Các vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại bị khởi tố nhiều hơn

16:51 - Thứ Tư, 23/01/2019 Lượt xem: 9853 In bài viết

Các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN đạt 20.123 tỷ 508 triệu đồng, khởi tố 1.979 vụ với 2.339 đối tượng.

 

Toàn cảnh buổi họp báo.

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) thông báo kết quả công tác năm 2018, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 cho biết, năm 2018, tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới đường bộ, cảng hàng không, bưu điện quốc tế, đường biển. 

Cụ thể, tuyến biên giới đường bộ, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường mòn, lối mở, chủ yếu là ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, đồ điện gia dụng, bách hóa tiêu dùng, gia cầm, phụ tùng máy móc, phế liệu, dược liệu, thuốc lá, đường, rượu... Các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa hình phức tạp, sơ hở trong công tác quản lý của các lực lượng chức năng để hoạt động. 

Còn tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, hàng hóa vi phạm thường là hàng gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao  như vàng, ngoại tệ, sản phẩm động vật hoang dã, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, đồ điện tử, rượu ngoại, xì gà,... 

Còn tại các tuyến  đường biển, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp, với các thủ đoạn tinh vi, chủ yếu lợi dụng bất cập trong chế độ chính sách, các ưu đãi về thuế, tiêu chuẩn hàng hóa và công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu liên quan đến ma tuý, động vật hoang dã, máy móc thiết bị, hàng bách hóa. Đáng chú ý là vi phạm về nhập khẩu phế liệu. Điển hình là vụ cơ quan Hải quan bắt giữ 119 kg cocaine cất dấu trong container hàng sắt phế liệu nhập khẩu qua cảng Cái Mép; vụ bắt giữ  8 tấn vẩy tê tê và ngà voi cất dấu trong container phế liệu nhập khẩu qua cảng Tiên Sa, Đà Nẵng…

Ông Đàm Thanh Thế cho biết, hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành và địa phương đã tiến hành đồng bộ, hiệu quả, theo đúng tiến độ và nhiệm vụ được Trưởng Ban giao tại Kế hoạch công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Trong đó, các đơn vị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống buôn lậu thuốc lá…

Riêng Văn phòng Thường trực 389 quốc gia đã chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của các bộ, ngành, địa phương. Tham mưu chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Trưởng ban, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đối với các kế hoạch chuyên đề của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các ý kiến chỉ đạo đấu tranh, xử lý các hiện tượng, vụ việc vi phạm nổi cộm…

Kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm theo số liệu sơ bộ năm 2018, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2017), thu nộp NSNN đạt 20.123 tỷ 508 triệu đồng (giảm 12% so với cùng kỳ 2017), khởi tố 1.979 vụ (tăng 21% so với cùng kỳ 2017), 2.339 đối tượng (tăng 10% so với cùng kỳ 2017). 

Về nhiệm vụ năm 2019, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 cho biết, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó tập trung vào Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 bộ, ngành địa phương thực hiện các kế hoạch chuyên đề như: chống việc lợi dụng hoạt động  thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; kế hoạch chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan khu vực biên giới phía Bắc. 

Văn phòng Thường trực phối hợp với các Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch công tác năm 2019 theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý, tăng cường đôn đốc, giám sát…Đặc biệt, Văn phòng Thường trực sẽ tiếp tục đổi mới công tác truyền thông cả bề rộng và chiều sâu để xã hội nhận biết tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tuyên truyền cho nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này.

P.V (Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top