Ma túy - nỗi ám ảnh ở vùng cao Nậm Pồ

08:59 - Thứ Năm, 28/06/2018 Lượt xem: 7601 In bài viết
ĐBP - Dưới mưa phùn rả rích, vượt qua quãng đường nhầy nhụa bùn đất, chúng tôi đến bản Sín Chải 1 (xã Nà Hỳ), mảnh đất được biết đến là “điểm nóng” về vấn nạn buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy. Trong ngôi nhà xiêu vẹo, ghép tạm bợ bằng những mảnh ván mục nát là nơi trú ngụ của bà Chảo Lún Chán và 3 đứa cháu ngoại, đứa lớn nhất chưa đầy 15 tuổi, khiến chúng tôi cảm thấy lòng nặng trĩu.

Gạt những giọt nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ, bà Chảo Lún Chán nghẹn ngào bộc bạch: Sau những tháng ngày buồn bã vì chồng vướng phải vòng lao lý, hơn nữa gia cảnh khốn khó, nhẹ dạ cả tin nên con gái tôi là Tẩn Mý Sun đã bị lôi kéo và tìm đến con đường buôn bán ma túy cho các con nghiện trong bản. Tháng 4/2017 con tôi bị bắt và bị Tòa án tuyên phạt 7 năm tù giam vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Ánh mắt đượm buồn bà Chán tiếp lời: Nhà tôi thuộc diện nghèo, chẳng có gì ngoài vài thửa ruộng, nhưng hiện sức khỏe tôi chẳng còn để cày cấy nuôi các cháu ăn học nữa! Hiện các cháu đã nghỉ học, đứa lớn đi làm con nuôi, 2 đứa nhỏ ở nhà phụ giúp việc nhà. Cuộc sống đã nghèo nay còn khó khăn gấp bội phần. Tôi chỉ mong 2 vợ chồng nó cải tạo thật tốt, sớm được trở về với gia đình, chăm lo các con, để chúng cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Mẹ bị bắt vì ma túy, 3 đứa con chị Tẩn Mý Sun phải sống nương nhờ vào bà ngoại đã già yếu.

Tiếp tục men theo con đường mòn, chúng tôi tìm đến gia đình anh Tẩn Mìn Chiêu (bản Sín Chải 1), đã 20 năm nghiện ma túy. Dáng người gày gò, xanh xao, sau nhiều lần được xã, huyện đưa đi cai nghiện bắt buộc nhưng sau thời gian cắt cơn tại cơ sở cai nghiện trở về, do bạn bè rủ rê anh lại nhanh chóng tái nghiện. Không dứt được ma túy, anh Chiêu đã bán hết của cải trong nhà để có tiền mua thuốc hút; sức khỏe giảm sút anh cũng không thể lên nương. Lo cho gia đình nên các con anh Chiêu phải bỏ học từ rất sớm để theo mẹ lên nương làm rẫy, mong kiếm đủ miếng cơm manh áo.

Ðược biết, hiện bản Sín Chải có 113 hộ dân với 548 khẩu; toàn bản có 14 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Từ năm 2013 đến nay, số người bị bắt vì buôn bán, sử dụng trái phép các chất ma túy là 19 người. Ðặc biệt, số người nghiện và tình trạng buôn bán không hề giảm mà có chiều hướng gia tăng; số người sau cai trở về tái nghiện nhiều. Lý giải về nguyên nhân trên theo ông Tẩn A Pao, Trưởng công an xã Nà Hỳ: Do người nghiện không đủ bản lĩnh để từ bỏ cám dỗ, vì môi trường xung quanh họ chưa “sạch” ma túy. Mặt khác, người nghiện vẫn một phần lười lao động, thích hưởng thụ; bị xã hội kỳ thị, họ không nhận được sự cảm thông, chia sẻ của những người xung quanh, không có việc làm, thu nhập ổn định.

Bà Lường Thị Tiếp, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ, cho biết: Len lỏi tới 68/132 bản thuộc 14/15 xã của huyện là 493 người nghiện. Nỗi ám ảnh mang tên “cái chết trắng” đã để lại nhiều hệ lụy đáng buồn ở những bản vùng cao Nậm Pồ. Những đứa trẻ mồ côi, những góa phụ thẫn thờ với đôi mắt u buồn khao khát một gia đình bình yên. Ma túy đã làm tan nát biết bao gia đình, đưa cuộc sống của họ xuống tận cùng nỗi đau, mất mát; bản làng xác xơ, tiêu điều. Những năm qua, mặc dù các cấp chính quyền huyện Nậm Pồ đã vào cuộc quyết liệt nhằm đẩy lùi vấn nạn ma túy ra khỏi cộng đồng, đưa người nghiện đi cai nghiện ma túy… Tuy nhiên, vấn nạn buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy ở những bản vùng cao vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”; việc cai nghiện chưa mang lại hiệu quả thiết thực, tỷ lệ người nghiện tái nghiện sau cai cao (hơn 95%).

Trước thực trạng đó, huyện Nậm Pồ đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm. Trước nhất là huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân trong tố giác, chung tay ngăn chặn, đẩy lùi, xóa bỏ các tụ điểm nhức nhối về ma túy; xây dựng phong trào “địa bàn sạch” về ma túy tại các khu dân cư. Ðồng thời, nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và gia đình trong quản lý, giúp đỡ người nghiện sau cai, phòng, chống tái nghiện, giúp họ có việc làm ổn định. Hiện nay trên địa bàn huyện Nậm Pồ có 3 hình thức cai nghiện đang được áp dụng (tập trung tại cộng đồng và gia đình); 6 tháng đầu năm, huyện đã tổ chức cai nghiện ma túy cho 42 người nghiện (30 người cai tại cộng đồng, 12 người cai tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh). Cũng theo bà Lường Thị Tiếp: Ðã đến lúc xã hội phải có nhìn nhận khách quan, bao dung đối với người nghiện, tạo cho họ niềm tin vào cuộc sống, giúp họ có việc làm, thu nhập ổn định...

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top