Trợ giúp pháp lý lưu động

Mang luật pháp đến với nhân dân vùng biên

09:01 - Thứ Tư, 06/03/2019 Lượt xem: 6599 In bài viết

ĐBP - Ðể nhân dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nâng cao hiểu biết về pháp luật, thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh (Sở Tư pháp) đã tổ chức nhiều buổi truyền thông, trợ giúp pháp lý lưu động đến tận cơ sở. Ðó được coi là một giải pháp hiệu quả để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân và chia sẻ những khó khăn về pháp lý với người dân trên địa bàn tỉnh.

 

Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức truyền thông và trợ giúp pháp lý lưu động cho người dân bản Tâu, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên).

Buổi tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động đầu tiên trong năm 2019 được các trợ giúp viên pháp lý, cán bộ tư pháp thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức tại bản Tâu, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên). Dù cách TP. Ðiện Biên Phủ không xa, song bản Tâu lại là bản biên giới, người dân có nhiều thắc mắc cần được trợ giúp pháp lý nên ngay từ sớm, buổi tuyên truyền đã thu hút đông đảo bà con tham gia. Họ đến không chỉ để nghe giới thiệu, phổ biến pháp luật mà còn nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý về các vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai, chính sách ưu đãi người có công, phát triển và bảo vệ rừng, chế độ hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế…

Có mặt tại đây, ông Lò Văn Pánh, Ðội trưởng đội 5, bản Tâu, xã Hua Thanh, cho biết: Bản chúng tôi gồm có 3 đội: 5, 6 và 7. Hôm nay, địa phương thông báo có cán bộ, trợ giúp viên pháp lý xuống tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động cho dân bản nên ngay từ sớm người dân đã tập trung đông đủ. Bà con đã chuẩn bị nhiều câu hỏi, thắc mắc liên quan đến chế độ chính sách hỗ trợ, vấn đề tranh chấp đất đai và đã được các cán bộ trong đoàn công tác giải đáp. Cũng nhờ có những buổi tư vấn này nên các thắc mắc của bà con mới được giải đáp. Vì người dân không am hiểu luật pháp nên rất cần sự giúp đỡ của cán bộ tư vấn...”.

Ông Quàng Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên), cho biết: Buổi trợ giúp pháp lý truyền thông lưu động hôm nay, đoàn công tác của Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã lồng ghép tổ chức sinh hoạt chuyên đề, giới thiệu các nội dung cơ bản về quy định của pháp luật theo yêu cầu từ những người tham dự, chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực pháp luật, như: Ðăng ký, thay đổi, bổ sung, cải chính hộ tịch theo Luật Hộ tịch năm 2014; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Luật Ðất đai và một số quy định cơ bản của pháp luật hình sự, dân sự… Qua đó đã đem lại những kiến thức pháp luật rất hữu ích và giải đáp được nhiều thắc mắc cho nhân dân trên địa bàn.

Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, để người dân được nhanh chóng tiếp cận với kiến thức pháp luật là cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền pháp luật lưu động trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Trợ giúp viên pháp lý Trần Thị Sáu, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, chia sẻ: Thực tế, việc hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền lưu động ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn. Do địa bàn các huyện miền núi rộng, đường sá đi lại vất vả, có những thôn, bản đi bộ nửa ngày mới tới nơi; trong khi nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp pháp lý còn mỏng, nên mặc dù cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó, do đặc điểm cuộc sống bà con là ban ngày đi làm nương xa, có khi vào tận trong rừng sâu, nên thường phải tổ chức sinh hoạt vào buổi tối, khiến số lượng người tham gia hạn chế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, càng ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đặc biệt khó khăn thì công tác trợ giúp pháp lý càng cần thiết bởi nhận thức và hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc ở nơi đây còn hạn chế rất nhiều. Chính vì vậy, trước mỗi buổi trợ giúp pháp lý, Trung tâm đều khảo sát nhu cầu của nhân dân để xây dựng kế hoạch cụ thể; sao cho việc trợ giúp được tiến hành phải phù hợp với đặc điểm của địa phương, đối tượng cụ thể. Việc cung cấp tờ rơi, tờ gấp pháp luật và thực hiện giới thiệu văn bản pháp luật mới cũng được đơn vị thực hiện thường xuyên; đồng thời cung cấp địa chỉ của trung tâm, các chi nhánh hỗ trợ pháp lý ở các huyện để người dân đến đó được trợ giúp pháp lý miễn phí.

Xác định việc trợ giúp pháp lý lưu động có vai trò quan trọng đối với nhân dân, năm 2018, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã tiến hành gần 30 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 165 thôn, bản thuộc 35 xã trên địa bàn tỉnh; thu hút gần 7.400 người tham gia. Ðơn vị cũng đã tiến hành tư vấn hơn 500 vụ việc cho người dân có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý…

Với phương châm “Hướng về cơ sở”, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, các Chi nhánh Trợ giúp pháp lý ở các huyện cùng đội ngũ cộng tác viên trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động. Qua đó, đã giúp người dân được tiếp cận, thụ hưởng kịp thời dịch vụ pháp lý miễn phí ngay tại cơ sở; góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top