Ðưa pháp luật tới gần nhân dân

09:44 - Thứ Sáu, 22/06/2018 Lượt xem: 6368 In bài viết
ĐBP - Xét xử lưu động là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan không chỉ răn đe, giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật mà còn góp phần tuyên truyền nhằm mục đích phổ biến giáo dục pháp luật đối với người dân trên địa bàn và các đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật. Với ý nghĩa đó, những năm qua tòa án nhân dân hai cấp đã đưa nhiều vụ án ra xét xử lưu động, mang lại hiệu quả thiết thực, đưa pháp luật tới gần dân hơn.

Từ năm 2017 đến nay, tòa án nhân dân 2 cấp đã tổ chức xét xử lưu động 223 vụ án, trong đó riêng Tòa án Nhân dân tỉnh 18 vụ, Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo 26 vụ; nhiều nhất là Tòa án Nhân dân huyện Ðiện Biên với 70 vụ xét xử lưu động… Ðó là những vụ án nằm trên địa bàn phức tạp, được dư luận quan tâm.

 

Một phiên xét xử lưu động do Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức tại trụ sở UBND xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên).

Ông Phạm Văn Nam, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh, cho biết: Xét xử lưu động là hình thức xét xử công khai được tổ chức tại trụ sở các xóm, xã, nơi xảy ra vụ án hoặc nơi được coi là điểm “nóng” của tội danh đưa ra xét xử. Thông qua quá trình xét hỏi, tranh tụng và tuyên án, hội đồng xét xử phân tích, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan để những người có mặt tại phiên tòa hiểu rõ, từ đó rút ra bài học cho bản thân. Ðối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số, trình độ pháp luật của người dân còn hạn chế thì đây là kênh phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả, dễ dàng “thấm” sâu vào đời sống của nhân dân, gắn với các vụ việc, sự kiện, con người cụ thể. Ðồng thời, đây cũng là biện pháp tăng cường tính công khai, minh bạch, nghiêm minh của tòa án, tạo niềm tin trong nhân dân về vai trò quản lý xã hội của Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Là người từng được tham dự xét xử lưu động 3 vụ án liên quan đến mua bán trái phép chất ma túy do Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức tại địa phương mình, ông Hoàng Văn Vĩnh, Trưởng bản Na Phay, xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) bộc bạch: Nếu không tham dự phiên tòa xét xử lưu động vừa qua của Tòa án Nhân dân tỉnh thì tôi và bà con trong bản không biết việc mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy ngoài vi phạm pháp luật ra thì họ còn là người gián tiếp gieo cái chết trắng cho người khác và việc không tố giác tội phạm cũng là một hành vi phạm tội. Ðược trực tiếp xem xét xử chúng tôi mới biết luật pháp nghiêm minh như thế nào; Nhà nước cần thường xuyên tổ chức các phiên xét xử lưu động như thế này để người dân được chứng kiến, nâng cao hiểu biết pháp luật và cảnh tỉnh những ai có ý định kiếm tiền bằng con đường phạm pháp.

Trên thực tế, do hiểu biết còn hạn chế nhiều người phạm tội nhưng không hề biết hành vi đó là vi phạm pháp luật, chính vì vậy việc xét xử lưu động là cách đưa pháp luật đến với người dân nhanh nhất. Hiệu quả không chỉ ở khía cạnh nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đảm bảo tính nghiêm minh, răn đe mà qua đó còn giúp người dân có thêm thông tin về các thủ đoạn phạm tội mới, nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh và phòng ngừa tội phạm.

Những vụ án được xét xử lưu động tập trung chủ yếu về tội ma túy, mua bán người, mua bán trẻ em, các loại tội phạm có xu hướng gia tăng, gây bức xúc được dư luận quan tâm. Nơi được lựa chọn xét xử lưu động thường là những nơi vụ án xảy ra, nơi đăng ký hộ khẩu (hoặc cư trú tạm thời) của đối tượng phạm tội (bị cáo) hoặc địa bàn mà tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, vùng sâu, vùng xa trình độ hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế. Cũng vì lẽ đó, việc xét xử lưu động được tòa án nhân dân chuẩn bị kỹ lưỡng; thông báo công khai, khuyến khích quần chúng nhân dân đến tham dự phiên tòa.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top