"Tín dụng đen" thời công nghệ 4.0

14:41 - Thứ Năm, 11/04/2019 Lượt xem: 9672 In bài viết

Vấn nạn "tín dụng đen" đã và đang được các cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, đẩy lùi với quyết tâm cắt cho được "chiếc vòi bạch tuộc" của nó. Trước những cuộc vây ráp, truy quét trên diện rộng "tín dụng đen" tạm thời thu mình lại và thời gian gần đây đã biến tướng theo phương thức "4.0" (tín dụng đen online).

1.Không trực tiếp thông qua "đầu nậu" như "tín dụng đen" truyền thống, "tín dụng đen" online hoạt động mạnh trên các link quảng cáo, các trang mạng xã hội. Sức lan tỏa của công nghệ 4.0 nhanh chóng truyền tải những lời mời gọi hấp dẫn của "nhà cái", len lỏi vào tận ngõ ngách, tràn về các vùng quê hẻo lánh.

Trên Google, chỉ cần gõ từ khóa "vay tiền nhanh" lập tức hiện ra hàng ngàn kết quả. Trên trang quảng cáo, các địa chỉ cho vay tiền đều đưa ra những lời rao đầy mê hoặc, chứa nhiều "mật ngọt" như "giải ngân trong vòng 10 phút, không thế chấp tài sản, giấy tờ, cam kết bảo mật khoản vay, ký hợp đồng tại bất kì địa điểm nào bạn muốn...".

 

Sau khi trả nợ "cắt cổ", T. nhận ra mình bị lừa.

Thủ tục vay cực kỳ đơn giản, khách hàng chỉ cần điền thông tin cá nhân, số tiền vay và đăng ký. Chỉ như thế là đủ, không cần rườm rà, không cần kê khai tất cả mọi thông tin cá nhân như nơi ở, nơi làm việc...

Lần theo số điện thoại trên link quảng cáo "vay tiền nhanh", chúng tôi được một người đàn ông trung niên tiếp chuyện. Phía đầu dây bên kia hỏi chúng tôi ở khu vực nào, muốn vay bao nhiêu tiền trong giới hạn từ 1 đến 10 triệu. Chúng tôi ngỏ ý muốn vay nhiều hơn 10 triệu, người đàn ông nói không được vì "quy định lần đầu tiên" của công ty.

Có nghĩa là bất cứ khách nào vay tiền nhanh lần đầu cũng không được vượt quá 10 triệu, nhằm đảm bảo giới hạn rủi ro cho công ty. Anh nhân viên tư vấn cho biết, có vài trường hợp vay tiền nhanh rồi đi nước ngoài mất tích hoặc đi tù khiến việc đòi nợ vào ngõ cụt, công ty mất trắng tiền.

Trường hợp chúng tôi muốn vay nhiều thì phải có tài sản thế chấp bao gồm giấy tờ nhà đất, hộ khẩu, hợp đồng lao động. Tuy nhiên, phía công ty luôn ưu tiên thế chấp bằng các loại thẻ của cơ quan nhà nước. Trường hợp này, chỉ cần gửi lại cái thẻ phô tô là có thể được giải ngân trong vòng "một nốt nhạc".

Sau một hồi tư vấn, chúng tôi được hướng dẫn điền thông tin vào mục "vay tiền nhanh" trên trang web quảng cáo. Sau khi điền đầy đủ, sẽ có người bên công ty liên hệ. Khoảng 30 phút sau, một giọng nữ ngọt ngào, nhẹ nhàng gọi điện cho chúng tôi hẹn gặp để ký hợp đồng và nhận tiền vay. Giọng nữ bảo nếu làm việc ở TP. Hồ Chí Minh thì gặp ở quận 3 hoặc quận 1 là thuận tiện nhất.

Đó là cách giao dịch vay tiền online đang thịnh hành và phổ biến ở các thành phố lớn. Một khi trở thành con nợ, người vay sẽ bị tra tấn liên tục bằng điện thoại, nhất là những ngày gần tới hạn phải trả, họ nhắn tin, gọi điện không quản ngày đêm. Rất nhiều trường hợp bị "khủng bố" khi trễ hẹn trả nợ và phải trả lãi phạt còn hơn cắt cổ.  

2.Do gia đình ở quê có việc gấp nên Lê Ngân T. (25 tuổi, ngụ Đồng Nai) đã vay 10 triệu đồng từ mô hình "vay tiền nhanh" trên mạng. T. được hướng dẫn khai hồ sơ trực tuyến rồi có nhân viên của công ty liên hệ gặp mặt để ký hợp đồng. Công đoạn giải ngân mất khoảng 4 tiếng.

Lãi suất được tính theo ngày với mức dao động 15 - 25%/ngày, một tháng đóng một lần. Công việc bấp bênh nên có những tháng T. trả chậm vài ngày thì bị nhân viên gọi điện đòi liên tục, dọa nạt sẽ "chịu mọi hậu quả". Tiền lãi phạt trả chậm cũng bị "nhà cái" đôn lên gấp 5 lần so với hợp đồng. Họ lý giải đây là "tiền lãi con" do chưa trả được lãi mẹ.

Quá hoảng sợ, lo lắng trước kiểu đòi nợ cũng như cách tính lãi "cắt cổ" của công ty, T. đã phải bán chiếc xe máy, vay thêm bạn bè để trả cho hết. Trả trước ngày thanh lý hợp đồng, T. tiếp tục bị phạt 5% trên tổng số tiền vay. Thấy quá vô lý, T. cãi nhau với nhân viên đòi nợ.

Một ngày sau, có cuộc điện thoại gọi cho T. giới thiệu là trưởng nhóm "đòi nợ" hăm dọa, nếu không chấp nhận phạt thì công ty sẽ không thanh lý hợp đồng. Quá rắc rối và bất an, T. đành cắn răng chịu đựng trả cho xong nợ. Rốt cuộc, vay 10 triệu trong vòng 3 tháng, T. phải trả trên 20 triệu.

Trả xong được khoản nợ "khủng khiếp", những tưởng sẽ được yên ổn sống, nào ngờ ít ngày sau, điện thoại của T. liên tục có những cuộc gọi lạ. Đầu dây bên kia là giọng cả nam lẫn nữ mời chào vay tiền nhanh. Dù đã trả lời dứt khoát là không có nhu cầu, họ vẫn làm phiền T. bất cứ lúc nào, nhiều nhất là vào giữa trưa hai ngày cuối tuần.

Để thực hiện bài viết này, chúng tôi tìm cách liên hệ được với Lê Văn H. (35 tuổi), một "đầu nậu" chuyên về hoạt động cho vay tiền nhanh. H. làm nghề được ngót 10 năm, rất chuyên nghiệp và sành sỏi. Vẻ bề ngoài, H. thư sinh và dịu dàng nhưng khi xuất đầu lộ diện đi đòi nợ thì H. lột xác thành bộ mặt "dao kiếm" với ánh mắt vằn máu.

 

Quảng cáo "tín dụng đen" vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

 

Những lời quảng cáo có cánh trên các trang web vay tiền nhanh.

H. khi mới chân ướt chân ráo từ Hải Dương vào TP. Biên Hòa (Đồng Nai) làm một anh công nhân chà nhám ở xưởng gỗ. 3 năm làm việc chỉ đủ ăn mà thời gian thì gò bó, H. theo một người bạn lên TP. Hồ Chí Minh gia nhập công ty đòi nợ thuê ở quận Tân Bình. Tại đây, người ta huấn luyện, dạy bảo cho H. khoảng một tuần để "hành nghề".

Sau vài trận xâm nhập thực tế, H. nhận ra mình không đủ "dũng khí" để đi làm cái nghề "chân tay" như vậy. H. xin chuyển sang lĩnh vực khác, đó là làm đầu mối giao tiền. Nhiệm vụ của H. chỉ việc đi ký hợp đồng và giao tiền cho khách vay chứ không liên quan đến việc đòi nợ.

Theo bật mí của H., hiện nay hình thức vay tiền online rất "văn minh, lịch thiệp", ít phải đụng chân tay như kiểu "xã hội đen". Nếu con nợ không trả đúng ngày thì cứ việc tính phạt thật cao như thỏa thuận ban đầu. Còn hợp đồng thì giấy trắng mực đen rõ ràng, đúng pháp luật.

Con nợ của công ty H. thường nhắm tới là sinh viên, nhân viên văn phòng hoặc người lao động có chỗ ở và nguồn gốc rõ ràng nên mức độ rủi ro là rất thấp. Các đối tượng này một khi có ý định chây ì, sẽ có ngay vài anh tìm đến tận công ty hoặc trường học "nhắc nhở".

Nguyễn Mạnh P., sinh viên năm 3 một trường đại học đóng tại quận 5, TP. Hồ Chí Minh hiện đang phải oằn mình trả nợ khoản vay 5 triệu đồng. Cách đây hơn một tháng, P. cần tiền đóng học phí Anh văn nên đánh liều gọi điện lên tổng đài vay tiền nhanh.

Ngoài phải "cắm" thẻ sinh viên, P. còn phải để lại 5 số điện thoại cùng tên họ của những người thân trong gia đình. Nhân viên cho vay sẽ kiểm chứng ngay tại đó bằng việc yêu cầu P. gọi điện cho từng thành viên, bật loa to để xác nhận nhân thân. Hoàn tất thủ tục giấy tờ, T. được giao tiền với lãi suất 5 ngàn đồng/ngày/một triệu.

P. ghi nợ vay trong vòng 2 tháng, với tổng số tiền lãi phải trả của 5 triệu là 1.500.000 đồng, nếu trả tiền trước thời hạn vẫn phải mất từng đó tiền lãi. Gần đến hạn trả tiền, P. liên tục bị gọi nhắc nhở, thúc ép, họ dọa nếu không trả đúng lịch sẽ gửi giấy tờ vay nợ tới nhà trường. Dù rất khó khăn, P. buộc phải về quê nhờ bố mẹ bán cà phê non để trả.

3. "Tín dụng đen" không chỉ hoành hành ở các thành phố lớn mà còn tràn về làng quê, nơi hẻo lánh nhất cũng có thể "dính bẫy". Tại các xã Ea Kiết, Cư Suê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, người dân bán hồ tiêu, cà phê sắm điện thoại smatphone "lướt web" để tiếp cận với thế giới công nghệ số.

Từ sự hiểu biết "bập bẹ" mạng Intener, không ít bà con đã bị "tín dụng đen" online lôi kéo. Bà H'Liu (46 tuổi) hiện đang giở khóc dở cười với khoản vay 10 triệu đồng từ dịch vụ "vay tiền nhanh". Nói là không thế chấp gì cả nhưng nhân viên cho vay đã về tận nhà bà H'Liu để kiểm tra, do thám tình hình kinh tế.

Khi thấy nhà bà có 3 con bò, một đàn heo, họ mới tiến hành làm hợp đồng, nếu không trả nợ đúng hẹn, bà phải chịu mọi phí phạt do công ty đưa ra. Lần đầu tiên tiếp cận vốn vay quá dễ dãi lại nhanh chóng, bà H'Liu vui ra mặt. Đi đâu bà cũng khoe và "mách nước" cho hàng xóm dịch vụ vay tiền này.

Cả đời hồn nhiên sống ở buôn làng, bà H'Liu cứ thủng thỉnh không hề lo lắng gì đến khoản vay. Khi gần tới hẹn trả nợ, nhân viên sẽ gọi điện báo cho bà chuẩn bị. Tháng nào không chạy kịp, bà lại bán tháo con lợn hoặc ra đại lý cắm cà phê non. Có tháng bà không kịp trả, họ cho người xuống tận nhà đòi, dùng lời lẽ đậm chất dọa dẫm để bà hiểu. Bà lại phải đi bán lúa trả nợ.

Khoản vay 10 triệu đồng, bà H'Liu dùng mua phân bón và tậu được chiếc tivi nhưng khi trả hết cả gốc lẫn lãi, bà phải bán mất một con bò, một con lợn nái, mấy tạ cà phê, vài bao lúa. Sau khi thanh lý hợp đồng bà mới sực tỉnh là đã mất mát quá nhiều, suýt chút nữa thì tán gia bại sản. Bà đi khuyên mọi người đừng dây vào trò vay tiền trên mạng nữa nhưng đã có kha khá "con mồi" đang "ngắc ngoải".

Ở vùng nông thôn Tây Nguyên, "tín dụng đen" truyền thống lẫn hiện đại đã làm biết bao gia đình lâm nạn. Khoảng vài ba năm trước, người cho vay nặng lãi đổ lên núi như dân buôn nông sản. Họ dán quảng cáo chi chít, trắng xóa khắp các cây cột điện, đèn đường, rải tờ rơi vào tận nhà.

Đến khi chính quyền vào cuộc, có các buổi tuyên truyền cảnh báo, công an mở đợt tấn công truy quét thì "tín dụng đen" truyền thống có phần giảm nhưng đến nay lại bắt đầu ngoi ngóp vùng dậy bằng chiêu thức khác tinh vi và hiện đại hơn.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top