Cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án bị đề nghị 42 tháng tù

10:42 - Thứ Sáu, 09/03/2018 Lượt xem: 5234 In bài viết
Bị cáo Hoàng Thế Trung - cựu Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà bị đề nghị từ: 36-42 tháng tù.

Ngày 7-3, TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ vỡ đường ống dẫn nước sông Đà, gây thiệt hại hơn 16,6 tỷ đồng. 

Chiều ngày xét xử thứ 3, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố đã nêu quan điểm về vụ án này và đề nghị mức án đối với từng bị cáo. 

Theo đại diện Viện kiểm sát, các bị cáo là những người có nhiều năm công tác nhưng không tuân thủ quy định pháp luật, dẫn đến tuyến ống nước sạch Sông Đà có 18 lần bị vỡ, gây thiệt hại lớn và tạo dư luận xấu trong xã hội. Hành vi vi phạm của các bị cáo đã xâm phạm an toàn công trình công cộng và tài sản doanh nghiệp. 

 

Bị cáo Nguyễn Văn Khải và bị cáo Hoàng Thế Trung.

Trong quá trình thi công xây dựng, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà-Hà Nội (nhà thầu) giám sát chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng ống trước khi lắp đặt. Khi phát hiện có sản phẩm là ống dẫn nước không đảm bảo chất lượng nhưng không thực hiện kiểm tra lại chất lượng sản phẩm của lô ống tương ứng theo quy định, chưa kiểm soát chặt chẽ việc khắc phục các đoạn ống bị khuyết tật trong quá trình thi công. Việc giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu chưa chặt chẽ, không phát hiện ra các tồn tại trong quá trình thi công và lắp đặt tuyến ống.

Hành vi của các bị cáo phạm vào tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó đã vi phạm Luật Xây dựng năm 2003; vi phạm Nghị định số 52/1999/NĐ-CP, Nghị định số 88/1999/NĐ-CP và Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam.

Từ việc không tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình làm nhiệm vụ đã dẫn đến hậu quả từ năm 2012 đến năm 2016, tuyến ống dẫn nước sạch Sông Đà đã 18 lần bị vỡ với 23 ống composite cốt sợi thủy tinh. Tuyến ống vỡ còn gây hậu quả buộc doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian 386 giờ, lượng nước ngừng cấp là 1.744.904m³, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”, đại diện Viện kiểm sát nêu rõ. 

Theo đại diện Viện kiểm sát, trách nhiệm trên thuộc về Giám đốc Ban Quản lý dự án là bị cáo Hoàng Thế Trung; Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án phụ trách tiếp nhận và kiểm tra vật tư thiết bị là bị cáo Nguyễn Văn Khải và Trưởng phòng Vật tư thiết bị là bị cáo Trương Trần Hiển, là những người có nhiệm vụ quản lý điều hành dự án, phụ trách công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguyên vật liệu dùng cho dự án. 

Các bị cáo đã ký 73 biên bản nghiệm thu giai đoạn cung cấp ống, xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện được tiếp nhận, dùng trong dự án đảm bảo chất lượng với đại diện nhà thầu cung cấp ống.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng quản trị Vinaconex với tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án có công văn không yêu cầu bồi thường số tiền hơn 16,6 tỷ đồng là chi phí khắc phục sửa chữa nên đại diện Viện kiểm sát không đề nghị xem xét. Sau khi phân tích, đánh giá toàn bộ vụ án, đại diện Viện kiểm sát đã cá thể hoá vai trò của từng bị cáo trong vụ án này và đề nghị mức án cụ thể đối với từng bị cáo.

Về hình phạt bổ sung, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX cấm các bị cáo hành nghề liên quan trong thời gian từ 1-3 năm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Thanh Hải (cựu Trưởng phòng sản xuất, cựu Giám đốc phân xưởng, cựu Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex) đặt câu hỏi cho điều tra viên (Thiếu tá Nguyễn Văn Trung) liên quan đến việc cáo buộc các bị cáo vi phạm quy định về xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng. 

Điều tra viên cho biết, ông tham gia vụ án từ giai đoạn đầu. Quá trình điều tra, sau khi đường ống nước sông Đà tiếp tục vỡ, cơ quan điều tra đã ra hai văn bản yêu cầu trưng cầu giám định gửi Bộ Xây dựng vì Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý chuyên môn cao nhất trong ngành xây dựng. 

Vì vậy để làm rõ vụ án, nguyên nhân vỡ, chất lượng có độ bền đến đâu, cơ quan điều tra đã gửi hồ sơ, phối hợp với cơ quan giám định này trong quá trình thực hiện giám định. 

“Đây là vụ án có tính đặc thù, công trình đang sử dụng, dừng cấp nước thì không được phép nên phối hợp với chủ đầu tư, cơ quan trưng cầu giám định, các đơn vị liên quan để xác định rõ nguyên nhân.Từ thời điểm trưng cầu giám định tới khi ra kết luận lần 1 là 8 tháng. Sau khi có kết luận thứ nhất thì một số vấn đề cần làm rõ thêm nên cơ quan điều tra tiếp tục có quyết định trưng cầu giám định bổ sung gửi Bộ Xây dựng. Đơn vị ban hành văn bản chịu trách nhiệm về việc văn bản ban hành này theo quy định của pháp luật”, điều tra viên khẳng định.

Ngày 8-3, phiên toà xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước Sông Đà sang phần tranh luận. Trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Trần Cao Bằng (cựu Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thuỷ tinh Vinaconex) đề nghị HĐXX xem lại số liệu tính toán trong kết quả giám định của Bộ Xây dựng và nhìn nhận những cống hiến của bị cáo cho xã hội. 

Theo bị cáo Bằng, kết quả giám định cần xem lại đối chiếu với các quy trình, vật liệu mới. Bởi đây là dự án xã hội hoá đầu tiên, đường ống nước tự sản xuất có đường kính và chiều dài lớn nhất đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời cũng tự vận hành nên không thể khó tránh xảy ra sai số. 

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Vũ Thanh Hải (cựu Trưởng phòng sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, cựu Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex) mong muốn HĐXX xem xét công minh, khách quan để đánh giá đúng hành vi của bị cáo. 

Theo bị cáo Hải, việc thay đổi vật liệu ống từ ống gang dẻo sang ống cốt sợi thủy tinh cho dự án này, tư vấn thiết kế đã không tính toán hết các thông số số kỹ thuật cho loại vật liệu là độ bền và độ biến dạng do ống nằm trong đất. 

Bị cáo Hải cho rằng, cần đánh giá lại hành vi, phạm vi trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế một cách khách quan, công bằng. Việc tư vấn thiết kế bỏ qua những chỉ tiêu kỹ thuật quan trọng về độ bền lâu của tuyến ống khi nằm trong đất kết hợp với việc vận hành luôn quá tải là nguyên nhân chính làm ống nước bị vỡ trong dự án này.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng quản trị Vinaconex với tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án có công văn không yêu cầu bồi thường số tiền hơn 16,6 tỷ đồng là chi phí khắc phục sửa chữa nên đại diện Viện kiểm sát không đề nghị xem xét. Sau khi phân tích, đánh giá toàn bộ vụ án, đại diện Viện kiểm sát đã cá thể hoá vai trò của từng bị cáo trong vụ án này và đề nghị mức án cụ thể đối với từng bị cáo.

1. Bị cáo Hoàng Thế Trung (SN 1960, cựu Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà) bị đề nghị từ: 36-42 tháng tù.

2. Bị cáo Nguyễn Văn Khải (SN 1961, cựu Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà) từ 30-36 tháng tù.

3. Bị cáo Trương Trần Hiển (SN 1957, nguyên Trưởng Phòng Vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự ánđầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà) từ  24-30 tháng tù.

4. Bị cáo Trần Cao Bằng (SN 1954, cựu Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex-Viglafico) từ 36-42 tháng tù.

5. Bị cáo Vũ Thanh Hải (SN 1960, cựu Trưởng phòng Sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, nguyên Phó Giám đốc Viglafico) từ 30-36 tháng tù.

6. Bị cáo Đỗ Đình Trì (SN 1968, cựu cán bộ Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex- Viwasupco; cựu Trưởng đoàn tư vấn giám sát) từ 30-36 tháng tù.

7. Bị cáo Nguyễn Biên Hùng (SN 1950, cựu cán bộ Viwasupco; cựu Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát) từ 12-15 tháng tù (án treo).

8. Bị cáo Hoàng Quốc Thống (SN 1955, cựu cán bộ Viwasupco; cựu giám sát viên) từ 24-30 tháng tù (án treo).

9. Bị cáo Bùi Minh Quân (SN 1972, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh thiết bị thuộc Viwasupco; cựu giám sát viên) từ 15-18 tháng tù (án treo).

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top