Ðấu tranh phòng, chống mua bán người ở Ðiện Biên Ðông

09:48 - Thứ Sáu, 22/06/2018 Lượt xem: 6523 In bài viết
ĐBP - Là địa bàn vùng cao, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế, cùng với những vấn đề về lao động, việc làm… những năm qua, trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông xảy ra tình trạng các đối tượng xấu câu kết, dụ dỗ người dân bằng các chiêu bài: việc làm thu nhập cao, tình cảm… để mua bán người, gây ra những hệ lụy lâu dài.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Công an huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Tình hình tội phạm buôn bán người đã nổi lên trong gần 10 năm trở lại đây, với nhiều vụ án, đối tượng đã được cơ quan chức năng bóc gỡ, xử lý. Ðiển hình là khu vực “3 Luân” (gồm 3 xã: Mường Luân, Chiềng Sơ, Luân Giói), có những vụ án mà tội phạm buôn bán người mang tính dây chuyền. Ðơn cử như bị can Lò Thị Tươi (bản Pá Vạt, xã Mường Luân, hiện đang thụ án 11 năm tù vì tội mua bán trẻ em tại Trại giam Thanh Xuân, TP. Hà Nội), từng là nạn nhân của tội phạm mua bán người khi bị chính chồng bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Sau đó Tươi thỏa thuận với chủ chứa để về địa phương tiếp tục rủ rê, lôi kéo người bán sang Trung Quốc. Cứ như vậy, các đối tượng từ nạn nhân trở thành tội phạm mua bán người, thậm chí là mua bán trẻ em. Tòa án Nhân dân tỉnh từng có chuỗi xét xử 5 vụ mua bán người mà các đối tượng hôm trước còn ngồi ghế bị hại về buôn bán người, hôm sau lại đứng trước vành móng ngựa, bị xét xử với những khung hình phạt cao hơn.

Thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, những năm gần đây, lực lượng Công an huyện Ðiện Biên Ðông phối hợp với các phòng chuyên môn Công an tỉnh, chính quyền, đoàn thể các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tội phạm mua bán người tại các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện. Ðồng thời, tổ chức tổng điều tra, rà soát số phụ nữ, trẻ em tại các cộng đồng dân cư; xây dựng đội ngũ gồm 20 báo cáo viên cấp huyện, 75 báo cáo viên cấp xã về phòng, chống mua bán người; thành lập ban chỉ đạo phòng, chống mua bán người cấp xã, cấp thôn, bản tại các địa bàn. Tập trung lực lượng điều tra cơ bản, nắm tình hình, xác định địa bàn trọng điểm về mua bán người trên 5 xã: Mường Luân, Noong U, Pú Nhi, Sa Dung và Háng Lìa.

Về công tác điều tra, làm rõ, xử lý các trường hợp phạm tội cũng như phối hợp giải cứu các nạn nhân, từ năm 2016 đến nay, Công an huyện Ðiện Biên Ðông đã thành lập 3 chuyên án, bắt giữ 5 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định 10 nạn nhân. Trong đó, 6 nạn nhân được phía Trung Quốc trao trả hoặc tự giải thoát trở về địa phương; 2 nạn nhân được Công an huyện phối hợp giải cứu.

Mặc dù gần đây, tình hình tội phạm mua bán người không còn nóng như giai đoạn 2013 - 2014 nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều yếu tố phức tạp. Giới hạn giữa hoạt động xuất cảnh trái phép, môi giới việc làm dẫn đến phạm tội hình sự, trong đó có tội mua bán người ngày càng manh động. Những năm trước đây, tội phạm mua bán người (phụ nữ, trẻ em) tập trung ở khu vực vùng thấp thì hiện nay đã lên đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa với những thủ đoạn phức tạp. Ðiều này thể hiện ở việc số người vắng mặt trên địa bàn (cả đúng thủ tục quy định lẫn không phép) ngày một tăng. Ước tính số người vắng mặt trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông hiện nay lên đến trên 2.000 người. Trong số này, nhóm có nguy cơ vi phạm pháp luật, cấu thành tội mua bán người chiếm tỷ lệ không nhỏ. Vì vậy, để phục vụ công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương, lực lượng Công an huyện cần sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền các xã, sự chỉ đạo kịp thời của UBND huyện và nhất là hoạt động trao đổi thông tin một cách kịp thời cũng như tăng cường phương tiện, trang bị… từ Công an tỉnh.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top