Ma túy tổng hợp tấn công giới trẻ

Bài cuối: Cần sự vào cuộc đồng bộ để ngăn chặn thú chơi nguy hại

09:57 - Thứ Sáu, 26/10/2018 Lượt xem: 8825 In bài viết

Hiểm họa ma túy (MTTH) tấn công giới trẻ, gây nguy hại cho xã hội là có thực, là vấn đề đang rất nhức nhối hiện nay. Vậy đâu là giải pháp đẩy lùi, ngăn chặn thú chơi nguy hại này? Câu hỏi này rất cần sự chung tay giải đáp từ phía các ngành, các cấp và cả xã hội.

Bài 3: Những vụ án đau lòng sau làn khói ảo

Bài 2: Một ngày ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

Ma túy tổng hợp tấn công giới trẻ

“Chặt” nguồn cung để ngừa hiểm họa

Nhắc đến vụ triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với tang vật thu giữ hơn 3 tạ ma túy “đá” của Công an tỉnh Quảng Bình mới đây, nhiều người giật mình lo ngại trước sự manh động của các đối tượng phạm pháp cũng như ngợi khen trước chiến công xuất sắc này. 3 tạ ma túy “đá” bị thu giữ đã góp phần giúp nhiều gia đình thoát khỏi cảnh “lầm than”, con em mình không bị số MTTH này tấn công.

Trước đó, khoảng 13h ngày 12-10-2018, Tổ công tác của Phòng CSGT – Công an tỉnh Quảng Bình do Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tân làm Tổ trưởng trong lúc làm nhiệm vụ trên tuyến QL1A, đoạn thuộc xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) thì phát hiện xe ôtô loại 5 chỗ mang BKS 86C-091.0x có nhiều biểu hiện nghi vấn nên tiến hành dừng xe kiểm tra hành chính. Vừa dừng xe, tài xế chiếc xe trên liền dúi tiền hối lộ cán bộ làm nhiệm vụ nhưng đã bị Tổ công tác nhắc nhở.

Với linh cảm nghề nghiệp, cho rằng: “chiếc xe trên có gì đó không ổn”, đồng chí Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu tài xế mở cốp xe. Lúc này, tài xế liền bỏ chạy vào rừng… Khám xe, lực lượng chức năng phát hiện số ma túy “đá” cực lớn với khối lượng lên đến 308,6kg được đựng trong 12 bao tải để sau cốp xe.

Đến sáng 13-10-2018, với sự hỗ trợ của người dân, lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình đã bắt giữ được đối tượng Xệng Vàng (23 tuổi, trú ở huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào). Tại cơ quan Công an, Xệng Vàng khai nhận trước đó nhận vận chuyển thuê số ma túy “đá” từ một người lạ mặt để nhận số tiền công 10 ngàn USD.

Với khoản lợi nhuận kếch sù do mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, MTTH đem lại, nên dù biết hành vi của mình vi phạm pháp luật, khó tránh khỏi bản án nghiêm khắc, nhiều đối tượng vẫn lao vào con đường cung cấp “cái chết” mang tên MTTH. Thượng tá Ngô Văn Hóa – Trưởng phòng 5, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) tỏ ra lo ngại trước sự manh động, liều lĩnh cùng với những thủ đoạn tinh vi mà các đối tượng có hành vi mua bán, sản xuất, tàng trữ MTTH sử dụng nhằm đối phó lại lực lượng chức năng trong thời gian qua.

Ngoài những thủ đoạn trong quá trình vận chuyển, mua bán như: thường xuyên thay đổi địa điểm giao “hàng”, sử dụng các phương tiện ôtô, xe máy khác nhau trong quá trình di chuyển vận chuyển “hàng” đến nơi tiêu thụ, sẵn sàng sử dụng hung khí chống trả lại khi bị phát hiện v.v..., thời gian qua, nhiều đối tượng đã nghiên cứu, tìm cách sản xuất các loại MTTH mới nhằm mục đích gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi phát hiện. Bởi số MTTH có dạng thức mới này nếu không nằm trong danh mục ma túy và tiền chất cấm theo quy định của Chính phủ thì dẫu có phát hiện, thu giữ thì cơ quan chức năng cũng không thể xử lý nghiêm trước pháp luật được.

Ngày 15-5-2018, Nghị định số 73/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian Nghị định trên được ban hành, trên thị trường “đen” lại xuất hiện thêm một số chất ma túy mới không nằm trong danh mục cấm, khiến công tác đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo tiền chất phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, sản xuất thuốc tân dược…, nhiều đối tượng đã sử dụng các tiền chất để chế xuất ra MTTH.

“Do vậy để “chặt” nguồn cung MTTH, bên cạnh việc lực lượng phòng, chống ma túy “đánh mạnh” các đường dây cung cấp trái phép ma túy, MTTH, cơ quan có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định cụ thể và chặt chẽ về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý tiền chất đối với các cơ quan chức năng”, Thượng tá Ngô Văn Hóa nhấn mạnh.

 

Quản lý chặt tiền chất, không để các đối tượng sử dụng để chế xuất ra ma túy tổng hợp.

Chống tái nghiện – cần sự vào cuộc từ cộng đồng

Ngăn chặn dân chơi là giới trẻ “bập” vào MTTH đã khó, việc chống tái nghiện đối với những trường hợp này lại càng khó khăn hơn. Tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 thuộc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TP Hà Nội, hiện có gần 300 học viên đang điều trị, cai nghiện do trước đó bị ma túy (heroin, thuốc phiện, MTTH) lôi cuốn. Trong số này, có tới gần 60% số học viên có liên quan đến MTTH.

Ông Đỗ Trọng – Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 cho biết, nghiện ma túy là một bệnh mãn tính. Việc chống tái nghiện cho người sử dụng ma túy là cả một quá trình, nhất là đối với người nghiện MTTH. Lẽ vì, hiện chưa có loại thuốc nào uống vào là hết nghiện, là không tái nghiện, mà chỉ có thuốc điều trị giảm “hội chứng cai” (tập hợp triệu chứng của người thiếu ma túy). Do vậy, sau khi giảm “hội chứng cai”, cắt cơn thèm MTTH, trở về nhà, nếu như gia đình, tổ chức xã hội không quan tâm sát sao, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, những người sau cai nghiện này rất dễ tái nghiện.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ quay lại cơ sở để cai nghiện của học viên trong những năm qua đạt 60-70%. Có những trường hợp cai nghiện ở đây đến 2-3 lần. “Việc điều trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy nói chung, MTTH nói riêng phải nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng. Khi các học viên cai nghiện theo liệu trình điều trị thành công, trở về nhà cần được ổn định tâm lý, có việc làm ổn định. Chứ chưa rời khỏi cơ sở, bên ngoài đã có bạn bè đợi sẵn, rồi đưa nhau đi ăn chơi, thác loạn thì làm sao cai nghiện thành công được?”, ông Đỗ Trọng tâm sự.

Có thể thấy rằng, để người nghiện MTTH từ bỏ làn khói ảo chết người rất cần sự chung tay của các gia đình, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội. Vì dù có cắt cơn nghiện, tuyên truyền về những tác hại do ma túy gây ra đến đâu đi chăng nữa, mà khi trở về cộng đồng, nếu không được sinh hoạt, lao động trong môi trường lành mạnh, cách ly với đám bạn ăn chơi thác loạn thì tái nghiện là một sớm, một chiều.

Học viên N.V.K. (34 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một ví dụ. Đây là lần thứ 3, K. viết đơn tự nguyện xin vào cai nghiện tập trung ở Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5. K. “đập đá” từ những năm 2008, 2009. Do bị ảo giác, rối loạn hành vi, K. đã viết đơn tự nghiện vào đây cai nghiện. Sau những lần cai trước đây, lúc trở về nhà, do nghe theo lời rủ rê của chúng bạn, K. lại “bay” theo làn khói ảo.

“Lần thứ 3 này, em vào đây gần được 2 tháng rồi. Sắp tới ra ngoài, không biết em có còn tái nghiện nữa không. Từ bỏ hoàn toàn MTTH thật không dễ chút nào, phải có bản lĩnh anh ạ!”, K. ngước đôi mắt nhìn về phía xa, rồi nói như vô vọng.

Đổi mới hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng cụ thể

* Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học (Bộ Công an) kiến nghị, để đẩy lùi hiểm họa MTTH tấn công giới trẻ, công tác tuyên truyền, giáo dục phải được đẩy mạnh từ trong gia đình, trong cộng đồng; phải tuyên truyền cho trẻ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nội dung tuyên truyền phải thật cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, phong tục tập quán, lứa tuổi của từng đối tượng.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư phải thực sự tạo ra môi trường sống lành mạnh, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi phạm pháp có liên quan đến ma túy.

* Tiến sĩ Phạm Huy Cường, Phó Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường Đại học KHXH và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhà trường hiện có khoảng 6.500 sinh viên đại học hệ chính quy và 3.000 học viên thạc sĩ. Từ nhiều năm qua, nhà trường chưa phát hiện trường hợp nào liên quan đến ma túy, MTTH. Có điều này cũng bởi, công tác phòng ngừa luôn được nhà trường chủ động chú trọng.

Vào các dịp đầu năm học mới, nhà trường thường xuyên tổ chức “tuần lễ định hướng” cho các sinh viên. Thông qua các buổi định hướng này, chuyên gia an ninh sẽ nói chuyện chuyên đề về chính trị, về công tác phòng ngừa tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy xâm nhập học đường, qua đó giúp các sinh viên thấy được việc gì làm, việc gì không nên làm.

Và để đẩy lùi tệ nạn ma túy xâm nhập học đường, nhà trường cần phát huy hiệu quả các mô hình, phong trào văn hóa, thể dục – thể thao cung cấp các kỹ năng, tạo sự gắn bó giữa sinh viên với môi trường học, hạn chế thời gian tụ tập chơi bời.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top