Lời xin lỗi muộn màng giải nỗi oan vụ án xuyên thế kỷ

08:58 - Thứ Năm, 26/10/2017 Lượt xem: 5450 In bài viết
ĐBP - Sau 28 năm mang trên mình án oan về tội “vợ giết chồng, con giết cha”, bà Ðặng Thị Nga (SN 1938) và hai con trai là Trịnh Công Hiến (SN 1963, đã chết) và Trịnh Huy Dương (SN 1970), trú tại khối Sơn Thủy, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo đã được minh oan khi ngày 24/10/2017, thay mặt các cơ quan tiến hành tố tụng, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh đã đọc lời xin lỗi công khai đối với gia đình bà Nga vì đã điều tra, truy tố, xét oan. Dù lời xin lỗi đã muộn màng nhưng niềm tin vào sự trong sạch, vô tội của bà Nga và các con cuối cùng cũng được đền đáp.

Sự việc xảy ra cách đây đã quá lâu. Ðó là buổi chiều định mệnh ngày 18/9/1989, bà Nga ra giếng múc nước thì phát hiện xác chồng mình là ông Trịnh Huy Tùng ở dưới giếng. Nỗi đau mất chồng, mất cha chưa kịp nguôi thì 5 ngày sau đó, Công an huyện Tuần Giáo (tỉnh Lai Châu cũ) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 3 mẹ con bà Nga để điều tra về tội “Giết người”. Năm 1990, Tòa án Nhân dân tỉnh Lai Châu (cũ) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên xử bà Nga 3 năm tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng về tội “Che giấu tội phạm”; anh Trịnh Công Hiến (con trai lớn của ông Tùng và bà Nga) 18 năm tù; Trịnh Huy Dương (con trai thứ) 12 năm tù về tội “Giết người”. Cho rằng Tòa xử oan sai người vô tội, bà Nga đã lặn lội đến khắp các cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương để kêu oan cho mình và hai con. Cuối năm 1990, Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc phẩm vụ án và tuyên hủy bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Lai Châu (cũ), đồng thời giao hồ sơ cho Viện Kiểm sát Nhân dân và Công an tỉnh Lai Châu điều tra lại từ đầu. Ðến đầu năm 1992, trong quá trình điều tra lại vụ án, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lai Châu (cũ) đã có quyết định hủy bỏ việc tạm giam đối với anh Hiến và anh Dương sau 28 tháng tạm giam. Tuy nhiên, cũng kể từ đó, vụ án bị “treo” suốt 28 năm mà không có bất cứ kết luận nào của các cơ quan chức năng, dù gia đình bà Nga liên tục gửi đơn kêu oan.

 

Gia đình bà Nga (hàng đầu từ trái qua): Anh Trịnh Huy Dương, bà Ðặng Thị Nga, anh Trịnh Việt Dũng và em gái Trịnh Thị Ngọc tại buổi xin lỗi công khai do Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức.

Ba mẹ con bà Nga dù tiếng là được “tự do” nhưng tội danh “Giết người” và “Che giấu tội phạm” vẫn ngày ngày đeo đẳng bởi chưa được cơ quan pháp luật “cởi bỏ” một cách chính thức, công khai. Vì không có bất kỳ kết luận nào để minh oan, cho nên cuộc sống của gia đình bà Nga ngày càng lâm vào cảnh bi đát. Các con bà đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối, đến tuổi lập gia đình cũng chẳng ai đoái hoài, cũng bởi điều tiếng là “nghịch tử, bất hiếu”. Nhiều lần bà Nga đã tính chuyện bỏ quê đưa các con đến nơi khác sinh sống, nhưng nghĩ vụ án chưa kết thúc, niềm oan chưa được rửa nên nhẫn nhục ở lại, khắc khoải chờ đợi một ngày công lý sẽ được thực thi!

Ðến trụ sở UBND thị trấn Tuần Giáo - địa điểm tổ chức buổi xin lỗi công khai từ rất sớm, bà Nga tóc đã bạc trắng, vóc người nhỏ bé, khắc khổ nhưng đầy cương nghị. Nhưng lúc trò chuyện với phóng viên, khi nhắc đến con trai lớn là anh Trịnh Công Hiến, bà Nga không ngăn được nước mắt. Bà Nga tâm sự: “Trong thời gian bị tạm giam 28 tháng, anh Hiến đã xăm chữ “đời oan trái” trên ngực và hứa sẽ xóa khi được minh oan. Thế nhưng, nỗi oan trái kéo dài đằng đẵng, Hiến bị khủng hoảng tinh thần. Hiến đã lâm bệnh mà chết khi nỗi oan chưa được giải!”. Người em út Trịnh Việt Vương khi xin được công việc trên thành phố Ðiện Biên Phủ cũng chịu ảnh hưởng từ “bản án lơ lửng” 28 năm... Ngồi bên mẹ, anh Trịnh Huy Dương chùng giọng nói: Nỗi oan đã giết chết anh tôi, khiến các em tôi không được làm người tử tế. Em trai tôi là Trịnh Việt Dũng từ một thanh niên khỏe mạnh trở thành trầm cảm vì bị ảnh hưởng vụ án “con giết cha, vợ giết chồng”. Về phần mình, anh Dương kể lại: “Lúc bị giam, tôi bị đánh nhiều trận, kêu trời không thấu, đất không hay. Sau khi được hủy bỏ lệnh tạm giam, tôi lang thang khắp xứ làm thuê, đi đâu tôi cũng phải luôn mang giấy quyết định thay đổi biện pháp tạm giam theo. Nghĩ lại thật rùng rợn!”.

 

Người con trai út Trịnh Việt Vương bật khóc tại buổi xin lỗi khi nghe công bố thành viên gia đình được minh oan sau 28 năm.

Niềm tin vào công lý đã thôi thúc quyết tâm minh oan cho gia đình, suốt 28 năm ròng rã, bà Nga không nhớ xuể đã bao nhiêu lượt mang đơn đi “gõ cửa” các cơ quan chức năng cầu cứu. Trời không phụ người có tâm! Lòng kiên trì của bà cuối cùng đã “thấu cao xanh”. Do có căn cứ xác định 3 mẹ con bà Nga không có hành vi che giấu tội phạm và không giết người nên ngày 17/10/2017, Công an tỉnh Ðiện Biên đã ban hành các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra các bị can. Ðúng 10 giờ sáng 24/10 vừa qua, đại diện cho các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh, ông Phạm Văn Nam, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh, đã đọc lời xin lỗi đối với bà Ðặng Thị Nga, anh Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương vì đã điều tra, truy tố, xét oan. Ðồng thời, ông Nam cho biết, trong thời gian tới, gia đình bà Nga có yêu cầu, Tòa án Nhân dân tỉnh sẽ tiến hành việc giải quyết bồi thường thiệt hại theo đúng quy định pháp luật.

28 năm chờ đợi, sự thật đã được làm sáng tỏ. Tuy rằng muộn, nhất là với con trai bà - ông Trịnh Công Hiến, đã chết khi vẫn mang nỗi hận. 28 năm mang thân phận bị can, sau khi được minh oan, bà Nga xúc động: “28 năm sống trong tủi nhục, mỏi mòn chờ đợi thì cũng đến cái ngày mẹ con tôi được minh oan. Hôm nay với gia đình tôi là ngày vui đặc biệt. Tôi cứ tưởng mình đã cạn nước mắt sau những ngày đằng đẵng đi kêu oan nhưng đến hôm nay tôi lại khóc. Lần này là khóc cho niềm vui. Tuy nhiên, tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết bồi thường về vật chất cũng như tinh thần trong suốt thời gian qua cho gia đình; đồng thời sớm điều tra làm rõ vụ việc, tìm ra kẻ phạm tội thực sự...”.

 

Nhiều người dân không thể vào trong hội trường phải đứng ngoài theo dõi buổi xin lỗi qua màn hình tivi.

Từ đầu giờ sáng, hàng trăm người dân địa phương đã có mặt tại UBND thị trấn Tuần Giáo để theo dõi buổi xin lỗi. Vì quá đông người, nên UBND thị trấn Tuần Giáo phải đặt một màn hình tivi tại cổng trụ sở ủy ban để phát trực tiếp cho những người không thể vào hội trường. Người thân, hàng xóm của gia đình bà Nga và người dân trên địa bàn vui cười hồ hởi, thậm chí có người đã khóc vì chia vui với gia đình bà được giải oan. Chứng kiến toàn bộ biến cố của gia đình bà Ðặng Thị Nga bắt đầu từ năm 1989, bà Ðàm Thị Ngận, hàng xóm của bà Nga, cho hay: Ngày đấy người dân ai cũng bất ngờ khi thấy công an đến bắt bà Nga cùng hai người con trai vì nghi vấn “con giết cha, vợ giết chồng”. Ba mẹ con bà Nga bị bắt rồi lại được thả ra mà không ai thông báo rằng họ bị oan hay có tội. Bao nhiêu năm qua gia đình bà Nga ly tán, sống khổ cực cũng vì án oan này. Hôm nay họ được xin lỗi công khai, chúng tôi vui mừng lắm.

Buổi xin lỗi công khai đã thể hiện trách nhiệm của các cơ quan tố tụng của tỉnh; nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, vụ án oan xuyên thế kỷ của gia đình bà Nga mới chỉ khép lại một phần. Những vấn đề về bồi thường danh dự và nhân phẩm cho gia đình bà Nga suốt gần 30 năm qua; vẫn cần tiếp tục được các cơ quan chức năng sớm giải quyết.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top