫn vật chất, chúng tôi là những người được giao nhiệm vụ phòng, chống ma túy cũng chỉ mong đến một ngày “thất nghiệp”. Tuy nhiên, ngày nào ma túy và những kẻ buôn bán nó còn hủy hoại xã hội, ngày đó chúng tôi còn chiến đấu!

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top