Bệnh án tâm thần và những “liên minh ma quỷ” (Kỳ 3)

09:01 - Thứ Ba, 11/09/2018 Lượt xem: 7791 In bài viết

Bài cuối: Cần nghiêm trị hành vi tiếp tay cho tội phạm

Ở 2 bài báo trước, chúng tôi đã ghi nhận và phản ánh một thực trạng rất đáng báo động là không ít tội phạm hình sự, ma túy cứ gây án là... phát bệnh tâm thần và có dấu hiệu nghi vấn sử dụng bệnh án tâm thần để đối phó với các cơ quan pháp luật. Đặc biệt, đã có sự tiếp tay của các y, bác sỹ, nhân viên y tế... giúp cho tội phạm có được “miễn tử kim bài” để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Phải chăng có những kẽ hở trong luật pháp để tội phạm lợi dụng?

1. Trong quá trình thực hiện loạt bài viết này chúng tôi đã dành thời gian tìm hiểu về những mánh khóe trong hoạt động phạm tội của các “đại ca giang hồ”. Một trong số đó là “khổ nhục kế” nằm “nghỉ dưỡng” ở bệnh viện tâm thần để dễ bề chạy tội sau này.

Cụ thể, các đối tượng (mặc dù không bị bệnh) vẫn đầu tư tiền bạc để “chui” vào một bệnh viện tâm thần nằm “an dưỡng” một thời gian (để có bệnh án thật). Khi ra viện, những đối tượng này bắt đầu quay lại giang hồ, dám làm những việc manh động, liều lĩnh vì đã có “miễn tử kim bài” trong tay.

 

Lãnh đạo Bộ Y tế họp với các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ và một số Bệnh viện Tâm thần tại Hà Nội về vụ bệnh án tâm thần giả.

Theo một điều tra viên giàu kinh nghiệm thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, cách đây ít năm có một vụ trọng án khiến anh nhớ mãi. Hai nhóm đối tượng do mâu thuẫn trong việc làm ăn, đã hẹn nhau “nói chuyện”. Hậu quả của cuộc nói chuyện bằng dao kiếm này là không dưới 2 đối tượng phải mang thương tật suốt đời.

Và nhóm đối tượng gây án lẽ ra đã phải chịu những mức án cực kỳ nghiêm khắc. Song, vì trước khi gây án các đối tượng đã có kịch bản hoàn hảo, trong đó có việc chuẩn bị sẵn bệnh án tâm thần (BATT) nên kẻ chủ mưu cầm đầu đã “thoát án”.

Ban đầu, khi vụ án xảy ra, Cơ quan công an đã bắt được một vài đối tượng trong nhóm gây án. Tuy nhiên, chúng khai chỉ là những tên “râu ria” đi cùng, chứ không tham gia trực tiếp đâm chém. Các đối tượng cũng “tung hỏa mù” về những tên cầm đầu, mỗi lúc lại khai một kiểu. Do hết thời hạn điều tra nên tòa án phải tiến hành xử các đối tượng này. Vài năm sau theo lệnh truy nã, cơ quan Công an bắt thêm được các đối tượng khác trong vụ án.

Tuy nhiên, khi đối tượng được cho là “cầm đầu” bị bắt, thì tên này chìa ra BATT, cơ quan điều tra buộc phải cho gã đi chữa bệnh bắt buộc. Vụ án ban đầu nghe rất nghiêm trọng, song với BATT nên cuối cùng các đối tượng gây án chỉ phải chịu những mức án quá nhẹ so với hành vi phạm tội.

Theo Trung tá Dương Minh Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, tình trạng các đối tượng hình sự cộm cán cứ sau mỗi lần gây án lại chìa BATT ra khiến cho quá trình điều tra của các anh lại thêm nhiều phần phức tạp. Nó cũng khiến cho nhiều vụ án bị kéo dài, ít nhiều khiến người dân và dư luận xã hội tỏ ra nghi ngờ về sự nghiêm minh của pháp luật.

Bên cạnh đó, hiện cũng đã nảy sinh một vấn đề khiến cho các cơ quan điều tra rất đau đầu. Đó là công tác điều tra ban đầu, xác minh đơn tố cáo của Cơ quan công an hiện đã vấp phải rất nhiều khó khăn, do đối tượng có BATT. Một điều tra viên giải thích: Khi Cơ quan công an nhận được đơn tố cáo của công dân, tiến hành xác minh và phát hiện có dấu hiệu tội phạm.

Sau khi được sự đồng ý của các cấp lãnh đạo chỉ huy, cán bộ điều tra sẽ tiến hành mời đương sự lên cơ quan Công an làm việc. Tuy nhiên, ngay từ bước điều tra ban đầu này, nếu đương sự chìa ra BATT và lấy lý do đang chữa bệnh ở bệnh viện X, Y, Z... để từ chối làm việc thì Cơ quan công an cũng... bó tay!

 

Một bệnh nhân được giám định tâm thần tại Viện pháp y tâm thần trung ương.

2. Được biết sau khi vụ làm giả BATT xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 bị phát giác, lãnh đạo Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ và một số bệnh viện tâm thần tại Hà Nội.

Tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ để vi phạm pháp luật. Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị các cơ quan tư pháp xử lý đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và tránh oan sai.

Ông Tiến cho biết, hiện nay, có những trường hợp phạm tội dùng mọi thủ đoạn để mua, làm giả giấy xác nhận bị bệnh, giả bệnh tâm thần tại các trung tâm, cơ sở khám - chữa bệnh nhằm đối phó với cơ quan pháp luật.

Bộ Y tế yêu cầu các bác sỹ, giám định viên pháp y, pháp y tâm thần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh trước công việc hằng ngày, trước mỗi ca giám định, không để vật chất hoặc các mối quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến kết luận giám định. “Những trường hợp khó kết luận, cần tổ chức hội chẩn để đưa ra kết luận đúng đắn, chính xác” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các cục, vụ, đơn vị liên quan, các bệnh viện chuyên ngành tâm thần rà soát quy trình, thủ tục chuyên môn liên quan đến chẩn đoán, giám định bệnh án tâm thần.

Bác sĩ La Đức Cương, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Tâm thần học Việt Nam cho chúng tôi biết thêm. Hiện có 2 loại hồ sơ, bệnh án tâm thần điều trị cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Với bệnh nhân nội trú, sau khi khám sẽ được chỉ định vào viện điều trị.

“Trường hợp nào khó chẩn đoán, khó điều trị thì khoa yêu cầu hội chẩn. Trường hợp nào không cần thiết, có đủ triệu chứng bệnh thì bác sĩ tự kết luận. Sau đó, khi trải qua quá trình điều trị ổn, lúc bệnh nhân ra viện mới có chẩn đoán chính thức trong hồ sơ, bệnh án”.

Nói về đường dây làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần mà Cơ quan công an vừa khám phá, bác sĩ La Đức Cương cho rằng, nếu quy định chặt chẽ thì các trường hợp khi làm hồ sơ, bệnh án tại viện phải hội chẩn sẽ phòng tránh được những hành vi “tiếp tay” cho đối tượng giang hồ. Việc cán bộ y tế bị “mua chuộc” vừa qua cho thấy quy trình làm hồ sơ, bệnh án còn kẽ hở, cán bộ y tế bị sa ngã.

“Tôi cho rằng thầy thuốc cần phải có trình độ chuyên môn tốt, phải trau dồi đạo đức và có ý thức trách nhiệm với nghề của mình. Các cơ sở y tế cần phải tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm nghề nghiệp thường xuyên để cán bộ y tế không bị cám dỗ, bán rẻ bản thân”, bác sỹ Cương đề nghị.

Theo luật sư Hoàng Minh Hiển, Văn phòng luật sư HHM (Hà Nội) thì qua vụ việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho thấy, lỗ hổng lớn nhất là quản lý con người: “Tôi cho rằng có lỗ hổng về quản lý nhân sự. Yếu tố con người là quan trọng nhất trong lĩnh vực chuyên môn. Mặt khác, cần phải thực hiện quy trình làm hồ sơ bệnh án chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt phải tiến hành kiểm tra chéo giữa các bác sĩ, các khoa, phòng”.

3. Theo Đại úy Trần Việt Dũng, Phó đội trưởng Đội Điều tra tố tụng, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội - đơn vị chủ công phá chuyên án làm giả BATT tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 - quy định phải tiến hành giám định đối với những đối tượng có tiền sử bệnh tâm thần, trước khi thực hiện các biện pháp tố tụng là chính sách thể hiện tính nhân đạo của pháp luật. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã có một số đối tượng phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng, có khung hình phạt cao như tội giết người, ma túy... lợi dụng chính sách này để đối phó với các cơ quan tố tụng, trốn tránh việc thi hành án, thậm chí liên tiếp gây án!

Cũng theo cơ quan điều tra, việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần là hành vi rất nghiêm trọng gây nguy hại, cản trở lớn trong việc áp dụng thực thi pháp luật. Các đối tượng lợi dụng sự buông lỏng quản lý trong khám chữa bệnh, giám sát của bệnh viện, thực hiện các hành vi vì mục đích tư lợi. Hành vi trên đã giúp cho một bộ phận không nhỏ các đối tượng phạm tội dùng để cản trở, trốn tránh công tác điều tra, truy tố, xét xử, làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật, giảm lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

 

Điều dưỡng Sơn và bác sỹ Phong (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) đã làm bệnh án tâm thần giả cho đối tượng giang hồ lấy 85 triệu đồng.

Bên cạnh đó có những bị can trong quá trình điều tra, truy tố thì không xuất trình hồ sơ bệnh án tâm thần, nhưng đến giai đoạn xét xử lại xuất trình bệnh án và yêu cầu được đi giám định. Lúc này tòa án nhân dân các cấp buộc phải tuyên hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung, đề nghị cơ quan điều tra làm thủ tục giám định tâm thần đối với các bị can. Như vậy dẫn đến chất lượng điều tra vụ án không đảm bảo về thời gian, gây khó khăn kéo dài.

Đồng thời, nếu như các bị cáo có kết luận giám định mắc bệnh tâm thần trước, trong khi gây án thì được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc đình chỉ điều tra. Nếu kết luận giám định cho thấy bị can bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì được giảm nhẹ một phần hình phạt.

Cũng theo Đại úy Dũng, qua vụ án này, cơ quan điều tra kiến nghị cần phải nâng cao công tác quản lý các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội; kịp thời rà soát xác minh các trường hợp sử dụng bệnh án tâm thần trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội. Đẩy mạnh phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, phòng, chống, phát hiện tội phạm và các biểu hiện tiêu cực của một số cán bộ chức năng để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội.

Việc quản lý người bệnh cần được thực hiện từ cấp y tế cơ sở. Các đơn vị y tế từ trung ương đến địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý khám chữa bệnh được phân công, công tâm minh bạch thực hiện các quy định của pháp luật, của ngành kịp thời khắc phục những kẽ hở mà tội phạm có thể lợi dụng. Củng cố chặt chẽ quy trình khám chữa bệnh, cấp hồ sơ bệnh án nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương và Viện Pháp y tâm thần.

Để xử lý loại tội phạm lợi dụng bệnh án tâm thần nhằm mục đích thoát khung hình phạt cao nhất, hoặc trì hoãn né tránh việc thi hành án, hoặc để được miễn trách nhiệm hình sự, ngoài trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cần có sự công tâm của ngành y tế trong việc giám định tâm thần, bởi hiện tại việc chứng minh một người có tâm thần hay không phụ thuộc vào kết quả của Hội đồng giám định pháp y. Các hoạt động tố tụng đều dựa vào kết quả giám định để xem xét. Nếu giám định không chuẩn, tội phạm sẽ lợi dụng để lách luật trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Hành vi làm giả BATT cho các đối tượng tội phạm không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn là hành vi vi phạm pháp luật vì bao che, tiếp tay cho những kẻ phạm tội tiếp tục lộng hành. Do đó, dư luận xã hội cũng đề nghị các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm khắc đối với những đối tượng làm giả BATT nhằm răn đe, phòng ngừa, giáo dục chung.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top