Cần chấm dứt thói côn đồ theo đám đông

15:50 - Thứ Năm, 28/02/2019 Lượt xem: 7779 In bài viết

Những ngày qua, dư luận cả nước bàng hoàng trước thông tin ông bố trẻ ở Long An bị đâm chết trong lúc chơi đùa với con vì bị hiểu nhầm là kẻ bắt cóc. Xót xa vì một gia đình bị mất người thân yêu đúng vào lúc đang hạnh phúc. Phẫn nộ vì kẻ gây án hung hãn tước đi mạng sống người khác một cách dễ dàng đến vậy.

Đây là một vụ việc hy hữu nhưng cảnh báo rất nhiều điều về những bất ổn trong xã hội hiện đại, đặc biệt là ý thức công dân và sự thiếu hiểu biết pháp luật.

 

Cơ quan Công an lấy lời khai đối tượng Nguyễn Ngọc Hải Điền.

Bố mất trước mắt con thơ

Anh Lê Hoài Bảo (SN 1991, ngụ tại ấp Hòn Sóc, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) đưa vợ con lên Long An làm ăn và tạm trú tại ấp Sò Đo, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Chiều muộn 21-2-2019, anh đưa cậu con trai 3 tuổi ra công viên chơi. Cậu bé tung tăng vui đùa cùng cha. Nhưng ngờ đâu, chỉ ít phút sau, cậu bé vĩnh viễn mất đi người cha thân yêu của mình từ những nhát dao oan nghiệt. Từ sự lầm tưởng anh Bảo là đối tượng bắt cóc trẻ con, đối tượng hung hãn tước đi mạng sống của anh.

Theo kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Long An, khoảng 17h, ngày 21-2, Nguyễn Ngọc Hải Điền (SN 1993, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đi giao mỹ phẩm tại Khu A, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa. Lúc này, Điền thấy bà Dương Thị Gắt (SN 1941, ngụ Ô 6, khu A, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) bán vé số dẫn đứa bé khoảng 3-4 tuổi nói là con của ai chơi trong công viên chạy theo bà, không thấy cha mẹ nên bà Gắt dẫn bé đến chỗ chị P đang bán chè hỏi phải con chị P không thì chị P trả lời không. Lúc này, anh Lê Hoài Bảo chạy xe mô tô đến bồng đứa trẻ lên xe. 

Thấy vậy, Điền hỏi: “Mày là ai mà bắt con người ta đi?”. Anh Bảo nhận cháu bé là con của mình nhưng sau đó Điền với anh Bảo cự cãi dẫn đến xô xát. Mặc dù đã được mọi người can ngăn nhưng Điền lấy trong túi quần jean ra 1 con dao bấm đã mang theo trước đó, đâm liên tiếp vào người anh Bảo. Anh Bảo ngã xuống, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa nhưng mọi nỗ lực cứu sống anh không thành.

Ngay sau đó, Công an thị trấn Hậu Nghĩa đã tước dao và lập biên bản bắt giữ Điền. Tại cơ quan điều tra, Điền khai nhận học hết lớp 10 thì nghỉ học và cưới vợ vào năm 2014, có 1 con trai 5 tuổi. Hằng ngày, Điền phụ gia đình sửa xe đạp. Vào ngày 21-2, Điền phụ vợ bán hàng online, đi giao mỹ phẩm cho khách hàng. Điền khai, do nghi ngờ anh Bảo bắt cóc trẻ em nên Điền đã giữ anh Bảo lại. Mặc dù anh Bảo trình bày là con trai của mình nhưng Điền không tin. Trước khi xảy ra sự việc, Điền có uống bia tại nhà một người bà con.

 

Vụ việc hàng chục người dân xông vào đánh Y Sul Êban dẫn đến tử vong.

Chiều 25-2, phóng viên Chuyên đề ANTG đã tiếp xúc với đối tượng Nguyễn Ngọc Hải Điền trong trại tạm giam của Công an tỉnh Long An. Điền tỏ ra rất hối hận về hành vi của mình: “Vì phút giây nóng nảy nhất thời, tôi đã tước đoạt mạng sống của một người không quen biết”. Từ trại tạm giam, Điền gửi lời xin lỗi đến gia đình, vợ con anh Bảo.

Hiện, Cơ quan công an tiếp tục điều tra, hoàn thiện hồ sơ để truy tố đối tượng Điền ra trước pháp luật. Lời xin lỗi của Điền dù là ăn năn hối cải nhưng chẳng thể trả lại người cha cho đứa con thơ đang cần sự nuôi dạy, bao bọc. Gia đình nhỏ của anh Lê Hoài Bảo bỗng chốc tan tác.

Theo thông tin của một số nhân chứng tại hiện trường, mặc dù có người can ngăn, thậm chí có cả người quen của anh Bảo xác nhận cậu bé là con trai anh Bảo nhưng đối tượng này vẫn không bỏ qua. Thậm chí, có nhiều người tụ tập đứng xem nhưng cũng chẳng ai cứu được mạng sống cho anh Bảo.

Hậu quả của hành xử theo tâm lý đám đông

Người cha bị đâm chết vì nghi bắt cóc chính con trai mình. Đó là điều thật trớ trêu và hy hữu. Tuy nhiên, những vụ việc tương tự như vậy, khi chưa làm rõ sự việc, người dân tự xử theo tâm lý đám đông đã gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Như trường hợp “đánh hội đồng” làm chết kẻ trộm chó, đánh chết kẻ trộm tài sản của người dân, phá hủy tài sản của đối tượng trộm cắp và thậm chí là đánh, phá tài sản của người mới nghi là trộm cắp, bắt cóc trẻ con...

Điển hình gần đây, ngày 22-10-2018, anh Nguyễn Anh Khoa (trú tại phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) cùng vợ và con gái 4 tuổi đi lễ nhà thờ. Kết thúc buổi lễ, anh Khoa cùng con gái ra bãi giữ xe nhà thờ để về thì Y Sul Êban đến giằng bé gái đang ngồi trên xe. Anh Khoa giữ lại và nói: “Sao bắt cóc con tôi?” thì Y Sul Êban nhận là con mình. Nghe anh Khoa la lớn có người bắt cóc con, thấy nhiều người chạy đến, Y Sul Êban đã bỏ chạy. Anh Khoa cùng nhiều người dân đuổi theo bắt được Y Sul Êban.

Tuy nhiên, thay vì đưa người nghi bắt cóc trẻ em đến Cơ quan công an thì một số người dân vì quá bức xúc đã đánh Y Sul Êban bị thương nặng dẫn đến tử vong. Cơ quan công an sau đó đã bắt giữ 5 người có liên quan.

Trước đó một năm, ngày 22-7-2017 cũng xảy ra vụ đánh 2 phụ nữ gây thương tích nặng tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội do bị nghi bắt cóc trẻ con. Bà Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi, trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội) và bà Lê Thị Bảy (40 tuổi, trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cùng nhau đi bán tăm. Sau khi hỏi chuyện một đứa trẻ, hai bà đã bị hàng trăm người vây giữ, đánh đập dã man. Công an huyện Sóc Sơn nhận tin báo, có mặt tại hiện trường đưa cả hai vào bệnh viện và điều tra xác định hai người không có hành vi bắt cóc trẻ em.

 

Một số người sẵn sàng hành động theo bản năng, theo sự thúc đẩy của tâm lý đám đông, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ người dân đốt xe, phá hủy tài sản của kẻ trộm chó. Nhưng, việc đốt xe ôtô Fortuner của một người dân bị nghi ngờ “thôi miên” ở Hải Dương là điển hình của sự hung hãn, manh động và hành động thiếu lý trí, theo tâm lý đám đông.

Ngày 20-7-2017, anh Trịnh Mạnh Hải, giám đốc một công ty ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương và lái xe là anh Lê Văn Nam đi ôtô Fortuner BKS 34A-121.79 từ TP. Hải Dương về nhà vợ anh Hải ở xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Khi đi qua cửa hàng bán đồ gỗ ở gần ngã 3 xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà thì các anh dừng xuống xem hàng. Sau đó, chủ cửa hàng thấy người mệt mỏi, nghi bị thôi miên nên đã hô: “Thôi miên! Thôi miên...”.

Dù được giải thích nhưng một số người không nghe. Thậm chí, một số người bị kích động đã đốt xe ô tô của anh Hải. Sau vụ việc trên, 3 đối tượng đã bị bắt giam về hành vi hủy hoại tài sản.

Bài học về sự thiếu hiểu biết, coi thường pháp luật

Khi được hỏi cảm xúc về vụ việc người bố tử vong do bị nghi bắt cóc chính con mình, PGS. TS. Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an, cho biết, cảm nhận đầu tiên của ông là ngỡ ngàng: “Nói theo ngôn ngữ đời thường đó là cái chết lãng nhách, cái chết hy hữu. Tôi cảm thấy đáng tiếc và thấy có gì đó bất ổn trong xã hội hiện tại. Đây là câu chuyện mang tính riêng lẻ thôi nhưng lại cảnh báo nhiều điều khác, không chỉ riêng vụ này”.

PGS. TS. Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, hiện tượng tâm lý đám đông, ứng xử theo đám đông còn hiện diện rất nhiều trong đời sống. “Đã là tâm lý đám đông thì họ thiếu kiểm soát và không đủ minh mẫn, không đủ thông tin để minh định hiện tượng xảy ra là gì, hành động theo sự thúc đẩy bản năng và thông tin đồn thổi không chuẩn xác, không chính đáng” - ông khẳng định.

 

Hai phụ nữ bị đánh ở Sóc Sơn vì nghi bắt cóc trẻ em.

Về vấn đề này cần phải hiểu đúng để tránh tình trạng vô cảm trước sự phức tạp của xã hội. Lâu nay nhiều người đã vô cảm trước việc làm tội phạm và những hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến quyền lợi và nghĩa vụ của người khác như trong các vụ tai nạn giao thông, trộm cắp, cướp giật trên đường phố. Người ta thờ ơ, né tránh, giữ mình. Thế nhưng, bên cạnh đó lại có một bộ phận những người sẵn sàng hành động theo bản năng, theo sự thúc đẩy của tâm lý đám đông, sự tham gia hội đồng đó biểu hiện rõ nhận thức về pháp luật hạn chế.

PGS. TS. Đỗ Cảnh Thìn phân tích, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là thời gian qua có nhiều thông tin lan truyền không chuẩn xác dẫn đến hiện tượng ngộ nhận, Chỉ một hiện tượng nhỏ nhưng người ta kích động, lan truyền, đồn thổi, đẩy hiện tượng đó lên. Hai bà đi bán tăm ở Sóc Sơn bị nghi bắt cóc cũng lôi vào đánh. Ở Hải Dương cũng vậy, người ta đi xe đến thăm người nhà mà hô hào lên rồi đốt xe... Đó là một trong những hiện tượng bị ảnh hưởng bởi tâm lý xã hội. Tâm lý xã hội đó bị chi phối bởi những câu chuyện không có thật, tạo sự lo lắng không đáng có trong cộng đồng.

Sự lan truyền thông tin thái quá làm cho nhiều người không đủ tỉnh táo, hiểu biết để họ phân biệt những hiện tượng xảy ra, không đủ sự bình tĩnh đã hành động để lại hậu quả nghiêm trọng. Đó cũng là một biểu hiện của sự coi thường và thiếu hiểu biết pháp luật. Không phải những người đó là tích cực mà họ hành động theo kiểu bị thúc đẩy bởi đám đông mang tính chất côn đồ, kích động.

Những người có ý thức phát hiện tố cáo, tố giác tội phạm thì có nhiều cách để cứu giúp nạn nhân và minh định được đúng sai, thông báo cho cơ quan bảo vệ pháp luật thay vì xông vào đánh, bắt. Trường hợp bắt phạm tội quả tang cũng không được phép dùng vũ lực để tấn công nạn nhân. Nhiều trường hợp các đối tượng gây án trước đó đã sử dụng chất kích thích như rượu bia, ma túy dẫn đến mất ý chí hoặc không làm chủ bản thân, dễ bị kích động.

Luật sư Nguyễn Tiến Trung, giám đốc một công ty luật tư nhân cho rằng, vụ việc xảy ra ở Long An là bài học cho nhiều phía. Bố mẹ khi đưa con ra chơi nơi công cộng cũng cần phải rút kinh nghiệm, để mọi người xung quanh hiểu rằng đó là con mình. Nhiều trường hợp bố mẹ đánh con đã gây ra sự bất bình cũng khiến người xung quanh sử dụng vũ lực can thiệp. Bên cạnh đó, người chứng kiến sự việc cần có tinh thần cảnh giác tội phạm nhưng cũng phải có quan sát và chọn cách giải quyết an toàn, đúng pháp luật như báo Cơ quan công an để điều tra, xử lý.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top