Phải siết chặt quản lý người nghiện tại cộng đồng

10:03 - Thứ Sáu, 01/03/2019 Lượt xem: 7695 In bài viết

Vụ sát hại nữ sinh giao bán gà tại Điện Biên đã nối dài thêm danh sách những tội ác rùng rợn do người nghiện ma túy thực hiện. Cả nước hiện có hơn 200 nghìn người nghiện, nhưng chỉ 1/10 con số này đang cai nghiện tập trung, số còn lại sống giữa cộng đồng, là nỗi ám ảnh về những tai họa bất thình lình.

Phải chăng chính sách pháp luật hiện hành về quản lý người nghiện đang còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho cơ sở trong việc cai nghiện và phòng ngừa sớm các vụ án?

Cận kề hiểm họa

Trong lúc dư luận cả nước vẫn đang bàng hoàng trước tận cùng tội ác mà 5 kẻ nghiện ma túy đã gây ra với cô gái vô tội, chúng tôi đã tìm về nhiều miền quê nơi từng xảy ra những vụ thảm án, để có cái nhìn sâu hơn về tai họa do người nghiện gây ra đối với cộng đồng, để nghe tiếng nói từ cơ sở về những bất cập trong chính sách quản lý đối tượng này.

Người dân thôn Phần Hà, xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên vẫn chưa quên buổi trưa ngày 22-5-2017, khi họ vớt dưới sông lên xác một nam giới với vết cắt sâu ở vùng cổ, một vết rạch hình chữ T từ ngực xuống bụng và bộ phận sinh dục đã bị cắt bỏ. Tổ chức truy xét, Công an tỉnh Hưng Yên đã bắt thủ phạm gây án là Phan Văn Tuấn sinh năm 1984, trú tại xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Đối tượng này khai sau khi sử dụng ma túy đá với nạn nhân Nguyễn Văn Thao (nghiện ma túy nặng), trong lúc "phê pha" y đã dùng dao nhọn đâm chết Thao. Đợi đến rạng sáng ngày 21-5-2017, Tuấn đưa xác nạn nhân ra bờ sông Bắc Hưng Hải rồi cắt cơ thể nạn nhân ném xuống sông, với mục đích để cơ thể nhanh phân hủy và đánh lạc hướng cơ quan điều tra, nếu phát hiện sẽ khó phân định nạn nhân là nam hay nữ. 

Rạng sáng ngày 24-9-2016, Doãn Trung Dũng - một kẻ "ngáo đá" đã sát hại 4 bà cháu trong căn nhà 2 tầng ở phường Phương Nam, TP Uông Bí, Quảng Ninh để cướp tài sản. Hành động man rợ của thủ phạm đã khiến dư luận sửng sốt trước ác tính như cầm thú trong con người kẻ nghiện ma túy rất nặng này. 

Bà Nguyễn Thị Hoa ở gần nhà nạn nhân chia sẻ: "Chúng tôi bị ám ảnh mãi về tội ác của thằng Dũng. Nó lạnh lùng giết từng người trong nhà, kể cả những đứa trẻ 8-9 tuổi thì không còn từ nào mô tả nữa. Trước đây Công an làm rất mạnh, bắt nghiện đi cai liên tục nên địa bàn rất trong sạch, an toàn. Mấy năm nay, nghe nói thay đổi luật nên việc quản lý người nghiện ở cơ sở khá lỏng lẻo. Các đối tượng này sống nhởn nhơ, gây ra bao nhiêu là chuyện đáng sợ. Người dân lúc nào cũng nơm nớp lo âu.

Đại tá Nguyễn Hải Phong, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Quảng Ninh hóm hỉnh dùng chữ "nghe thấy ánh sáng và nhìn được âm thanh" khi mô tả về năng lực "siêu phàm" của những kẻ "ngáo đá".

Ông cho biết: "Hiện nay "giới nghiện" có xu hướng sử dụng các loại ma túy tổng hợp, ma túy đá, thuốc lắc (ecstasy), thay thế cho các loại ma túy truyền thống có nguồn gốc tự nhiên như thuốc phiện, heroin, cocain, cần sa… Việc sử dụng ma túy tổng hợp hết sức nguy hiểm, vì tác động trực tiếp đến não bộ con người, gây ra hội chứng "ảo giác", "ảo thị", "ảo thanh", "ám ảnh bị hại, bị giết", hoặc "nhìn thấy quái vật", nói chung là chứng "hoang tưởng loạn thần"... Điều này kích động tâm lý đối tượng, dẫn đến hàng loạt hành vi không bình thường. Nhẹ thì khóc lóc vật vã, lảm nhảm, leo lên mái nhà, cột điện. Nặng thì vơ lấy những vật nguy hiểm để tấn công người khác hay tự sát".

Trung tá Nguyễn Thanh Nghị, Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Công an tỉnh Yên Bái kể với tôi câu chuyện về một đối tượng nghiện gần nhà, trong lúc "phê pha" nhìn thấy đứa con gái nhỏ của mình đang khóc, nghĩ rằng đó là con búp bê nên gã đi tìm dao để "tháo con búp bê ra xem vì sao nó lại biết nói, biết khóc, biết đi"!

 

Vũ Hiếu Nghĩa - kẻ sát hại cháu bé 4 tuổi ngày 22-1-2019 tại thôn Làng Bạc, xã Xuân Quang, Bảo Thắng, Lào Cai.

Mới tháng trước, một vụ án giết trẻ em kinh hoàng đã xảy ra trên tỉnh lộ 157 thuộc xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Sáng 22-1-2019, trong lúc chở con là Nguyễn Thế Anh 4 tuổi đi học bằng xe máy, anh Nguyễn Đức Tú 28 tuổi, ở thôn Làng Bạc, xã Xuân Quang đã va quệt xe với Vũ Hiếu Nghĩa là đối tượng nghiện ma túy, ở cùng thôn. Tên này liền rút dao bầu mang theo người xông vào đâm anh Tú, rồi quay sang chém liên tiếp 3 nhát vào cháu Anh, khiến cháu tử vong tại chỗ.

Những năm gần đây, nhiều vụ án mạng rùng rợn, khó giải thích đã xảy ra trong cả nước. Buổi sáng ngày 7-7-2016, Nguyễn Văn Hồng (một con nghiện ở xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) trong cơn phê ma túy đã vào nhà anh Lê Thanh Hải, nói năng lảm nhảm rồi dùng dao chém chết 2 cháu bé là Lê Minh Đăng 7 tuổi và Lê Ngọc Chi 5 tuổi. 

Ngày 1-11-2016, Nguyễn Hoài Thanh sinh năm 1986, ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã dùng xẻng đập vào đầu chị Võ Thị Thúy Vân dẫn đến tử vong tại một phòng trọ ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Thanh khai trong lúc "ngáo đá", nghĩ rằng chị Vân là con rắn nên mới xuống tay…

Không chỉ giết hại người thân, hàng xóm, nhiều kẻ nghiện đã gây ra những vụ đột nhập nhà dân để trộm cắp tài sản lấy tiền mua ma túy. Khi bị chủ nhà phát hiện chúng sẵn sàng sử dụng hung khí mang theo chống trả quyết liệt, gây ra nhiều cái chết thương tâm.

 

Đối tượng Nguyễn Văn Kỳ, kẻ thực hiện hành vi tàn ác trong gia đình ông Nguyễn Lương Chuân ở huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Người dân thôn 9, xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội vẫn nhắc mãi vụ Nguyễn Văn Kỳ sát hại nhiều người trong gia đình ông Nguyễn Lương Chuân đêm 6-12-2015, khi y đột nhập vào nhà nạn nhân để khua khoắng. Vốn nghiện ma túy nặng, sau khi ra tù hàng đêm Kỳ vẫn đi "tuần" khắp các thôn xóm, xem có nhà nào sơ hở thì tìm cách đột nhập. Tai họa ập xuống gia đình ông Chuân khi nửa đêm họ phát hiện có trộm, cả nhà xúm vào bắt giữ nên 2 người đã bị Kỳ đâm chết tại chỗ.

 

Đối tượng Đinh Công Tráng - thủ phạm vụ giết người, cướp tài sản đêm 17-8-2018 ở Hưng Yên.

Mới đây, Đinh Công Tráng - thủ phạm vụ giết cướp tại số nhà 6 - đường Linh Đài, phường Hồng Châu, TP Hưng Yên, Hưng Yên cũng là một "con nghiện" nặng. Đêm 17-8-2018 Tráng "đột vòm" vào nhà anh chị Hoa - Trường. Bị chủ nhà phát hiện, Tráng đã dùng con dao bầu đâm các nạn nhân đến chết. Vụ cướp 4,5 tỷ đồng xảy ra ngày 5-9-2018 tại Chi nhánh Ngân hàng Vietcombank, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cũng do 2 "con nghiện" là Trần Hoàng Nhất Hùng 36 tuổi và Đàm Minh Quang 30 tuổi thực hiện. Để có tiền mua ma túy, trước đó 4 tháng chúng đã theo dõi mục tiêu và chế tạo ra 5 khẩu súng có tính sát thương cao để làm hung khí gây án.

Bất cập trong chính sách

Hiện nay bài toán cần làm gì để siết chặt quản lý người nghiện tại cộng đồng, phòng ngừa tội phạm… thực sự khó giải. Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc một hãng luật phân tích: "Hiện nay người nghiện ma túy dường như được "thả rông" chính vì quan điểm tiếp cận mới về vấn đề người nghiện ở nước ta.

Nếu như trước đây, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị coi là một tội phạm, quy định tại Điều 199, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, thì với việc coi người nghiện là người bệnh, điều này đã bị hủy bỏ theo quy định tại khoản 36, điều 1 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS năm 2009. Theo đó hành vi sử dụng ma túy chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 21, Nghị định 167/2013. Như vậy, một công cụ hữu hiệu để trấn áp loại tệ nạn nguy hiểm này đã không còn.

Mặt khác, việc không siết chặt "cầu", sẽ kích thích "cung". Vì thế mà hoạt động phòng chống tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy ngày càng cam go, khốc liệt hơn bao giờ hết".

Phân tích những tồn tại của hành lang pháp lý hiện hành về quản lý người nghiện ma túy, Thượng tá Trịnh Kim Vân, nguyên Điều tra viên cao cấp của Công an TP Hà Nội nói: "Có thể chỉ ra hàng loạt bất cập trong hệ thống pháp luật về quản lý người nghiện ma túy hiện nay. Chẳng hạn, việc Luật Phòng, chống ma túy đòi hỏi người nghiện phải tự giác tự khai báo và đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là không khả thi trên thực tế; Điều 103, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định hồ sơ đề nghị đưa người vào Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc phải có Giấy xác định tình trạng nghiện, thế nhưng người nghiện đâu có tự giác hợp tác để có được các triệu chứng đó. Rồi cũng phải có thời gian lưu giữ đối tượng để theo dõi các dấu hiệu lâm sàng. Nhưng lưu giữ ở đâu, do ai lưu giữ, kinh phí đâu… thì lại chưa có quy định cụ thể. Việc không xác định được tình trạng nghiện đã gây rất nhiều khó khăn cho Công an cơ sở trong việc thống kê, báo cáo, lập hồ sơ quản lý và đề xuất hình thức cai nghiện phù hợp".

Theo Thượng tá Trịnh Kim Vân, hiện nay vẫn có sự thiếu thống nhất và chồng chéo giữa Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) và Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Chẳng hạn, Luật PCMT quy định đối với người chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc phải áp dụng biện pháp quản lý sau cai từ 1 đến 2 năm. Trong khi đó, Luật XLVPHC lại quy định người chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc được trả về địa phương; Luật PCMT quy định cai nghiện bắt buộc cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi, trong khi Luật XLVPHC chỉ áp dụng biện pháp này cho người từ 18 tuổi trở lên;

Luật PCMT quy định người được coi là nghiện ma túy là phải lệ thuộc vào ma túy, tức là sau 24 tiếng phải xuất hiện hội chứng sau cai. Tuy nhiên Điều 122 Luật XLVPHC lại quy định không được tạm giữ hành chính với đối tượng liên quan đến ma túy… Ngoài ra, quan điểm tiếp cận giữa các bộ, ngành về vấn đề quản lý người nghiện có sự khác nhau. Nếu như Bộ Công an mong muốn đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc để bảo đảm ANTT, thì các ngành liên quan như Y tế và Lao động lại tiếp cận vấn đề trên cơ sở coi người nghiện là người bệnh, cung cấp cho họ các dịch vụ và để họ tự nguyện lựa chọn…

Việc thay đổi quan điểm tiếp cận, hướng đến công tác dự phòng và chuyển hướng cai nghiện bắt buộc là chủ yếu, sang cai nghiện tự nguyện… là chủ trương nhân văn, thế nhưng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

Thực tế thời gian qua cho thấy việc cai nghiện tại cộng đồng đạt hiệu quả thấp, tình trạng tái nghiện rất phổ biến. Thiết nghĩ, để bảo đảm cho lợi ích lớn hơn đó là sự an toàn cho cộng đồng sau quá nhiều tội ác do người nghiện gây ra, việc siết chặt quản lý người nghiện bằng hành lang pháp lý chặt chẽ, thống nhất, đảm bảo thuận lợi cho việc thu gom, xử lý người nghiện vi phạm pháp luật, linh hoạt trong thủ tục đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc…là lời giải cho bài toán khó này.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top