“Tín dụng đen” và những hệ lụy

09:41 - Thứ Năm, 28/03/2019 Lượt xem: 8255 In bài viết

ĐBP - “Thủ tục nhanh chóng, nhận tiền ngay”, “giải ngân trong vòng 24 giờ”, “cho vay trả góp”…  là những lời mời hấp dẫn đối với những người đang cần tiền gấp. Ðến với những cá nhân, tổ chức cho vay này, người vay có thể được “giải ngân” từ vài triệu đến hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng trong tích tắc… Thế nhưng, đằng sau sự dễ dàng đó lại tiềm ẩn rủi ro vô cùng lớn đối với người vay bởi lãi suất “cắt cổ”. Hình thức cho vay đó bấy lâu người ta vẫn thường gọi là “tín dụng đen” (cho vay nặng lãi - PV).

Câu chuyện về “tín dụng đen” không phải đến nay mới xuất hiện ở địa bàn miền núi như Ðiện Biên. Thực tế “tín dụng đen” đã xuất hiện từ lâu dưới nhiều hình thức, như: cầm đồ, cho vay đáo hạn ngân hàng, cho vay tiêu dùng hoặc cho vay tài chính có trưng biển hiệu... Thời gian gần đây hoạt động này trở nên rầm rộ hơn. Ðối tượng khách hàng chính mà các tổ chức, cá nhân này nhắm đến là sinh viên, những người buôn bán nhỏ ít vốn, đang cần tiền gấp.

Trong vai người cần tiền gấp, chúng tôi tới địa chỉ có tên “Hỗ trợ tài chính P.” ở phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ). Sau khi trình bày có nhu cầu vay vốn, chúng tôi được một người đàn ông hướng dẫn: “Em có tài sản gì thì để lại đây. Tùy theo giá trị tài sản, em sẽ được vay theo các mức khác nhau. Tài sản có giá trị thì được vay cao, tài sản ít giá trị thì vay thấp. Riêng chiếc xe máy của em kia sẽ vay được 10 triệu đồng. Lãi suất 4.000 đồng/triệu đồng/ngày. Nếu em cầm cố tài sản khác, sẽ được cho vay thêm nhưng lãi suất khác”. Như vậy, cứ theo cách giải thích và hướng dẫn của người đàn ông này, vay 10 triệu đồng tại đây thì 1 tháng sẽ phải trả tiền lãi tới 1,2 triệu đồng.

Tiếp tục trong vai người cần tiền gấp, chúng tôi đến tiệm cầm đồ, hỗ trợ tài chính LS. Chưa cần hỏi điều kiện tín chấp, phía tiệm cầm đồ, hỗ trợ tài chính LS. thông tin: lãi suất từ 4.000 - 7.000 đồng/triệu đồng/ngày (tùy vào tài sản cầm cố hoặc thế chấp). Nghe xong, chúng tôi giật mình với lãi suất cao ngất mà bên cho vay đưa ra. Theo tính toán của chúng tôi, với lãi suất 4.000 - 7.000 đồng/triệu đồng/ngày (tương đương 0,4 - 0,7%/ngày), lãi suất này tính theo năm sẽ lên tới 144 - 252%/năm. Ðiều này đồng nghĩa việc sau khi ký vào giấy vay nợ, người vay phải chịu một mức lãi suất “cắt cổ”.

Thủ tục nhanh chóng, tiện lợi là những gì các cá nhân, tổ chức “tín dụng đen” đang thực hiện để thu hút khách hàng. Thế nhưng đằng sau những lời mời ngọt ngào đó là hệ lụy đáng sợ. Qua tìm hiểu của chúng tôi, chưa tính các huyện trên địa bàn tỉnh, riêng khu vực TP. Ðiện Biên Phủ có hàng chục, thậm chí nhiều hơn nữa các cá nhân, tổ chức tín dụng đen dưới “vỏ bọc” cầm đồ, hỗ trợ tài chính, vay trả góp… Với “mạng lưới” phủ khắp thành phố như thế đã có nhiều người phải “sống dở, chết dở” sau khi vay đến hạn chưa có tiền để trả. Hàng ngày, họ không chỉ nhận những cuộc điện thoại dọa nạt, thúc giục đòi nợ mà còn bị người lạ đến tận nhà đòi nợ thuê. Trong tâm lý lo sợ, anh T.Y.C., TP. Ðiện Biên Phủ, bộc bạch: “Do cần tiền gấp lo việc cá nhân, trong khi hồ sơ thủ tục để đảm bảo điều kiện được vay tại các ngân hàng lại thiếu nên tôi chấp nhận vay nặng lãi. Tuy nhiên, khi chưa có tiền trả và để quá hạn, tôi thường xuyên bị thúc giục, hăm dọa. Ðến nay, khi đã hoàn tất việc trả nợ, tôi mới thở phào nhẹ nhõm và nghĩ sẽ không bao giờ tìm đến các tổ chức này để vay tiền nữa”.

Trường hợp của anh T.Y.C. không phải là hiếm bởi ngoài anh C., rất nhiều người đã phải sống trong tâm trạng hoang mang lo sợ. Hoang mang không những vì sợ không có tiền trả mà còn vì bị đe dọa về mặt tinh thần, thể xác.

Ðể hạn chế những hệ lụy của hoạt động “tín dụng đen” gây ra trên địa bàn, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng bất hợp pháp. Ðồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các chính sách liên quan đến tài chính, quy định của pháp luật về việc vay, huy động, sử dụng vốn an toàn; phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ... Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, để bảo vệ bản thân, gia đình, người có nhu cầu về tài chính cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật, khi thực hiện hợp đồng vay tiền, cần phải đọc kỹ nội dung. Nếu không rõ thì nên nhờ người tư vấn, tránh ký vào giấy vay nhận mà không hiểu nội dung sẽ gây hệ lụy về sau.

Quang Long
Bình luận
Back To Top