Cần nâng cao chất lượng xây dựng tủ sách pháp luật

08:34 - Thứ Hai, 12/03/2018 Lượt xem: 6855 In bài viết
ĐBP - Ðể người dân, cán bộ, đảng viên thuận lợi trong việc tìm hiểu, nghiên cứu  tài liệu, văn bản pháp luật, những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống tủ sách pháp luật (TSPL) ở cơ sở. Ðến hết năm 2017, toàn tỉnh duy trì 775 TSPL (cấp xã có 116 tủ/130 xã; các cơ quan, doanh nghiệp, bưu điện, đồn biên phòng, đơn vị trường học có 659 tủ).

 

Tủ sách pháp luật của UBND phường Thanh Bình được bố trí thuận tiện cho người dân tìm kiếm thông tin.

Tủ sách pháp luật ở cơ sở góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từng bước xây dựng ý thức sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật trong nhân dân. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua việc xây dựng và khai thác TSPL, hàng năm, Sở Tư pháp đã ban hành công văn về việc nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, khai thác TSPL. Ðồng thời thông báo danh mục sách pháp luật mới phát hành để các cơ quan, đơn vị và địa phương kịp thời bổ sung, trang bị cho TSPL. Cùng với đó là cấp phát miễn phí sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật, đĩa DVD do Bộ Tư pháp phát hành cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh với tổng số hàng chục đầu sách, tài liệu; cấp phát miễn phí bản tin tư pháp (trên 1.000 cuốn/năm). Năm 2017, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã biên soạn và cấp phát miễn phí 81.836 tài liệu tuyên truyền pháp luật (trong đó 17.542 tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số) vừa phục vụ công tác tuyên truyền vừa bổ sung vào TSPL ở địa bàn vùng cao, vùng xa, biên giới. Tại các xã, phường, thị trấn đều duy trì TSPL; hàng năm, có bổ sung đầu sách, tài liệu pháp luật mới; một số xã đã quan tâm bố trí đặt tủ sách tại những địa điểm thuận lợi cho việc tìm hiểu, sử dụng sách pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân. Ðối với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, vẫn duy trì việc xây dựng các tủ sách, ngăn sách pháp luật; tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn.

Hiện nay, có 2 loại TSPL, đó là TSPL truyền thống và TSPL bằng file điện tử; các trang dữ liệu. Tuy nhiên, ở một số địa bàn hạ tầng thông tin còn hạn chế, việc truy cập vào các trang dữ liệu điện tử chuyên về pháp luật còn rất ít. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên nhiều xã hàng năm không thể bổ sung những đầu sách mới. Ngoài ra do trụ sở UBND một số xã chật hẹp nên TSPL chưa được bố trí địa điểm hợp lý; có khi đặt sau lưng cán bộ bộ phận “một cửa”, hay đặt trong phòng tư pháp xã; một số xã TSPL được đặt trong nhà văn hóa nhưng phần lớn thời gian nhà văn hóa lại... đóng cửa, gây khó khăn cho người có nhu cầu tìm kiếm thông tin. Một thực trạng khác là phần lớn người tìm hiểu thông tin trong TSPL chủ yếu là đối tượng cán bộ, công chức, đảng viên tìm hiểu khi có nhu cầu liên quan đến công tác chuyên môn, chế độ chính sách và một số ít người dân tìm hiểu khi có tranh chấp quyền lợi, mâu thuẫn. Ít người dân tìm hiểu, đọc, tra cứu, nên TSPL ở một số cơ sở chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Nhằm phát huy hiệu quả TSPL trong việc tuyên truyền pháp luật, thời gian tới Sở Tư pháp sẽ tăng cường giám sát việc sử dụng TSPL; việc thực hiện Quyết định 619/QÐ - CP, ngày 8/5/2017 của Chính phủ quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Cùng với đó, Sở Tư pháp sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá hiệu quả TSPL ở địa phương để trình lên Bộ Tư pháp xem xét. Các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần xây dựng trang thông tin cơ sở, gồm dữ liệu về văn bản pháp luật được kết nối với Bộ Tư pháp để người dân dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm các văn bản, văn bản quy phạm pháp luật mới nhất phục vụ cho đời sống.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top