Người mắc bệnh tâm thần gây án: Hậu quả khó lường

14:49 - Thứ Năm, 31/05/2018 Lượt xem: 7265 In bài viết
Thực tế có không ít vụ thảm án do đối tượng tâm thần gây ra. Đau xót hơn cả, nạn nhân của các vụ án nghiêm trọng đó hầu hết đều là người thân của đối tượng. Đặc biệt, vào thời điểm mùa hè nóng bức, bệnh nhân tâm thần rất có thể lên cơn bộc phát và gây ra những hậu quả đau lòng cho bản thân và gia đình...

Vụ việc mới xảy ra trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội, là một lời cảnh tỉnh. Khi người tâm thần sống trong cộng đồng dân cư không được quản lý và điều trị đúng cách.

Những vụ án đau lòng

Rạng sáng ngày 17-5-2018, người dân ở tầng 2 khu nhà 11A - khu đô thị Sài Đồng, phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) đột nhiên nghe thấy những tiếng kêu thất thanh. Khi mọi người tiếp cận thì phát hiện cháu Trần Quang M. (13 tuổi, trú tại phòng 202) đứng trong nhà khẩn thiết nhờ mọi người phá cửa đưa ra ngoài. Ở phía trong có một thân thể phụ nữ nằm gục với nhiều vết máu loang lổ.

 

Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường vụ bệnh nhân tâm thần Lê Thị Bích Thuận chém mẹ đẻ.

Một số người dân tìm cách phá cửa, song không được. Họ gọi điện thoại báo lên công an phường cùng lực lượng cứu thương 115. Sau ít phút thì Công an phường Việt Hưng đã có mặt, phá cửa và đưa cháu M. ra ngoài.

Qua khai thác nhanh, cơ quan Công an nắm được khoảng 4 giờ 30 phút sáng, chị Lê Thị Bích Thuận (42 tuổi, mẹ cháu M.) đã dùng dao chém nhiều nhát vào mẹ đẻ là bà Cao Thị T. (70 tuổi, ở cùng nhà). Phát hiện sự việc, cháu M. can ngăn nhưng không kịp.

Sau khi gây án, đối tượng Thuận thay quần áo, lấy điện thoại của bà T. và cháu M. mang đi. Trước khi đi, Thuận dặn con trai không được gọi cho chị Lê Thị V.A (36 tuổi) là em ruột của Thuận. Sau đó, Thuận khóa cửa nhà và cầm chìa khóa bỏ đi. Chờ mẹ đi khuất, cháu M. lấy đồ cứu thương để cầm máu cho bà và kêu cứu hàng xóm.

Theo một điều tra viên Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Long Biên, đối tượng Lê Thị Bích Thuận sau khi ra khỏi nhà đã đi xe máy lên cầu Phù Đổng thuộc địa phận xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm, Hà Nội) rồi nhảy xuống sông tự tử. Sau khi nhảy xuống sông, Thuận bị nước cuốn trôi một đoạn về phía hạ lưu thì được cán bộ chiến sỹ Trạm cảnh sát giao thông đường thủy Dốc Lời, Công an TP Hà Nội, phát hiện cứu vớt và bàn giao cho cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên giải quyết.

Theo người thân của bà T., Lê Thị Bích Thuận vốn bị bệnh tâm thần nhiều năm nay. Sau mỗi đợt chữa trị, bệnh tình Thuận có chút thuyên giảm, song cũng chỉ được một thời gian ngắn. Người nhà cho biết, “từ năm 2013 đến nay chị Thuận nhiều lần tự nhiên cứ nổi khùng lên, đập vỡ bát đĩa, đồ đạc. Rồi thường xuyên đi đi lại lại nói lảm nhảm cả ngày, nên phải đưa đi viện điều trị nhiều tháng. Từ đầu năm 2018, Thuận đã phải điều trị nội trú ở bệnh viện tâm thần. Khoảng một tháng trước, bà T. thương con quá mới xin cho Thuận điều trị ngoại trú rồi xảy ra sự việc”.

Tại cơ quan điều tra, Lê Thị Bích Thuận khai nguyên nhân chém mẹ đẻ là do bức xúc vì bà T. “không tôn trọng” mình và Thuận sợ bà T. lại bắt vào bệnh viện để chữa bệnh nên đã dùng dao chém. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với bị can Lê Thị Bích Thuận về hành vi “Giết người”.

Vài năm trước, tại xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cũng xảy ra một vụ án mạng nghiêm trọng, mà kẻ gây án cũng có tiền sử tâm thần. Trong một đêm hè nóng bức, Nguyễn Văn Mạnh (40 tuổi, trú tại thôn Miêng Hạ, Hoa Sơn) đột nhiên phát bệnh rồi dùng khăn ướt bịt đường thở của vợ và 2 con đẻ của anh ta, gây nên cái chết thương tâm cho 3 nạn nhân.

 

Mùa hè là mùa phát bệnh và tái phát bệnh của nhiều bệnh nhân tâm thần.

Gần đây nhất, một thanh niên ở huyện Thanh Trì do bị trầm cảm đã nhảy từ tầng 32 chung cư xuống đất, để lại nỗi đau cho người thân, bạn bè. Khoảng 20 giờ 55 phút ngày 26-5-2018 một nam thanh niên bất ngờ nhảy từ tầng cao của tòa CT8B chung cư Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) xuống đất và tử vong tại chỗ. Danh tính nạn nhân được làm rõ là anh Nguyễn Thành Đ. (20 tuổi, trú tại Cầu Bươu, Thanh Trì).

Nguyên nhân của vụ việc được cho là Đ. vốn bị mắc bệnh trầm cảm. Buổi tối hôm đó đã xảy ra mâu thuẫn với mẹ. Sau đó, thanh niên này đi thang máy lên tầng 32 của chung cư Đại Thanh rồi bất ngờ nhảy xuống.

Cảnh báo nguy cơ người tâm thần gây án

Trong một dịp làm việc vói Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (BVTTTW 1) chúng tôi đã có một ngày tiếp xúc với những bệnh nhân tâm thần gây án, phải nhập viện để điều trị bắt buộc. Ngay từ giây phút giáp mặt đầu tiên với các bệnh nhân, tôi đã thoáng rùng mình. Người đàn ông có thân hình cao to, rắn chắc, song khuôn mặt thì phải nói là... lạnh như băng. Đặc biệt là đôi mắt lúc nào cũng nhìn trừng trừng, như thể sắp ăn tươi nuốt sống người đối diện. Ông ta là Đặng Văn Thanh (50 tuổi, trú tại Hồng Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc).

Lấy hết can đảm, tôi mời ông ta ngồi bên và từ từ hỏi chuyện. Đặng Văn Thanh kể lại hành động sát hại những người thân trong gia đình một cách “tự nhiên, bình thản” càng khiến chúng tôi ám ảnh, xót xa.

Ông Thanh vốn là một nông dân cần cù chất phác ở xã Hồng Châu, cả đời chỉ biết đến đồng lúa, củ khoai. Nhưng thật đáng sợ, trong bộ não của ông ta lại ẩn chứa căn bệnh nguy hiểm - tâm thần phân liệt. Khi gặp một kích thích, ông ta có thể có những hành động ghê rợn mà ít ai có thể tưởng tượng được.

Vào một buổi chiều đầu tháng 3-2015, khi cơn bệnh bộc phát, Đặng Văn Thanh bất ngờ dùng dao lấy đi tính mạng con đẻ của mình là chị Đặng Thị Thủy. Kinh hãi hơn, khoảng chục năm trước, cũng chính Thanh đã sát hại một người cháu ruột bằng dao và cũng phải đi chữa bệnh bắt buộc.

Theo TS., bác sỹ La Đức Cương, nguyên Giám đốc BVTTTW 1, qua theo dõi nhiều năm các bác sỹ tại bệnh viện ghi nhận mùa hè là mùa phát bệnh và tái phát bệnh của nhiều loại bệnh tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực và lo âu lan tỏa. Mùa hè cũng là mùa được ghi nhận có tỷ lệ tự sát tăng cao hơn rõ rệt so với các mùa khác. Thống kê cho thấy mùa hè chiếm tới 35% tổng số bệnh nhân phát bệnh hoặc tái phát của các bệnh tâm thần nêu trên.

 

Nguyễn Văn Mạnh.

Điều này được giải thích là do các yếu tố vật lý không thuận lợi ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người bệnh. Các yếu tố thường được nhắc đến là nhiệt độ quá cao, độ ẩm không khí lớn, tia tử ngoại trong ánh nắng quá mạnh tác động trực tiếp đến não bộ của người bệnh. Bên cạnh đó, mùa hè cũng là mùa của các bệnh truyền nhiễm phổ biến như tiêu chảy, sốt rét... các bệnh này gián tiếp gây ra bệnh tâm thần.

Còn theo PGS.TS. Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, bệnh nhân tâm thần có nguy cơ gây án hình sự cao hơn người thường gấp 3-4 lần. Các bệnh nhân tâm thần gây án hình sự rất đa dạng nhưng hay gặp hơn cả ở nhóm bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, tâm thần phân liệt, nghiện rượu, nghiện ma túy và nghiện game online. Các bệnh nhân rối loạn tâm thần nêu trên thường gây ra các vụ án như: Cố ý gây thương tích; giết người; giết người rồi tự sát; phá hoại tài sản; lừa đảo; gây rối trật tự nơi công cộng.

Nạn nhân của các bệnh nhân tâm thần này thường là người thân trong gia đình, hàng xóm láng giềng, ít hơn là bạn bè đồng nghiệp và rất hiếm gặp là người không quen biết.

Một điều rất đáng lưu ý là với một bệnh nhân tâm thần đã phạm tội thì họ sẽ phạm tội lần thứ hai, lần thứ ba nếu bệnh vẫn chưa được điều trị. Và một điều đáng buồn là các bệnh tâm thần nêu trên chỉ có thể điều trị ổn định chứ không thể khỏi hẳn, do đó bệnh sẽ tái phát khi ngừng điều trị, kéo theo là lặp lại hành vi phạm tội.

Cũng theo TS. Huy, số bệnh nhân tâm thần có thể gây ra các hành vi phạm tội ở Việt Nam rất đông. Bệnh nhân tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện có đến hàng triệu người mắc. Số bệnh nhân nghiện rượu, ma túy và game online cũng rất lớn. Do vậy mà không bệnh viện nào có thể chứa hết.

“Cũng cần biết rằng tất cả các bệnh tâm thần đều phải uống thuốc (thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc bình thần, thuốc chỉnh khí sắc, thuốc kháng rượu, thuốc kháng heroin) trong nhiều năm mà rất nhiều người sẽ phải uống thuốc suốt đời. Khi đã điều trị ổn định, nguy cơ gây án của các bệnh nhân tâm thần là rất nhỏ, chỉ tương đương với người không có bệnh tâm thần. Hơn nữa, khi điều trị ổn định, bệnh nhân tâm thần còn tham gia lao động nuôi sống họ và gia đình họ. Do vậy mà việc điều trị tại cộng đồng là cần thiết” - TS. Huy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để có thể quản lý ở cộng đồng, tại gia đình phải thực hiện đồng bộ các biện pháp gồm: Một là, đưa người có dấu hiệu bất thường về tâm thần đi khám tại các trung tâm chuyên điều trị về sức khỏe tâm thần. Hai là, bắt buộc bệnh nhân phải uống thuốc theo đúng đơn thuốc của bác sĩ tâm thần đã kê. Không được tự ý thêm bớt liều hoặc thêm bớt thuốc. Các thuốc chữa tâm thần ngày nay an toàn trong liều điều trị, không độc với gan, thận, cơ quan tạo máu... nên có thể yên tâm uống thuốc suốt đời. Không được để bệnh nhân tự uống thuốc vì khi bệnh ổn định, họ thường có xu hướng giảm liều, ngừng thuốc nên bệnh lại tái phát.

Ba là, phải đưa bệnh nhân đi tái khám đúng hẹn. Việc tái khám giúp bác sĩ phát hiện các triệu chứng bất thường, qua đó điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp. Trong trường hợp bác sĩ không điều chỉnh thuốc thì đi tái khám đúng hẹn cũng giúp bệnh nhân nâng cao ý thức về bệnh của mình.

Bốn là, người thân cần học hỏi các dấu hiệu đe dọa tái phát để điều trị ngăn chặn tái phát kịp thời. Các dấu hiệu này thường rất dễ nhận biết như mất ngủ trầm trọng kéo dài 3 ngày, lo lắng quá mức kéo dài trên 3 ngày, cáu gắt vô cớ quá mức.

Năm là, không nên tự ý khám và điều trị cho mình bằng cách tìm hiểu các thông tin về bệnh và về thuốc qua mạng internet. Tìm hiểu về bệnh của mình và người nhà là tốt nhưng các thông tin qua mạng internet chỉ để tham khảo chứ không thay thế được bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Đơn cử như bác sĩ thần kinh còn hầu như không hiểu gì về các bệnh tâm thần thì các bác sĩ chuyên khoa khác hoặc người dân càng không thể tự khám và tự chữa cho mình được.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top