Đòi nợ thuê, vấn đề pháp lý và những hệ lụy:

Giải quyết vấn đề đòi nợ thuê - Nhìn từ nhiều phía

16:18 - Thứ Ba, 12/09/2017 Lượt xem: 6942 In bài viết
Rõ ràng từ việc đòi nợ thuê đã xảy ra không ít hệ lụy, nhiều gia đình tan nát, người chết hoặc mang thương tật suốt đời, kẻ phải trả giá cho hành vi tội lỗi của mình.

Vậy, làm thế nào để vẫn đảm bảo được hoạt động mua bán, vay mượn chính đáng của người dân nhưng không ảnh hưởng đến ANTT? Chúng tôi đi tìm câu trả lời của những người trong cuộc.

 

Công an Thanh Hoá khám xét nơi ở của đối tượng chuyên cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.

Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng đòi nợ thuê, trước hết phải ngăn ngừa từ chính người vay nợ. Theo đó, khi vay nợ, bản thân người vay phải có ý thức trả nợ, không chây ì, trốn tránh, phải nỗ lực bằng mọi cách để trả nợ. Trong trường hợp mất khả năng thanh toán, thì phải thoả thuận với bên cho vay để tìm phương án giải quyết. Trong trường hợp bị bên cho vay đe dọa, cần báo cáo với cơ quan Công an để có biện pháp phòng ngừa.

Đại tá Nguyễn Văn Bính, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá – đơn vị đã triệt phá nhiều băng nhóm đòi nợ thuê, cho vay  lãi nặng cho biết, việc quản lí chặt các băng nhóm tội phạm hình sự, nhất là các băng nhóm có biểu hiện hoạt động cờ bạc, cho vay lãi nặng là một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen, đòi nợ thuê. 

Theo đó, cơ quan Công an cần nắm chắc hoạt động của các băng nhóm trên, lên danh sách cụ thể từng đối tượng, trong đó tập trung vào đối tượng chủ mưu cầm đầu, nếu phát hiện có vi phạm, lập tức xử lí theo quy định của pháp luật.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế phân tích:  Đòi nợ hiện có nhiều loại. Trong đó, kiểu đòi nợ trực tiếp với nhau, không thông qua đòi nợ thuê luôn được khuyến khích, và nhà nước phải có chính sách ưu tiên việc này. Các bên khi thiết lập quan hệ thương mại và dân sự nói chung cần phải chú ý đến đối tác - khách hàng của mình. 

Nếu thương lượng, hòa giải được thì cơ quan thi hành án – tòa án cần đảm bảo tuân thủ kết quả hòa giải đó. Bộ luật tố tụng Dân sự đã công nhận kết quả hòa giải là cơ sở để thi hành án (như bản án được tuyên). Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án, từ đó giảm bớt việc thuê tổ chức thứ 3 giải quyết.

Đồng quan điểm với Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cũng đề nghị, không nên cho phép các công ty tư nhân tham gia vào lĩnh vực đòi nợ thuê. Việc giải quyết mâu thuẫn trong vay nợ nên để cho các tổ chức của nhà nước thực hiện. 

“Trên thực tế giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến lĩnh vực này, chúng tôi thấy các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đa phần là đối tượng hình sự núp bóng. Hầu hết đều không có nhân viên theo đúng quy định mà chỉ thuê những đối tượng côn đồ, xăm trổ với mục đích đe dọa để đòi nợ. Chính những đối tượng này gây ra những vụ án, làm mất trật tự xã hội, thiệt hại sức khoẻ, tính mạng người khác” – Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết.

Là người cho vay tiền, đã đòi nhiều lần nhưng nạn nhân không trả với mục đích chiếm đoạt dẫn đến việc phạm tội cưỡng đoạt tài sản, phải đi tù 6 năm, phạm nhân Nguyễn Minh Quyết ở Trại giam Ninh Khánh cho biết: “Tôi cho đứa bạn vay 300 triệu đồng để nó làm nhà và mở cửa hàng kinh doanh. Việc làm ăn của nó phát đạt, thuận lợi nhưng không trả tiền cho tôi, tôi đòi nhiều lần không được. Nhờ Công an giải quyết nhưng Công an cho rằng đây là quan hệ dân sự phải kiện ra Toà. Tôi nộp đơn ra toà hơn nửa năm nhưng chưa xong thủ tục. Trong khi đó vợ ốm không có tiền chữa bệnh nên tôi phải nhờ văn phòng thu nợ đòi hộ, mất 50%. Tuy nhiên, những người đòi nợ trên lại đánh nạn nhân, lấy xe SH của nạn nhân mang về dẫn đến việc tôi bị xử lí đồng phạm. Tôi đi tù, tiền mất, tật mang, nhà tan cửa nát nên tôi đau lòng lắm. Tôi hi vọng rằng, pháp luật cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong việc vay – đòi nợ. Toà án cũng phải giải quyết nhanh, có biện pháp thu hồi nợ thì mới tránh được việc chúng tôi phải thuê người đòi, dẫn đến tù tội”.

Về khía cạnh pháp luật, Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 đã có nhiều điểm mới trong quy định của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” - là một trong những tội chủ yếu khi người vay nợ cố tình không trả nhưng pháp luật không xử lí được dẫn đến việc chủ nợ phải thuê người khác đòi. 

Luật sư Nguyễn Trọng Tín, Văn phòng Luật sư Trọng Tín cho biết, trong Bộ luật Hình sự năm 2015 tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 175 đã thay đổi cả về nội hàm của khái niệm “hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, cả các dấu hiệu khung hình phạt và mức hình phạt so với BLHS 2009. Các quy định này khoa học, hợp lí, cụ thể, rõ ràng và nhân đạo hơn.

Luật sư Nguyễn Trọng Tín phân tích “Điều 140 BLHS 1999 quy định 3 loại hành vi và hành vi khách quan của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”  đó là sau khi vay, mượn, thuê tài sản của người khác, chủ thể đã thực hiện một trong 3 hành vi: dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó; bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại. Hiện nay, theo Điều 175 BLHS 2015 đã quy định thêm một hành vi là hành vi khách quan của tội này, đó là “đến thời hạn trả mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. 

Đây chính là một bước hoàn thiện rõ rệt của BLHS 2015, tạo cơ sở pháp lí để đấu tranh với tình trạng đang rất nóng bỏng hiện nay là quỵt nợ, vỡ nợ, đòi nợ thuê... Theo đó, trong trường hợp người vay mất khả năng thanh toán do điều kiện khách quan như kinh doanh thua lỗ, bị thiên tai, tai nạn bất ngờ... thì hành vi không trả lại tài sản không phải là thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản. 

Còn nếu người đó sử dụng vào hành vi vi phạm pháp luật như đánh bạc, buôn lậu, buôn bán hàng cấm... dẫn đến không còn cả năng chi trả là hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc người đó có khả năng chi trả nhưng bỏ trốn hoặc không chi trả là thể hiện thái độ “cố tình không trả” của chủ thể, sẽ bị xử lí theo quy định.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân không đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Theo đó, vay nợ là quan hệ dân sự, vì vậy, nếu bên vay không trả nợ đúng hạn thì bên cho vay có quyền khởi kiện ra tòa án dân sự giải quyết. Trường hợp tòa án ra bản án có hiệu lực pháp luật, nhưng bên vay vẫn không trả tiền thì bên cho vay có thể đề nghị cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mại tài sản của người vay tiền để buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ... Ngoài ra, bên cho vay cũng có thể tố cáo đến cơ quan điều tra nếu nhận thấy bên vay có dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý theo pháp luật. Khi đó, bên bị thiệt hại có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan điều tra yêu cầu người đã chiếm đoạt tiền của mình phải khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại nếu có.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top