Ma túy tổng hợp tấn công giới trẻ

Bài 2: Một ngày ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

09:59 - Thứ Tư, 24/10/2018 Lượt xem: 8467 In bài viết

Ma túy tổng hợp (MTTH) với những dạng thức mới khác nhau đã và đang khiến con đường đến bệnh viện tâm thần của dân chơi trở nên gần hơn. Với sức tàn phá hệ thần kinh một cách ghê gớm, phía sau những cuộc hoan lạc, phê pha, nhiều dân chơi đã phải “an dưỡng” tại bệnh viện tâm thần khi mà hành vi của bản thân bị rối loạn, mất kiểm soát.

Bài 1: Cận cảnh những cuộc chơi nguy hại

 
Tự sự rùng mình của dân chơi 

Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tọa lạc trong con ngõ trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên (Hà Nội). Nơi đây được biết đến là một trong những cơ sở “lưu trú” của những dân chơi “đập đá”, “phá ke” bị di chứng về thần kinh trong thời gian qua. 10h ngày 18-10, tôi có mặt tại Khoa H – khoa điều trị lạm dụng chất và các loạn thần thực thể.

Bác sĩ Trần Đức Cường cùng các y, bác sĩ trong khoa tất bật với công việc thăm khám, điều trị tâm lý cho các bệnh nhân đang bị loạn thần do lạm dụng chất gây ra. Trong buồng điều trị dưới tầng 1, bệnh nhân Đ.H.Q. (20 tuổi, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) nằm trên giường bệnh, vén cao chiếc áo để bác sĩ Cường kiểm tra nhịp tim, huyết áp. Q. vốn là một thanh niên khỏe mạnh và là con út trong một gia đình có 2 anh em. Từ nhỏ Q. được gia đình chiều chuộng. Q. cần gì là mọi người cũng đều cố đáp ứng.

Cái gì đến đã đến, cách đây 6 năm, khi đó Q. mới 14 tuổi, trong một lần đi dự sinh nhật cùng nhóm bạn đã bập vào ma túy “đá”. Những lần Q. lên lớp nghe thầy cô giảng bài thưa dần và thay vào đó là những cuộc ăn chơi thác loạn với MTTH cùng chúng bạn. Tài sản trong nhà như: tivi, máy nghe nhạc, xe máy… lần lượt “đội nón” ra đi theo làn khói ảo chết người.

Từ 2-3 tháng, “đập đá” 1 lần, dần dần, Q. trở thành bạn đồng hành với ma túy “đá”, tần suất “đập đá” cứ thế tăng lên. Cứ có tiền, Q. lại rủ chúng bạn thác loạn. Mọi người trong gia đình khuyên can, nhưng Q. đều bỏ ngoài tai, rồi chạy theo tiếng gọi của làn khói ảo mang tên “đập đá”, “phá ke”.

Cách đây 20 ngày, gia đình đưa Q. nhập viện điều trị khi thấy Q. nói luyên thuyên, nhiều đêm không ngủ, hành vi mất kiểm soát. “Trước khi vào viện, em thấy mình mỏi mệt, nói năng không đâu vào đâu. Lúc nào cũng như có người nói bên tai, cảm giác ấy sợ lắm anh ạ! Giờ em chỉ muốn về nhà thôi”, Q. bảo. Cuối tháng 7-2016, trong một lần xuất hiện ảo giác, khi điều khiển xe máy, Q. không làm chủ tốc độ đã tự gây tai nạn, khiến vết sẹo dài giờ vẫn còn hằn trên đầu. Trò chuyện với tôi, Q. không giấu được nỗi niềm nhớ nhà và nói: “Sau này ra viện rồi, em không chơi bời nữa. Em sẽ lấy vợ…!”.

 

Nhiều trường hợp bị loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp phải vào Bệnh viện Tâm thần điều trị.

Bác sĩ Trần Đức Cường dẫn chúng tôi đi một lượt khu điều trị. Dừng lại trước buồng H7. “Bệnh nhân G. đâu rồi?”, “Dạ, cháu đây, cháu đây!”, bệnh nhân N.T.G. (22 tuổi) ngẩn ngơ như một đứa trẻ, rồi vội vã chạy vào phòng. Theo bác sĩ Cường, G. nhập viện từ ngày 23-9 để điều trị chứng loạn thần do trước đó có một thời gian dài sử dụng ma túy “đá” và “ke”.

G. nhà ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). “Đá” lôi cuốn G. đến nay cũng được 5 năm. G. kể, lúc đầu khi thấy bạn rủ “đập đá”, bản thân nghĩ rằng chơi MTTH sẽ không bị nghiện như heroin, thuốc phiện nên đã tặc lưỡi. Nhưng nào ngờ, càng về sau, số lần “đập đá” càng tăng lên. Để rồi, trước khi vào viện, G. mất ngủ 3-4 hôm, hành vi không được kiểm soát, cơ thể bị suy nhược.

Trong câu chuyện với G., tôi được biết, không chỉ riêng “đá”, trong các cuộc ăn chơi thâu đêm, suốt sáng của mình luôn có sự xuất hiện của “kẹo”, “ke”. “Em có người yêu được gần 1 năm rồi. Người yêu em chưa biết em vào viện. Người yêu em mà biết chắc buồn lắm. “Đá” đã hủy hoại tương lai em!”, G. bẽn lẽn nói. Nhìn khuôn mặt phờ phạc, đôi mắt vô hồn, cử chỉ không được nhanh nhẹn của G., chúng tôi thấy sự hủy diệt do MTTH thật tai hại.

Biến chứng thần kinh do sử dụng ma túy tổng hợp

Theo thống kê của Khoa H, hiện trong khoa có 18 bệnh nhân bị loạn thần do MTTH gây ra đang được các bác sĩ tích cực điều trị. Số bệnh nhân này khi nhập viện đều có triệu chứng hoang tưởng, không kiểm soát hành vi, bị ảo giác, ảo thanh, luôn có cảm giác ai đó đang hét bên tai, theo dõi và hãm hại mình.

Bác sĩ Trần Đức Cường cho biết, số lượng bệnh nhân bị loạn thần do MTTH gây ra nhập viện thường xuyên chiếm trên 50% tổng số bệnh nhân điều trị tại khoa. Đối với những trường hợp này, để hết triệu chứng loạn thần, hoang tưởng, các bác sĩ phải tích cực điều trị theo phác đồ: vừa dùng thuốc, vừa ổn định tâm lý người bệnh.

Tiếp xúc với tôi, bác sĩ Trần Đức Cường tỏ ra lo ngại: “Giờ có nhiều bệnh nhân là các bạn trẻ bị biến chứng về thần kinh do sử dụng MTTH quá. Nhiều bạn trẻ dường như không hiểu rằng, MTTH tàn phá thần kinh, não bộ là thế nào”.

 

Bác sĩ Trần Đức Cường thăm khám, ổn định tâm lý cho một trường hợp bị loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp.

MTTH là gì? Tác hại của nó đối với cơ thể người sử dụng thế nào? Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa H, người có thâm niên trong lĩnh vực điều trị cho các bệnh nhân bị loạn thần do lạm dụng chất (trong đó có MTTH) cho biết, MTTH thực chất là chất dẫn của amphetamine. MTTH là loại ma túy có tác động mạnh, gây rối loạn tâm thần, gây ảo giác hoang tưởng, rối loạn hành vi  người sử dụng.

Trong giai đoạn tác dụng dược lý của ma túy, người sử dụng thường gặp những ảo giác hoang tưởng, kèm theo sự không tự nhận thức hay còn gọi là “ngáo đá”. Ở giai đoạn này, người sử dụng thường có những hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh như: trèo lên nóc nhà – cột điện, dùng hung khí đe dọa, tấn công người khác, thực hiện các hành vi gây án rùng rợn v.v... Khi sử dụng trong thời gian dài, cơ thể sẽ gặp ảo giác hoang tưởng, loạn thần kéo dài.

Cũng theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, số lượng bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng MTTH vào điều trị nội trú ở các bệnh viện tâm thần đang tăng cao. Chỉ tính riêng tại Khoa H – Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trong năm 2017 đã có gần 300 bệnh nhân nhập viện điều trị loạn thần do trước đó có sử dụng MTTH. Số bệnh nhân nhập viện có xu hướng trẻ hóa, chủ yếu ở lứa tuổi từ 18-35. Trong số này, có những trường hợp chuyển từ sử dụng ma túy truyền thống: heroin, thuốc phiện… sang MTTH.

* Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, bên cạnh nguy cơ gây nghiện, các biến chứng do sử dụng MTTH rất phức tạp. MTTH có thể gây ra nhiều loại bệnh tâm thần dai dẳng làm mất sức lao động. Bệnh có thể xuất hiện chỉ do một lần sử dụng, sau một thời gian dài ngắn khác nhau.

Nhiều bằng chứng khoa học đã cho thấy, MTTH gây tổn thương não rất khó hồi phục. Lạm dụng bất kỳ loại ma túy nào cũng là một căn bệnh ung thư trong xã hội. Suy nghĩ sử dụng MTTH không bị nghiện như ma túy truyền thống là hoàn toàn sai lầm. Chỉ cần sử dụng một lần thôi sẽ rất dễ bị lệ thuộc. Do vậy, các bạn trẻ hãy “không thử ma túy dù chỉ một lần”.

* Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho biết, trước khi bị “ngáo đá” có hành vi mất kiểm soát, người sử dụng MTTH thường thức khuya, bật nhạc to, có hành vi ngẩn ngơ, mắt long lanh, sợ sệt, lời nói không bình thường. Thấy những dấu hiệu này, người thân trong gia đình phải cất hết dao, kéo, gậy gộc và tìm cách khống chế rồi đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa tư vấn, điều trị để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top