Vấn đề hôm nay

Cảnh giác hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo để truyền bá mê tín, cổ súy chống phá

16:28 - Thứ Hai, 01/04/2019 Lượt xem: 8188 In bài viết

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước câu chuyện “cúng vong” giải nghiệp tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh.

Dù biết những hủ tục vẫn tồn tại trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta song khi “góc tối” được phơi bày lên mặt báo, mọi người vẫn không khỏi giật mình. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phản động tìm cách xuyên tạc, chống phá.

Qua câu chuyện “thỉnh vong” giải nghiệp trên, một lần nữa chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận, phát hiện những lệch lạc để chấn chỉnh các hoạt động không đúng đắn trong lĩnh vực tôn giáo.

Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Những biến động trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước đã hun đúc, hình thành nên một nước Việt Nam đa tôn giáo, đa tín ngưỡng. Các hoạt động văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá của người Việt Nam. Nhận thức được vai trò của tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mọi người, tạo điều kiện cho tôn giáo phát triển.

Tại Đại hội X, Đảng ta chỉ rõ: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam”.

Đến Đại hội XII, Đảng ta nhất quán quan điểm về tôn giáo. Đảng ta khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”.

Hiện nay, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta rất phong phú. Cùng với các tôn giáo, tín ngưỡng có lịch sử lâu đời, nhiều hiện tượng tôn giáo mới cũng đã xuất hiện ở Việt Nam. So với hoạt động tôn giáo ở nước ngoài, hoạt động tôn giáo ở Việt Nam có những đặc điểm hết sức đặc thù. Một số tôn giáo khi được truyền bá vào nước ta đã được “Việt hoá”, pha trộn với các tín ngưỡng dân gian hình thành nên những nét văn hoá đặc biệt.

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy tôn giáo đã có những đóng góp không nhỏ trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay, trong lĩnh vực tôn giáo đang phát sinh không ít vấn đề nổi cộm. Nếu không cẩn trọng đánh giá đúng bản chất và có cách xử lý phù hợp, những vấn đề này sẽ trở thành các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Đánh giá về các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia trong lĩnh vực tôn giáo, trước hết, đó là vấn đề “thị trường hoá”, “vật chất hoá” đời sống tôn giáo. C.Mác từng đưa ra quan điểm: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. 

Thực tế, tôn giáo là chỗ dựa về mặt tinh thần cho những người đi theo. Ở một số khía cạnh, tôn giáo thúc đẩy con người sống tốt hơn. Nhưng đồng thời, “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Nhiều đối tượng đã lợi dụng đời sống tôn giáo để chi phối tâm tưởng của mọi người nhằm mục đích vụ lợi cá nhân. Họ biến tướng, xuyên tạc các giáo lý, giáo luật của các tôn giáo; họ rao giảng những vấn đề “phi tôn giáo” để hình thành thế giới quan sai lệch cho các tín đồ. 

Câu chuyện “cúng vong” giải nghiệp ở chùa Ba Vàng gần đây là một trong những ví dụ tiêu biểu cho vấn đề này. Để rồi sau đó, những kẻ “giật dây” phía sau, những kẻ núp dưới vỏ bọc nhà tu hành, chức sắc, chức việc trong tôn giáo thu về những lợi ích vật chất kếch xù. Ngược lại, người cả tin đi theo ngày càng u mê. Có thể khẳng định, nếu không ngăn chặn đây là một con đường nguy cơ gây nhiều hệ lụy.

(Xem tiếp trang 7) Nguy cơ lớn khác trong lĩnh vực tôn giáo là sự lợi dụng của các thế lực thù địch, chống đối nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tôn giáo được xác định là một “mặt trận” quan trọng trong việc thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Các đối tượng phản động, chống đối luôn lợi dụng vấn đề tôn giáo để gây sức ép cho Việt Nam, từ đó tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ nước ta. Một mặt, các thế lực thù địch xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, vu khống nước ta không có tự do tôn giáo. Mặt khác, chúng không ngừng truyền đạo trái phép vào Việt Nam – một cách để xây dựng lực lượng chính trị - xã hội đối lập trong lòng Việt Nam. 

Thời gian qua, những cái tên tôn giáo lạ lẫm như Hội thánh Đức Chúa trời, Vàng chứ, Hà Mòn (của Dương Văn Mình), Thanh Hải Vô thượng sư, Pháp môn diệu âm… từng khiến nhiều người cả tin đi theo, gây phương hại tới tình hình ANTT ở một số nơi. Nguy hiểm hơn, các đối tượng phản động trong tôn giáo thường có mối liên hệ mật thiết với các đối tượng phản động, chống đối trong lĩnh vực dân tộc. Những sự câu kết giữa phản động trong tôn giáo và dân tộc có thể kể đến như “Tin lành Đề ga” trong người Thượng ở Tây Nguyên; tà đạo "Vàng Chứ" trong dân tộc Mông, tà đạo "Thìn Hùng" trong dân tộc Dao ở Tây Bắc v.v… 

Từ các buổi rao giảng giáo lý, giáo luật của tôn giáo, các đối tượng còn lồng ghép tư tưởng phản động, chống đối, phát tán các tài liệu có nội dung kích động quần chúng nhân dân. Đồng thời, các đối tượng này còn thực hiện các hành vi tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia các tổ chức phản động; tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường đối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tình hình đất nước. Các đối tượng phản động trong tôn giáo vừa kích động, gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa các tôn giáo với nhau, vừa tuyên truyền tư tưởng ly khai dân tộc khiến cho tình hình an ninh phức tạp.

Bảo vệ an ninh tôn giáo là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Đời sống tôn giáo phát triển, đi liền với đó là những vấn đề bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá, nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia. Nếu các cơ quan quản lý tôn giáo và các cơ quan có chức năng cũng như người dân mất cảnh giác, không kịp thời nắm bắt tình hình, đánh giá xu hướng trong lĩnh vực tôn giáo và có biện pháp xử lý những sai phạm trong hoạt động tôn giáo thì tình hình sẽ rất phức tạp.

Do đó, đi liền với việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo của người dân, chúng ta phải kịp thời phát hiện các biểu hiện lệch lạc, sai trái trong lĩnh vực tôn giáo để ngăn chặn. Với những kẻ “đầu cơ trục lợi”, lợi dụng tôn giáo, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định pháp luật. Đảm bảo môi trường tốt đạo, đẹp đời, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top