Xã nói không với vi phạm lâm luật

13:32 - Thứ Sáu, 04/01/2019 Lượt xem: 8046 In bài viết

ĐBP - Quản lý, bảo vệ 1.212,76ha rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên song nhiều năm nay, xã Nậm Nèn (huyện Mường Chà) không xảy ra cháy rừng, không phá rừng làm nương, không buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép; là xã điển hình trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của huyện Mường Chà.

 

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân xã Nậm Nèn.

Ðạt được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao của chính quyền và sự tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân. Hàng năm, UBND xã Nậm Nèn kiện toàn ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) cấp xã, củng cố 9/9 tổ, đội bảo vệ rừng tại thôn, bản với gần 60 thành viên; xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các chủ rừng, cộng đồng thôn, bản. UBND xã chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà tổ chức tuyên truyền từ 4 - 5 lượt/năm và mở nhiều hội nghị tại xã, bản quán triệt tới người dân các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Cao điểm mùa hanh khô, mùa đốt nương của người dân, kiểm lâm địa bàn, bảo lâm xã phối hợp với trưởng bản thường xuyên nhắc nhở người dân sản xuất trên nương đảm bảo quy định, đốt nương không để cháy lan vào rừng, phát đường băng cản lửa… Hàng năm, Chủ tịch UBND xã ký cam kết với Chủ tịch UBND huyện; trưởng thôn, bản, chủ rừng ký cam kết với UBND xã, từng hộ dân ký cam kết với Hạt Kiểm lâm về công tác quản lý bảo vệ rừng, không phá rừng làm nương, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản. Khi các cộng đồng thôn, bản thực sự là những chủ rừng và được hưởng lợi trực tiếp từ rừng thì nhận thức về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người dân ngày càng nâng lên. Các tổ đội bảo vệ rừng thôn, bản phối hợp với kiểm lâm địa bàn, bảo lâm xã tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng 2 lần/tháng; mùa khô hanh 4 lần/tháng, nhất là tại những “điểm nóng”, giáp ranh với các xã Hừa Ngài, Pa Ham, Huổi Mí. Nhờ làm tốt các biện pháp phòng ngừa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nên 10 năm trở lại đây, xã Nậm Nèn không xảy ra cháy rừng, không có trường hợp nào khai thác rừng trái pháp luật, vận chuyển lâm sản trái phép.

Nhận khoán hơn 300ha rừng, bản Nậm Nèn 2 đã thành lập tổ bảo vệ rừng của bản gồm 8 thành viên. Hàng tháng, tổ chia thành 2 nhóm thay phiên tuần tra, không để xảy ra tình trạng xâm hại rừng. Từ khi nhận khoán rừng, người dân bản Nậm Nèn 2 được chi trả dịch vụ môi trường rừng (khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm). Vài năm gần đây, nhiều hộ dân còn tăng thu nhập từ nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng. Ông Ðiêu Văn Vậng, Trưởng bản Nậm Nèn 2, xã Nậm Nèn cho biết: Từ khi xã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và UBND tỉnh có chính sách giao khoán rừng cho các hộ dân, không còn ai phá rừng, đốt nương. Mọi người đều nhận thức được những lợi ích mà rừng mang lại nên ai cũng có ý thức bảo vệ rừng.

Ông Ðiêu Chính Ðịnh, Chủ tịch UBND xã Nậm Nèn cho biết: Nậm Nèn là xã có nhiều dân tộc sinh sống, trình độ dân trí thấp. Tuy nhiên, khoảng 2 nhiệm kỳ gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Nèn rất chú trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã. Xác định nguyên nhân người dân phá rừng là do thiếu đất sản xuất, do tập quán sản xuất luân canh trên nương, do đó song song với công tác tuyên truyền, xã đã tích cực vận động người dân khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh, tăng vụ. Từ năm 2013 đến nay, toàn xã chuyển đổi 127ha đất nương trồng ngô, lúa nương sang trồng dong riềng; khai hoang, phục hóa gần 50ha ruộng bậc thang nâng tổng diện tích sản xuất lúa 2 vụ của xã lên 125ha. Nhờ sản xuất thâm canh, nông sản có giá trị kinh tế cao nên người dân không còn phá rừng, đồng thuận bỏ nương bạc màu để khoanh nuôi tái sinh rừng. Bên cạnh đó, nhờ bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, mỗi năm bình quân mỗi hộ được nhận từ 2 - 3 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top