Nhức nhối vấn nạn mua bán người

09:46 - Thứ Sáu, 12/01/2018 Lượt xem: 5041 In bài viết
ĐBP - Tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc các huyện: Mường Chà, Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé, Nậm Pồ, TX. Mường Lay... Trong năm các lực lượng chức năng đã phát hiện và khởi tố điều tra 15 vụ mua bán phụ nữ, trẻ em; làm rõ 32 đối tượng phạm tội, 23 nạn nhân bị mua bán.


Ðối tượng Vừ A Lử, bản Huổi Khương, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) bị Công an tỉnh bắt tháng 11/2017 trong vụ lừa Thào Thị Cá, xã Nậm Vì (huyện Mường Nhé) bán sang Trung Quốc.

Thượng tá Dương Quốc Hoàn, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) cho biết: 100% các vụ mua bán người đều đưa sang Trung Quốc. Các đối tượng phạm tội thường tìm đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lợi dụng nhận thức hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn của nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Qua điều tra cho thấy, có tới 95% nạn nhân của các vụ mua bán xảy ra trong năm 2017 là phụ nữ, trẻ em dân tộc Mông và đều ở độ tuổi còn khá trẻ, chủ yếu từ 16 - 30. Bọn tội phạm thường sử dụng chiêu bài không mới đó là, đi lấy chồng hoặc giả vờ yêu đương, rủ về ra mắt gia đình, đi tìm việc làm có thu nhập cao, rủ đi chơi; sau đó lừa nạn nhân đi khỏi địa bàn, lên các tỉnh biên giới, qua biên giới theo đường tiểu ngạch rồi bán cho các đối tượng người Trung Quốc làm vợ hoặc ép làm gái mại dâm. Ðể làm quen và cũng là để che giấu hành vi phạm tội của mình với nạn nhân, lực lượng chức năng; các đối tượng thường sử dụng zalo, facebook ảo gắn hình ảnh đại diện của thanh niên trẻ, điển trai, là người có điều kiện kinh tế để tạo niềm tin dễ kết bạn. Sau khi kết bạn dùng lời lẽ ngon ngọt tán tỉnh, tạo niềm tin như bố trí công việc an nhàn lương cao hoặc hứa hẹn cuộc sống giàu sang để dụ dỗ, mua chuộc. Trong quá trình liên lạc với nhau, các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn mua thẻ điện thoại nạp cho nạn nhân, tạo tâm lý yên tâm và tin tưởng để nạn nhân đi theo rồi “sập bẫy”.

Sau khi lừa rủ được nạn nhân đi, đối tượng không trực tiếp đến đón mà thuê xe taxi, xe ôm đón và đưa nạn nhân đến khu vực biên giới cho các đối tượng đã chờ sẵn tại đó. Ðiều này gây khó khăn cho việc phát hiện và bắt giữ các đối tượng chủ chốt. Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng phong tục tập quán của một số dân tộc, như “bắt vợ” của người Mông để đưa nạn nhân đến khu vực biên giới bán cho các đối tượng bên Trung Quốc. Vấn đề đáng báo động xảy ra ở một số vụ việc thể hiện tính chất manh động, liều lĩnh khi các đối tượng xông vào nhà khống chế mẹ để chiếm đoạt trẻ em (bé 2 tháng tuổi) đưa đi bán sang Trung Quốc xảy ra vào trung tuần tháng 6/2017 vừa qua trên địa bàn huyện Mường Nhé. Vàng A Vềnh trú tại xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) cùng 4 đối tượng khác bắt con trai chị Giàng Thị Mẩy, bản Nậm Pan 1, xã Mường Toong.

Trên thực tế, công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đấu tranh với tội phạm mua bán người còn gặp rất nhiều khó khăn. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin từ khi phạm tội xảy ra cho đến khi bị phát hiện thường kéo dài; có trường hợp khi phát hiện được thì nạn nhân bị đưa đi rất xa, thậm chí đã bị đưa qua biên giới khiến công tác ngăn chặn, bắt giữ đối tượng không kịp thời. Bên cạnh đó, đối tượng của loại phạm tội “ẩn” này thường hoạt động nay đây mai đó, phần lớn phạm tội lần đầu, nhiều đối tượng là người ngoại tỉnh nên việc nắm, quản lý, xác minh kéo dài. Và tình hình di cư tự do, xuất cảnh trái phép diễn biến phức tạp vừa là nguyên nhân cũng vừa là điều kiện thuận lợi để các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top