Gạo nhập lậu từ Campuchia ồ ạt tràn qua biên giới

14:29 - Thứ Ba, 24/04/2018 Lượt xem: 6334 In bài viết
Nghịch lý này đã diễn ra từ nhiều năm. Gạo Việt Nam thành phẩm dùng để xuất khẩu, còn gạo tiêu dùng trong nước, nhất là các tỉnh thành phía Nam hầu hết đều có nguồn gốc từ Campuchia, Thái Lan… Hạt gạo ngoại đã từng ngày, từng ngày chiếm lĩnh thị phần người tiêu dùng thành thị và các khu vực biên giới hiện nay.

Hàng ngày, tại các cửa khẩu Tịnh Biên, Vĩnh Xương (An Giang), Thường Phước, Dinh Bà (Đồng Tháp), Xà Xía (Hà Tiên, Kiên Giang) và các đường tiểu ngạch, đường giáp ranh biên giới Tây Nam, hàng trăm đến hàng ngàn tấn lúa Campuchia hợp pháp và nhập lậu như dòng chảy khổng lồ vào Việt Nam bằng ghe tàu, xuồng nhỏ và đường bộ. Một số lúa, được chủ ghe tàu khai báo là lúa trồng bên Campuchia do doanh nghiệp Việt Nam thuê đất ruộng thu hoạch chở về. Nhưng đa phần số lượng lúa này là lúa thu gom từ bên Campuchia.

 

Lúa nhập lậu từ Campuchia về tập trung tại chợ đầu mối Bà Đắc xay thành gạo, đóng gói, gắn nhãn gạo Campuchia, phân phối thị trường cả nước.

Lúa chủ yếu vận chuyển qua các đường tiểu ngạch trên đường bộ và đường sông, từ Kênh Vĩnh Tế (An Giang) đến biên giới Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp) đến sông Vàm Cỏ Đông (Long An)… là do các đầu nậu là thương lái các tỉnh miền Tây mua thu gom lúa bên Campuchia. Sau đó họ thuê ghe tàu và nài vận chuyển qua biên giới, tập kết lại giao cho thương lái vận chuyển đến khu vực chế biến, xay xát tại Tịnh Biên và chợ đầu mối Bà Đắc, xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang.

Chợ Bà Đắc nằm ngay bên QL1A, tập trung hơn 70 nhà máy xay xát lúa gạo hoạt động nhộn nhịp suốt năm. Dưới sông, ghe tàu chở lúa, chở gạo đậu kín ven bờ.

Nhiều năm qua lúa Campuchia vận chuyển từ các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp đưa về chợ đầu mối Bà Đắc xay xát. Các chủ vựa pha trộn các giống lúa nàng thơm trồng tại Việt Nam với giồng lúa mùa (6 tháng) trồng bên Campuchia xay thành gạo đóng bao bì, mang nhãn mác gạo Campuchia. Phổ biến nhất là Sa Mơ, Móng Chim, Nhan Thơm…

Một nghịch lý, người tiêu dùng trong nước mang tâm lý chuộng ngoại thường chọn mua gạo Campuchia với giá chênh lệch chút đỉnh so với gạo nàng thơm trong nước. Hạt gạo nấu thành cơm dẻo, thơm, lâu thiu luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Hạt gạo truyền thống Việt Nam dù đã có nhiều giống lúa mới, chất lượng cao cũng phải chào thua trên sân nhà. Nhu cầu ngày càng tăng cao của người tiêu dùng đã kích thích việc buôn lậu lúa từ Campuchia vào Việt Nam.  Các cơ quan chức năng rất khó xử lý và chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu từ gốc. Ngày đêm lúa ngoại vẫn tràn qua biên giới.

Đầu năm 2018, lực lượng chống buôn lậu Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên đã phát hiện và bắt quả tang đối tượng Hou Nat (32 tuổi, ngụ tỉnh Kam Pot, Campuchia), một nông dân thu gom lúa Campuchia bán cho thương lái Việt Nam trong lúc vận chuyển số tiền 176 triệu Riel (tiền Campuchia, tương đương 01 tỷ đồng VN) qua cửa khẩu Hà Tiên không khai báo. Hou Nat đã khai nhận, đây là số tiền gom từ các đầu nậu, thương lái mua lúa bên Campuchia, mang về trả cho người bán lúa trong năm 2017.

Ông Trương Tấn Bửu, Trưởng phòng Nghiệp vụ Hải quan An Giang cho biết: Theo quy định.  người dân vùng biên giới được phép mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản. Vì thế rất khó kiểm soát lượng lúa gạo hai bên qua lại. Theo quy định, người dân vùng biên được trao đổi hàng hóa có giá trị tối đa 2 triệu đồng/ngày, không quá 4 lần trong một tháng. Tuy nhiên, thực tế thì việc "trao đổi" vẫn diễn ra từng ngày, khó kiểm soát xác thực. Hàng hóa trao đổi qua biên như lúa gạo không bị coi là hàng cấm, hàng lậu nên lại càng khó…

Lúa ngoại từ nước bạn láng giềng ầm ầm đổ bộ vào vựa lúa lớn nhất cả nước đã tác động, ảnh hưởng rất nhiều đến an ninh lương thực và việc quản lý xuất nhập khẩu lúa gạo Việt. Các biện pháp thay đổi chỉ mới mang tính chất đối phó, chưa giải quyết được căn cơ. Có địa phương cử cả đoàn cán bộ nông nghiệp sang Campuchia trao đổi, học tập kinh nghiệm về trồng lúa. Có địa phương thay đổi giống lúa nàng thơm, giống mới lai tạo trong nước để trồng lúa thơm Thái Lan, Campuchia như Khaodak, Khaodak Mali, thơm lài… xuất khẩu làm đảo lộn tư duy về nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long và giống lúa Việt Nam.

Lúa Campuchia xâm nhập vào thị trường Việt Nam chủ yếu là giống lúa mùa trồng 6 tháng. Đây cũng là những giống lúa phổ biến tại Việt Nam trước những năm 1980, 1975. Từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển mạnh các giống lúa ngắn ngày (90 ngày) năng suất, sản lượng lúa ở trong nước đều tăng cao rõ rệt, đáp ứng nhu cầu, an ninh lương thực quốc gia và vươn ra thế giới trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới.

Nhiều giống lúa ta đạt chất lượng cao như:  VĐ20, ST3, OM 1490, Jasmin 85… được gieo trồng với tổng diện tích gần 36%, có giá bán trên 97.000 đ/kg. Nhưng chất lượng thực tế hạt gạo được các bà nội trợ đánh giá không thể hơn các giống trồng truyền thống như Nàng Thơm Chợ Đào (Mỹ Lệ, Cần Đước, Long An).

Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu gạo từ lúa ngắn ngày, Campuchia, Thái Lan có thế mạnh xuất khẩu lúa gạo thơm giống dài ngày. Do đó, sự chênh lệch về biên độ giá và nhu cầu người tiêu dùng trong mỗi nước sẽ thu hút gạo lúa các nước qua lại lẫn nhau. Các chuyên gia về nông nghiệp Việt Nam đều cho rằng, hiện tượng lúa ngoại lấn sân át lúa nội đang diễn ra là quy luật bình thường trong thời mở cửa, hội nhập.

Vấn đề của Nông nghiệp Việt Nam và các nhà khoa học làm sao để tập trung xây dựng thương hiệu gạo Việt. Xây dựng và quy hoạch những vùng chuyên canh trồng lúa xuất khẩu ngắn ngày, dài ngày và lai tạo những giống mới đảm bảo chất lượng hạt gạo và năng suất cao.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top