Cấp phép kinh doanh - thông thoáng cũng khổ!

Cấp phép 1 ngày, khởi kiện 3 năm

16:51 - Thứ Ba, 08/01/2019 Lượt xem: 6568 In bài viết

Luật Doanh nghiệp quy định thông thoáng trong cấp phép kinh doanh, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp làm ăn. Thế nhưng, do thiếu cơ chế giám sát và trách nhiệm xử lý đi kèm, đã tạo cơ hội cho kẻ gian, khiến người ngay bị… mắc cạn!

 

Thủ tục khiếu kiện 3 năm chưa xong, nhiều người dân mua dự án “mắc cạn”!

 Hồ sơ cấp phép trong 1 ngày, nhưng vì không có cơ chế trách nhiệm, nên khi cấp sai, người dân muốn đòi lại quyền lợi, khiếu kiện 3 năm chưa xong. Có một vụ điển hình sai rõ ràng, nhưng vẫn không quy được trách nhiệm, hàng trăm tỷ đồng đang bị chiếm đoạt…

“Cướp” doanh nghiệp - chuyện lạ có thật!

Chuyện thật như đùa, đó là một công ty bất động sản với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, bỗng dưng bị thay tên đổi chủ trong một ngày. Cụ thể, ông Trần Minh Hoàng, sở hữu khoảng 25% vốn góp và là cổ đông sáng lập ra Công ty CP Đầu tư bất động sản Việt Nam. Ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT, đồng thời là người đại diện trước pháp luật của công ty. Bỗng tháng 11-2015 ông hay tin “ghế” Chủ tịch HĐQT của ông đã bị “cướp” bởi ông Trần Bình Long (người có khoảng 10% vốn góp ở công ty). Ông Long làm con dấu mới, ký các hợp đồng giao cho sàn giao dịch bán căn hộ cho dân, thu tiền; trong khi dự án chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Ông Hoàng lập tức gửi rất nhiều đơn khiếu nại, khiếu kiện. Ông Hoàng gửi đơn yêu cầu Văn phòng công chứng Tân Thuận hủy bỏ việc công chứng hợp đồng ủy quyền bán căn hộ bất hợp pháp vì con dấu do thủ tục bất hợp pháp có được, nhưng văn phòng công chứng này vẫn im lặng; gửi đơn yêu cầu Sàn giao dịch chứng khoán công bố thông tin con dấu giả, thủ tục giả để bảo vệ cổ đông, nhưng cũng rơi vào im lặng; gửi đơn đến Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) yêu cầu hủy việc cấp thay đổi giấy phép kinh doanh trái pháp luật nhưng sở không rút; gửi đơn ra tòa, nhưng đến nay đã 3 năm vẫn chưa xong - dù việc làm giả giấy tờ đã được giám định rõ.

Cụ thể, từ tháng 11-2015, ông Hoàng khiếu nại, Sở KHĐT cho rằng, toàn bộ hồ sơ sở nhận là “hợp lệ” (có biên bản họp HĐQT do ông Hồ Đắc Hưng ký và đóng dấu hợp lệ) nên sở đã cấp đúng! (hồ sơ do ông Trần Bình Long ủy quyền cho ông Lâm Minh Vương - người ngoài công ty, thay mặt nộp tại Sở KHĐT).

Ông Hoàng cho rằng, con dấu ông đang giữ và ông là Chủ tịch HĐQT nhưng không được mời họp; ngay trong con dấu cũng khác nhau, con dấu ông giữ chữ “CP” viết tắt, còn con dấu giả thì ghi rõ chữ “cổ phần”, nên nếu Sở KHĐT đối chiếu hồ sơ lưu là sẽ phát hiện ngay. Do vậy, ông khẳng định giấy tờ đó là giả. Thế nhưng, Sở KHĐT cho rằng, sở chỉ kiểm tra tính “hợp lệ” (các loại giấy tờ, có điền đầy đủ theo mẫu), chứ không chịu trách nhiệm về tính “hợp pháp” của hồ sơ, vì theo quy định, nguời khai tự chịu trách nhiệm. Do vậy, dù sở cấp giấy trong vòng 1 ngày nhưng muốn hủy thì phải có kết luận giám định giấy tờ giả và có yêu cầu từ phía công an.

Không ai chịu trách nhiệm

Ông Hoàng lại phải quay về Công an quận 7 nộp đơn tố cáo hồ sơ giả mạo. Công an TPHCM cũng đã giám định và kết luận con dấu đóng trong hồ sơ thay đổi người đại diện pháp luật nộp tại Sở KHĐT là giả. Mặc dù Điều 267 Bộ Luật Hình sự quy định rõ, chỉ cần có hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân là đã phạm tội, bị phạt đến 3 năm tù. Còn việc “gây hậu quả” là tình tiết tăng nặng ở khung 2 với hình phạt lên đến 5 năm tù, thế nhưng tại Thông báo số 294/TB-CSĐT(KT) Công an quận 7 trả lời: “Xác định Hồ Đắc Sinh và đồng bọn có dấu hiệu phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhưng việc làm và sử dụng hình dấu giả trên thông báo gởi Sở KHĐT không nhằm mục đích làm trái pháp luật, mà chỉ để đăng ký và sử dụng mẫu con dấu mới nhằm bảo đảm duy trì hoạt động của công ty, chưa gây hậu quả cho công ty, nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”. 

Sai phạm rõ ràng, nhưng không nơi nào xử lý. Tháng 10-2016, ông Hoàng nộp đơn kiện ra tòa, thế nhưng 1 năm sau (ngày 27-9-2017) vụ án mới được mang ra xét xử sơ thẩm - dù theo thủ tục tố tụng thì thời gian xét xử chỉ trong vòng 5 tháng. Ra tòa, tòa cũng nhận định hồ sơ và con dấu nộp cho Sở KHĐT là giả nên tuyên hủy việc thay đổi người đại diện pháp luật trong giấy chứng nhận ĐKKD. Còn trách nhiệm bồi thường, vì sở đã cấp cho hồ sơ sai, thì như đã nói trên, sở chỉ chịu trách nhiệm về tính “hợp lệ” chứ không chịu trách nhiệm về tính “hợp pháp” của hồ sơ. Do vậy, ông Hoàng đã phải rút yêu cầu buộc Sở KHĐT bồi thường. Muốn bồi thường, ông lại phải chờ kết thúc vụ kiện hành chính của Sở KHĐT rồi mới khởi kiện dân sự người nộp hồ sơ giả ra tòa một lần nữa.

Hiện vụ án kiện Sở KHĐT đang được kháng cáo, và phiên xử sơ thẩm đến nay đã 15 tháng (trễ hạn 1 năm), nhưng không hiểu sau tòa cấp trên vẫn chưa xử phúc thẩm - trong khi luật quy định thời gian xét xử phúc thẩm không quá 3 tháng. Bức xúc hơn là hàng trăm người dân đang mua dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ và Chung cư Vinaland Tower (Chung cư Saigon South Plaza) từ Công ty CP Đô Thành Land (CTK Land), đơn vị được ông Trần Bình Long sử dụng con dấu giả để thay đổi đứng tên pháp nhân công ty ký hợp tác với CTK Land. Vì nếu việc hủy thay đổi người đại diện với thủ tục không hợp pháp thì sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm khách hàng với số tiền đã nộp trên trăm tỷ đồng, gây hậu quả không hề nhỏ cho xã hội.

Lẽ ra, với thủ tục cấp giấy ĐKKD trong 1 ngày thì việc xử lý sai phạm phải được tòa xử theo thủ tục rút gọn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên kinh doanh, đằng này tòa còn “ngâm” hồ sơ hơn 2 năm chưa xử xong vụ án, bỏ rơi quyền lợi hợp pháp của người dân. Câu hỏi bức xúc là thiệt hại đó ai gánh? Bởi theo quy định hiện nay, những sai phạm này của tòa, người dân chỉ được khiếu nại hành chính chứ không được quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại!? 

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top