70% số lượng tang vật ma túy là từ tuyến Tây Bắc

15:25 - Thứ Tư, 03/10/2018 Lượt xem: 8845 In bài viết

Từ nhiều năm nay, địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc nước ta như: Hòa Bình, Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái luôn là tuyến trọng điểm, phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy. Từ kết quả đấu tranh của lực lượng công an trong những năm qua cho thấy, có hơn 30% số vụ và gần 70% số lượng tang vật là ma túy các loại được các đối tượng mua bán, vận chuyển qua tuyến này. 

 

Khu vực Tây Bắc luôn nóng bỏng bởi các vụ buôn bán, vận chuyển ma túy. Ảnh minh họa

Các loại ma túy như heroin, thuốc phiện, ma túy tổng hợp dạng viên được các đối tượng mua bán, vận chuyển từ khu vực "tam giác vàng" qua Lào vào Việt Nam, một số ít được sử dụng ở trong nước, số còn lại được tiếp tục vận chuyển sang nước thứ ba để tiêu thụ.

Theo Thượng tá Ngô Văn Hải, Phó Trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), với đặc điểm địa lý tuyến Tây Bắc có đường biên giới dài, địa hình phần lớn là đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, đời sống của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới còn rất thiếu thốn, trình độ dân trí chưa cao cho nên dễ bị các đối tượng phạm tội dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, với nguồn "cầu" là những người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy còn nhiều, tất yếu sẽ phát sinh nguồn "cung". Nguy hiểm hơn, tình trạng các đối tượng phạm tội về ma túy tự trang bị và sử dụng các loại vũ khí để chống lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện và truy bắt xảy ra khá phổ biến.

Có thể kể đến vụ đối tượng truy nã Vàng A Khua dùng súng AK để chống trả khi bị vây bắt đã làm con trai của y bị chết và ba cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình hy sinh năm 2010; vụ Trung úy Bùi Công Nguyên bị đối tượng Tráng A Trá sử dụng súng bắn thẳng vào người và đã anh dũng hy sinh năm 2015; gần đây nhất ngày 14/6/2018, một cán bộ Công an thành phố Lào Cai đã bị đối tượng dùng hung khí tấn công gây trọng thương… Như vậy, có thể thấy tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên tuyến Tây Bắc vẫn luôn tiềm ẩn và diễn biến nhiều phức tạp, khó lường.

Trước tình hình nêu trên, lãnh đạo Bộ Công an đã có những chỉ đạo rất quyết liệt để giải quyết tình hình phức tạp về ma túy tại địa bàn này. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Ban Giám đốc Công an các tỉnh Sơn La, Hòa Bình đã nghiêm túc triển khai thực hiện nhiều đề án, phương án, kế hoạch. Công an tỉnh Sơn La đã chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đấu tranh rất thành công Chuyên án 279-LL, góp phần giảm cơ bản tình trạng các đối tượng có vũ trang vận chuyển ma túy từ Lào vào các xã của huyện Mộc Châu, Vân Hồ, tỉnh Sơn La và vùng phụ cận.

Với phương châm "ngăn chặn từ xa", Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nước ta đã phối hợp các lực lượng chức năng phòng, chống ma túy của các nước Lào, Trung Quốc… để đấu tranh, ngăn chặn khi ma túy chưa thẩm lậu vào được nội địa cũng như ma túy từ nội địa vận chuyển ra nước ngoài tiêu thụ.

Ðồng thời, phối hợp các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, cửa khẩu như Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện và hành lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất việc các đối tượng lợi dụng việc xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa để vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài tiêu thụ. Ðẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để chính quyền cơ sở các cấp, nhất là quần chúng nhân dân để thấy rõ tác hại của ma túy đối với từng người, từng gia đình và toàn xã hội; từ đó huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị và cả xã hội cùng vào cuộc để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tệ nạn và tội phạm ma túy.

Theo Bộ Công an, ở các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền, vận động cần phải nghiên cứu về phong tục, tập quán, đời sống, tiếng nói, đặc điểm tâm lý của người dân trên địa bàn. Vì vậy, những cán bộ là con em đồng bào các dân tộc ở địa bàn, người cao tuổi, già làng, trưởng bản, người có uy tín… sẽ là những tuyên truyền viên để tuyên truyền, vận động.

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cần chủ động trong công tác nắm tình hình để đề ra những phương án phòng ngừa và đấu tranh cụ thể ở từng địa bàn; sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác, nghiệp vụ để quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, kịp thời giáo dục, răn đe, vô hiệu hóa, không để các đối tượng có khả năng và điều kiện hoạt động phạm tội.

Đồng thời đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng đối với tội phạm ma túy; kiên trì vận động các đối tượng truy nã về ma túy ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật; phối hợp các ngành chức năng đưa ra xét xử công khai, lưu động một số vụ án ma túy điểm tại các khu dân cư để phòng ngừa và răn đe các đối tượng khác.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top