Mắc bẫy vì ham quà "khủng"

14:56 - Thứ Ba, 18/09/2018 Lượt xem: 6252 In bài viết
Gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Dương liên tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng với các thủ đoạn tinh vi khác nhau. Đối tượng mà chúng lựa chọn đủ mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Đáng lo ngại, nhiều người phải vay tiền người thân hàng trăm triệu đồng để nhận quà "khủng".

Món quà từ… trên trời rơi xuống

Nhiều lần gọi điện thoại, tôi mới được chị Nguyễn Thị T. (SN 1981, ngụ khu phố 1A, phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) cho tiếp xúc. Vượt hơn chặng đường 50km từ TP Hồ Chí Minh, tôi gặp được chị T. tại một quán cà phê ven Quốc lộ 13, đoạn qua thị xã Thuận An. Chị T. vốn là công nhân cho một công ty may trên địa bàn.

 

Những tin nhắn có dấu hiệu không bình thường thông qua mạng xã hội.

Hàng ngày, chị phải làm việc quần quật với đồng lương hơn 5 triệu đồng/tháng để nuôi con học hành. Nếu tăng ca thêm, người phụ nữ này cũng chẳng kiếm được thêm bao nhiêu tiền. Đây là lý do mà chị T. khó sắp xếp thời gian để gặp gỡ tôi. Mặt khác, cũng do chồng chị ngại cho tiếp xúc báo chí sau khi biết vợ bị cú lừa ngoạn mục hàng trăm triệu đồng. Nhiều người biết rõ danh tính, chị T. càng cảm thấy xấu hổ.

Đến tận bây giờ, chị T. vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại cú lừa mất gần 840 triệu đồng. Với chị T., đó là số tiền dành dụm bao nhiêu năm của hai vợ chồng và vay nợ thêm người thân. Tuy nhiên, chị T. đã không nhận được quà "khủng" như đã được hứa hẹn từ "người bạn" quen qua mạng xã hội, mà còn ngậm đắng, vì mình trở thành con nợ.

Mắt ngấn lệ, chị T. kể lại: "Khi đang làm việc trong công ty thì tôi thấy điện thoại báo tin đề nghị kết bạn qua mạng xã hội từ một người đàn ông hình nền rất điển trai. Tôi chưa kịp phản ứng thì thấy người này vào phần nhắn tin xin chào. Sau khi đồng ý kết bạn, đối tượng tự giới thiệu tên Yannametee Wetkama, người gốc Nhật. Đối tượng đang sinh sống ở Đức. Tiếp đó, Wetkama đã hỏi thăm về công việc và hoàn cảnh gia đình của tôi tỏ vẻ rất thân tình. Khi đó, tôi cũng chia sẻ hoàn cảnh của bản thân, lương công nhân cũng tạm đủ sống và nuôi sống người thân".

Thấy chị T. như đã sắp say mồi, Yannametee Wetkama đã nhắn tin cho chị T. với nội dung, thông báo gửi quà cho chị T. là điện thoại Iphone, Ipad, laptop HP, đồ trang sức bằng vàng và 500 USD coi như để bày tỏ chân tình. Wetkama sẽ chuyển quà thể hiện tình cảm trước, rồi sẽ sang Việt Nam gặp chị T., cũng như thăm hỏi gia đình sau. Tin tưởng, chị T. đã bày tỏ sự vui mừng vì có một người bạn hào phóng với mình.

Tuy nhiên, Wetkama đã ngay lập tức nói rằng để nhận được quà, chị T. phải trả khoản phí để nhận được phần quà trên theo quy định của nước mà Yannametee Wetkama sinh sống như, phí phạt do số tiền gửi quá lớn, phí để sắp xếp giấy tờ không phải rửa tiền, phí bảo hiểm... Tin lời đó, chị T. đã vay nợ 838 triệu đồng chuyển vào tài khoản cho Yannametee Wetkama. Sau đó, chị T. đã gọi điện và nhắn tin thì không liên lạc được với Wetkama nữa.

Cùng lâm vào cảnh tương tự, anh Lưu Đại D. (46 tuổi, ngụ khu 4, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một), bức xúc: "Qua mạng xã hội facebook, tôi đã kết bạn với người phụ nữ tên Maguette Justine. Sau đó, Maguette Justine tự giới thiệu mình là quân nhân Mỹ, sinh sống tại Orlando, Florida. Sau nhiều lần nói chuyện qua mạng tạo mối quan hệ thân tình, Maguette Justine nhờ tôi nhận và giữ cho bà ấy kiện hàng trị giá 1,2 tỷ USD gửi từ Syria (do Chính phủ Syria bồi thường tổn hại cho Maguette Justine trong chiến tranh). Sau đó, tôi nhận được điện thoại của người tự xưng là nhân viên công ty vận chuyển hàng hóa, yêu cầu nộp tiền thuế thông quan, thuế thu nhập cá nhân, tiền phạt… để nhận hàng. Tin tưởng, tôi đã 10 lần chuyển tiền vào tài khoản khác nhau với tổng số tiền hơn 820 triệu đồng".

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: Không chỉ có trường hợp của anh D. và chị T.

Mới đây, qua mạng xã hội, chị Trần Thị U. sinh năm 1986, quê Bắc Giang; tạm trú xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương cũng đã kết bạn với tài khoản Pronx Josh.

Khi đã tạo được tin tưởng của chị U, đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển số tiền 23 triệu đồng tiền thuế, 115 triệu đồng tiền bảo hiểm, 241 triệu đồng tiền chống rửa tiền và gần 130 triệu đồng tiền phần trăm số tiền mà Pronx Josh cho. Tổng cộng chị U. bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 510 triệu đồng.

Qua xác minh các tài khoản của ngân hàng mà các nạn nhân đã chuyển tiền vào cho thấy, có rất nhiều người đã chuyển tiền vào và sau đó tiền được chuyển đi. Cơ quan Công an nhận định đây cũng có thể là những nạn nhân khác nhưng họ không dám tố cáo.

Mới đây, lúc 14h ngày 31-8, một ngân hàng thương mại cổ phần có chi nhánh tại Bình Dương phát hiện khách hàng tên Đàm Thị Kim N. (ngụ phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản; nghi vấn lừa đảo đã báo cơ quan Công an. Công an tỉnh Bình Dương tiến hành xác minh, khẩn trương làm việc với bà N. Tại cơ quan Công an, bà N. cho biết: "Do quen biết trên mạng xã hội, đối tượng người nước ngoài thông báo đã gửi quà cho bà N. (có giá trị khoảng 1,5 triệu USD) và yêu cầu đóng lệ phí Hải quan với số tiền 30,3 triệu đồng".

Sáng 31-8, bà N. đã chuyển 30,3 triệu đồng vào tài khoản của một đối tượng, mở tại ngân hàng chi nhánh ở TP Hồ Chí Minh, theo yêu cầu của đối tượng. Sau đó, chủ tài khoản đã rút toàn bộ số tiền nói trên.

Đến 13h30' cùng ngày, bà N. đến ngân hàng chi nhánh Bình Dương để hoàn tất thủ tục chuyển thêm 120 triệu đồng theo yêu cầu của đối tượng. Công an tỉnh Bình Dương đã kịp thời phối hợp với ngân hàng tiến hành xác minh mục đích chuyển tiền, giải thích cho khách hàng hiểu rõ việc bị lừa đảo nên bà N. không chuyển số tiền 120 triệu đồng theo yêu cầu của đối tượng.

Chiêu thức cũ, nạn nhân mới

Khoảng 15h30' ngày 4-9, Công an tỉnh Bình Dương nhận được tin báo của một ngân hàng chi nhánh Sở Sao (phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một) về việc phát hiện 2 trường hợp khách hàng đến giao dịch có biểu hiện nghi vấn bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Nhóm đối tượng người nước ngoài lừa đảo vừa bị Công an bắt giữ.

Sau khi tiếp nhận tin báo, lực lượng Công an tiến hành xác minh và phát hiện danh tính nạn nhân tên Trần Lê L. (31 tuổi, quê quán Phú Yên; tạm trú phường Tân Định, thị xã Bến Cát), nhân viên trường Trung cấp C.Đ. Ngày 4-9, trong lúc trực ban cơ quan, anh L. bất ngờ nhận được cuộc gọi đến máy điện thoại bàn của cơ quan do một người tự xưng là Nguyễn Thị M., giao dịch viên của VNPT thông báo anh L. có đăng ký số điện thoại 0283.5174.826 tại văn phòng giao dịch VNPT (535 Điện Biên Phủ, phường 3, quận 3, TP Hồ Chí Minh) hiện đang đang nợ cước với số tiền gần 9 triệu đồng.

Khi anh L. nói  không có đăng ký và sử dụng số điện thoại trên, thì M. cho rằng, số điện thoại trên có thể đã bị kẻ xấu chiếm đoạt sử dụng vào mục đích xấu.

Sau đó, M. nối máy cho anh L. gặp người đàn ông tên Lê Hồng Phong. Người này tự xưng là "Trung úy, cán bộ Công an TP Hồ Chí Minh" để giải quyết. Anh L. chưa kịp hỏi han thì người đàn ông tên Phong đã trở giọng đe dọa anh L. đang bị nghi vấn tham gia đường dây buôn bán ma túy. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu anh L. phải trình báo về tài sản hiện có (bao gồm nhà cửa, đất đai, tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng).

Không để con mồi kịp suy nghĩ, một đối tượng khác sử dụng số điện thoại +840283291741 gọi vào điện thoại cá nhân của anh L. Người này xưng là cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân yêu cầu anh L. phải rút tiền trong các tài khoản ngân hàng của mình và chuyển vào tài khoản số 670127 (mở tại một ngân hàng thương mại cổ phần chi nhánh Đắk Lắk, chủ tài khoản: Hồ Thành Vũ) để phối hợp điều tra làm rõ, đồng thời sẽ trả lại cho anh L. khi làm rõ vụ việc. Trong trường hợp anh L. không hợp tác thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Quá hoảng sợ, lúc 13h30' cùng ngày, anh L. đã đến ngân hàng chi nhánh Sở Sao để rút số tiền 50 triệu đồng đang gửi tại đây. Trong quá trình làm thủ tục, nhân viên giao dịch của ngân hàng phát hiện anh L. có nhiều biểu hiện tâm lý khác thường. Do vậy, nhân viên ngân hàng đã hỏi thăm và biết được vụ việc. Nhận thấy vụ việc trùng khớp với những dấu hiệu cảnh báo lừa đảo đã được Công an tỉnh Bình Dương thông báo đến các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trước đó, nhân viên ngân hàng đã trình báo vụ việc với lực lượng chức năng.

Ngay sau đó, Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng ngân hàng tiến hành xác minh mục đích chuyển tiền, giải thích cho khách hàng hiểu rõ việc bị lừa đảo. Anh L. đã hiểu ra vấn đề và không chuyển tiền.

Đáng lưu ý, tại thời điểm Công an đang làm việc với ngân hàng và anh L., nghe được thông tin từ trường hợp của anh L., chị Phan Thế Kim D. (ngụ phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một) cũng trình báo mình nhận được cuộc gọi với các thủ đoạn tương tự. Đối tượng yêu cầu chị D. rút số tiền 200 triệu đồng gửi tại ngân hàng để chuyển vào số tài khoản khác mà chúng cung cấp cho nạn nhân. Cũng may, chị D. được Công an giải cứu kịp thời. 

Đại tá Trần Văn Chính khuyến cáo, thời gian qua, trên địa bàn Bình Dương nổi lên tình trạng các đối tượng lừa đảo với thủ đoạn được tóm tắt như sau: Các đối tượng là người nước ngoài thông qua mạng xã hội để kết bạn với nạn nhân (phần lớn là nữ). Sau nhiều lần nhắn tin nói chuyện tạo niềm tin, các đối tượng người nước ngoài gợi ý gửi quà giá trị cao, kèm theo gói hàng gửi qua Việt Nam còn có số tiền ngoại tệ lớn. Sau đó, đối tượng cấu kết với người Việt Nam giả danh nhân viên hải quan sân bay, nhân viên công ty vận chuyển… gọi điện đến nạn nhân để thông báo gói hàng đã được chuyển về Việt Nam.

Để nhận được hàng, đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền với nhiều lý do hợp lý như trên, và cho số tài khoản của đồng bọn là người Việt Nam. Khi nạn nhân chuyển tiền vào thì lập tức sẽ được chuyển sang nước ngoài bằng dịch vụ E-banking và bị chiếm đoạt. Bình Dương đã xảy ra hơn 10 vụ, gây thiệt hại hơn 3,1 tỷ đồng. Phần lớn nạn nhân là nữ công nhân trong các khu công nghiệp… Đề nghị người dân gặp trường hợp như trên nên báo ngay với cơ quan Công an để kịp thời nắm bắt, tổ chức thẩm tra, truy bắt tội phạm, cũng như ngăn chặn không để nạn nhân bị mắc bẫy, mất tài sản.

Cũng theo Đại tá Trần Văn Chính, các thông tin trên mạng xã hội đa phần không được kiểm chứng, thật giả lẫn lộn. Do vậy, người dân khi nhận được các thông tin đăng tải trên mạng phải kiểm tra, tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin khác nhau để xác định độ chính xác, nhất là về đối tượng đăng tải và cung cấp thông tin. Cụ thể, như bán thẻ cào giá rẻ có thể trao đổi trực tiếp với nhà mạng; về việc bị hải quan tạm giữ hàng hóa có thể xác minh tại cơ quan Hải quan… Nếu thông tin chưa chính xác thì không chuyển tiền để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với các đối tượng quen biết qua mạng phải tìm hiểu rõ về chúng (lai lịch, địa chỉ, quan hệ…).

Đặc biệt, khi mới quen không nên đi cùng đối tượng đến các khu vực vắng vẻ, vào nhà nghỉ, khách sạn. Nếu người dân đi phải có người đi cùng và không nên đem theo các tài sản có giá trị.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top