Nỗi đau bậc sinh thành

16:40 - Thứ Ba, 05/06/2018 Lượt xem: 6010 In bài viết
Sinh con ra, nuôi cho khôn lớn trưởng thành, có bậc cha mẹ nào nỡ làm đau con. Vậy mà, cụ ông vào tuổi gần đất xa trời, trong một thoáng phải vùng lên tự vệ, đã tước đoạt mạng sống của con trai mình. Thật không còn nỗi đau nào lớn hơn...

1. Chúng tôi có mặt tại thôn Tiên Trượng (Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội) vào một ngày đầu hè nắng như đổ lửa. Ngôi nhà của vợ chồng ông Nguyễn Bá Mắn, Nguyễn Thị Định nằm cách quốc lộ 6 không xa, song rất yên ắng, tĩnh lặng. Hiện chỉ có hai ông bà tuổi thất thập ở với nhau. Hằng ngày hai vợ chồng vẫn chăm vườn rau, sáng sớm bà Định cắt mang đi bán. Thỉnh thoảng, ông Mắn lại lập cập đi xe khách lên Cơ quan công an để làm việc.

 

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: “Nguyên nhân những vụ án giữa người thân trong gia đình thường do mâu thuẫn âm ỉ kéo dài, không giải quyết được”.

Ở vào cái tuổi gần đất xa trời, người ta được cậy nhờ con cháu thì ông bà lại phải chịu một cái tai ách. Ông Mắn chẳng bao giờ dám nghĩ rằng, kẻ khiến những năm cuối đời của hai vợ chồng khốn khổ lại chính là thằng con giai dứt ruột đẻ ra, tên Nguyễn Bá Lực (47 tuổi).

“Là cha là mẹ, ai mà không thương con, xót con. Nhưng khốn thay chúng tôi lại sinh ra một thằng nghịch tử. Rồi trong một khoảnh khắc, chúng tôi lại mang tiếng giết con. Thật không còn nỗi đau nào lớn hơn” - bà Định nói, giọng nghẹn đi.

Ông Mắn vẫn còn nhớ như in cái ngày khủng khiếp đó.

“Khoảng 21 giờ ngày 15-9-2017, chúng tôi đang ngồi xem tivi thì thằng Lực mò về. Vừa bước vào nhà, nó lập tức gây sự: “Thằng già này, bật tivi đ. gì mà to thế?”. Biết nó đang say (hầu như tối nào nó cũng đi uống bia rượu đến say mềm), chúng tôi chỉ im lặng, không nói gì. Rồi nó ngó ra vườn bên kia, bảo: “Con mẹ Hoa đâu rồi? Hôm nay tao phải cho nó chết”. (Tối qua nó đã đánh bà Hoa một trận rồi, làng xóm phải can mãi mới được). Thấy vậy, vợ tôi mới khuyên răn: “Thôi con đi ngủ đi, đêm rồi. Có việc gì để sáng mai...”.

Chẳng ngờ, bà Định chưa nói dứt câu thì bị nó túm ngay lấy áo, lôi ra giữa nhà, vừa chửi vừa nghiến răng kèn kẹt. Tôi vội chạy vào can, cũng bị nó gạt ra ngoài. Vợ chồng tôi van xin rối rít nó cũng không nghe. “Hôm nay tao phải cho hai thằng già này chết” - Lực rít lên rồi chạy vào bếp tìm hung khí.

Sợ quá, ông Mắn vội chạy ra cổng định trốn, không ngờ nó đã chốt từ lúc nào. Khi hai vợ chồng ông Mắn đang ở sân thì Lực từ bếp chạy ra, tay cầm cái cán cuốc. Gã vung lên vụt tới tấp vào người mẹ đẻ, khiến cán cuốc gãy đôi. Trước hoàn cảnh ấy, ông Mắn vội lao vào đỡ đòn cho vợ, vừa đẩy Lực ra.

Do trời mưa lâm thâm, sân trơn, chút lực tàn của ông Mắn đã đẩy ngã được Lực. Khi thấy gã đang lồm cồm bò dậy, ông Mắn cầm lấy một phần cán cuốc gãy đánh vào gáy Lực mấy cái. Không ngờ, gã chết trên đường đưa đến bệnh viện.

Công an TP Hà Nội sau đó đã khởi tố vụ án “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo Khoản 1, Điều 126, Bộ luật Hình sự 2015, khởi tố bị can đối với ông Mắn. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh, sức khỏe yếu nên ông Mắn được tại ngoại.

2. Cũng theo lời kể của vợ chồng ông Mắn, hàng chục năm qua, ông bà đã phải chịu bao nỗi khổ sở, đau đớn, điều tiếng vì Lực. Ông bà cũng ra sức khuyên răn, giáo dục, nhờ chính quyền địa phương vào cuộc... song Lực vẫn chứng nào tật nấy. Gã hành hạ ông bà, hắn trở thành “hung thần” mỗi lần thiếu tiền mua ma túy, mỗi đêm hắn say rượu ngật ngưỡng về nhà.

“Vợ chồng tôi sinh được 4 đứa con, 3 trai, 1 gái. Lực là đứa thứ hai. Lúc nhỏ Lực cũng biết nghe lời, biết giúp bố mẹ làm việc nhà. Học kém nên Lực không thích đến trường, cố mãi mới học xong bậc THCS. Gia đình chẳng có điều kiện nhưng vẫn cố cho nó học nghề để kiếm sống. Nó không chịu rèn luyện, tu chí mà cứ trượt dài mãi” - ông Mắn kể.

 

Bà Nguyễn Thị Định kể lại những giây phút kinh hoàng khi bị Lực hành hung (ảnh trái) và ông Nguyễn Bá Mắn.

Cuối những năm 1980, ở làng có nghề phụ làm mây tre đan. Lực cũng tham gia học nghề và làm được những sản phẩm tốt, đạt yêu cầu. Thế rồi Lực yêu và cưới một cô gái cùng xã. Hai vợ chồng được ông Mắn cho một mảnh đất, ra ở riêng. Cả hai vẫn tiếp tục làm nghề thủ công. Năm 1993, đứa con trai đầu lòng ra đời.

Cưới nhau một thời gian thì vợ chồng Lực thường xuyên lục đục, bởi Lực thường xuyên say rượu rồi về nhà đánh vợ chửi con. Lực cũng không làm mây tre với vợ nữa mà chuyển sang nghề cắt tóc, làm công cho một tiệm trên thị trấn. Trong thời gian này, gã nhiễm rất nhiều thói hư tật xấu, khiến cho người vợ không thể chịu nổi. Khi cậu con trai lên 6 tuổi, vợ Lực làm đơn ly hôn và được tòa chấp nhận. Cháu bé được ông bà Mắn cưu mang.

Lực tiếp tục trượt dài trên con đường tội lỗi. Nghiện ma túy, rồi gây án, Lực bị kết án 7 năm tù giam. Trong suốt chừng ấy năm, cứ 1-2 tháng, người cha già lại tay xách nách mang đi thăm nuôi con. Hết trại Bình Đà (Thanh Oai) lại đi Ba Vì, xuống Văn Giang (Hưng Yên)... Sau khi ra tù, Lực đôi lần khiến ông bà Mắn mừng... hụt, khi tuyên bố sẽ làm lại cuộc đời. Lực xin tiền bố mua bộ đồ nghề cắt tóc, mang ra đầu ngõ hành nghề. Nhưng được đúng một tuần, Lực vứt hết để quay về con đường nghiện ngập lêu lổng.

Ở quê chán, Lực được một người cùng làng rủ vào Vũng Tàu làm ăn. Được vài tháng, Lực đã chuồn ra sau khi gây một vụ đánh lộn trong đó. Rồi Lực lại xin tiền bố mẹ đi sang Trung Quốc làm ăn. Đi được 2 đợt thì gã cũng chán, lại mò về nhà. Hơn 40 tuổi, Lực vẫn ăn bám bố mẹ. Gã đã nhúng quá sâu vào con đường nghiện ngập, không có lối ra.

“Càng ngày Lực càng quá đáng, khi mà đi đâu thì chớ hễ về đến nhà là gây sự. Hết chửi nhau đánh nhau với hàng xóm, Lực đánh cả bố mẹ. Có lần tôi đang nấu nướng trong bếp, nó xin tiền mua ma túy. Thấy tôi bảo không có, nó hất luôn cả mâm cơm ra sân. Rồi ngày nào cũng bắt tôi phải đi mua rượu về cho nó uống. Nếu không mua là nó đấm nó đá, người tôi thâm tím, mặt thi thoảng lại sưng lên bằng quả ổi” - bà Định kể.

- Thế hàng xóm, chính quyền địa phương không ai giúp đỡ, bảo vệ hai bác?

“Lúc đầu thấy nó hành hung bố mẹ, cũng có mấy người hàng xóm chạy sang can ngăn, khuyên giải, sau nó đánh luôn người ta thành ra sau này không ai dám sang nữa. Hôm nó đánh bà Hoa hàng xóm, công an xã cũng gọi lên làm việc. Nhưng khi nó về nhà thì lại đâu đóng đó, không ai làm gì được anh ạ” - Bà Định thở dài.

Ông Mắn bị nặng tai nên thường phải mở loa ti vi hơi to. Thế là nó đi đâu về nhà lại có cớ gây sự. “Cứ khoảng 9-10 giờ đêm là nó mò về sau khi đã say mèm. Thấy chúng tôi bật ti vi hơi to là nó chửi, nó đánh. Có hôm nó về muộn, hai vợ chồng đang ngủ say thì nó về bật điện, rồi dựng chúng tôi dậy đấm đá. Nó tát vào tai ông Mắn và bảo: “Cho ông điếc luôn”. Lại có hôm nó dốc ngược ông Mắn lên... Lúc nào hai vợ chồng cũng lo nơm nớp sẽ có ngày bị nó đánh chết” - bà Định kể, giọng vẫn còn chưa hết bàng hoàng.

Sự ngang ngược, tai quái của Lực khiến cho chính đứa con trai của anh ta cũng không chịu được. Cháu xin ra Hà Nội làm để khỏi phải thấy mặt bố. Mấy người anh em của Lực khi biết chuyện gã đánh bố mẹ thì cũng nặng nhẹ khuyên bảo. Song, gã chỉ ưa nói chuyện bằng tay chân, đánh luôn cả anh, em.

“Chúng tôi nuôi nó, nuôi cả con nó mà thằng Lực không biết điều. Bao đau đớn, uất ức dồn nén khiến cho ông Mắn không làm chủ được mình, đã gây ra cái chết cho nó. Chúng tôi vô cùng đau đớn, day dứt”.

3. Là người tham gia bào chữa miễn phí cho bị can Mắn từ khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội) cho chúng tôi biết. Quá trình tiếp xúc với bị can, làm việc với các cơ quan tố tụng, chính quyền địa phương... luật sư Thơm cảm thấy thực sự thương xót với bản thân bị can Mắn và gia đình ông ta.

 

Nghịch tử Nguyễn Bá Lực.

Bị can Mắn năm nay đã 72 tuổi, vợ cũng 70, cả hai sức khỏe đều suy giảm nghiêm trọng. Bản thân bị can Mắn còn bị nhiều bệnh, bị nặng tai phải đeo thiết bị hỗ trợ. Còn bị hại Lực trong tuổi trung niên, sức khỏe còn khá tốt.

Trên khía cạnh luật pháp, hành vi của Lực hành hung bố mẹ đã cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” và tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 và Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015. Hành vi của Lực không những đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn đi ngược lại những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Xét hành vi của người bị hại đã cấu thành tội phạm nên hành vi của bị can Mắn chống lại nhằm bảo vệ tính mạng cho bản thân và người vợ là thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Mặt khác, xét về tương xứng 2 bên thì thấy, bị can Mắn và vợ đều là người bố, mẹ tuổi già, sức yếu nên việc chống lại người con bất hiếu là cần thiết.

Cũng theo luật sư Thơm, cơ quan điều tra khởi tố bị can Mắn về tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo Khoản 1, Điều 126, Bộ luật Hình sự 2015 là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

“Nhiều năm hành nghề luật sư, bản thân tôi đã tham gia bào chữa cho khá nhiều vụ án mà bị can và bị hại có quan hệ huyết thống, khăng khít như con giết cha, cháu giết bà, vợ giết chồng... Hoàn cảnh của họ đều rất éo le, nguyên nhân gây án thường do mâu thuẫn âm ỉ kéo dài, không giải quyết được” - luật sư Thơm nhấn mạnh.

Qua những vụ án này, bài học rút ra là các thành viên trong gia đình và chính quyền địa phương, khi phát hiện ra những mâu thuẫn kéo dài cần có biện pháp giải quyết triệt để, tránh việc mâu thuẫn tích tụ đến thời điểm nào đó sẽ bùng phát, gây ra những hậu quả đau lòng.

Trở lại vụ việc của gia đình bị can Mắn, mong rằng khi đưa ra xét xử, TAND TP Hà Nội sẽ xem xét cho người cha được sự khoan hồng của pháp luật. Sự việc xảy ra, vợ chồng ông bà không mong muốn và đã rất day dứt trước cái chết của người con trai. Lo ma chay, thờ cúng cũng đều do ông bà đứng ra lo. Mặt khác, cậu con trai của bị hại Lực đều do ông bà nuôi dưỡng từ nhỏ.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top